Nhưng chính danh xưng và những trò ma quái này đã khiến ông ta bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng. Sau 5 năm cải tạo trở về, người đàn ông này đã học cách bốc thuốc nam để chữa bệnh cứu người. Ông bảo, đó cũng là cách để ông "trả nợ" cho những năm tháng sai lầm của tuổi trẻ.
Dùng chiêu trò quái đản để được suy tôn
Người đàn ông mà chúng tôi nhắc tới là Bùi Văn Hiển, SN 1956, ở bản Thấu, xã Lạc Sĩ, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Khi hỏi thăm đường tới nhà "vua Hiển" nhiều người dân đã nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi và họ cũng không quên cải chính rằng, "vua Hiển" là cách gọi ngày xưa thôi. Bây giờ chúng tôi gọi ông ấy là thầy lang Hiển, vì ông ấy biết dùng thuốc nam để chữa bệnh mà". Để đến được ngôi nhà của "ông vua" nổi tiếng một thời, chúng tôi phải lội qua mấy con suối rồi trèo lên lưng chừng đồi.
Một góc bản Thấu.
Sau khi ra tận cửa nhà sàn đón khách, người đàn ông vạm vỡ, nhanh nhẹn cất tiếng nói sang sảng bảo với chúng tôi: "Đừng gọi là "vua" nữa nhé, xấu hổ lắm. Chuyện quá khứ rồi, bỏ qua đi". Thế nhưng khi chúng tôi gợi về những ngày tháng "làm mưa làm gió" tại bản Thấu, ông Hiển lại như bị nhập cuộc.
Ông kể lại cho chúng tôi nghe quãng đời tuổi trẻ nông nổi với các loại chiêu trò của mình. Hồi ấy ông mới 19 tuổi, giống như nhiều trai tráng trong bản, ông nhập ngũ. Đầu quân vào binh chủng quân khí rồi làm Trung đội trưởng đội tăng gia sản xuất 834, thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (cũ).
Trong thời gian này chàng trai bản Thấu làm quen với một người đồng đội thuộc dân tộc Dao. Người này có khả năng niệm chú, trừ tà, dùng miệng phi dao… Sau khi kết thân, Bùi Văn Hiển đã được người này truyền cho "bí quyết".
Năm 1981, sau khi ra quân, Bùi Văn Hiển đã dùng các thủ thuật mà mình học được để lòe bịp nhiều người. Phi vụ đầu tiên chàng trai bản Thấu khiến người ta mắt tròn mắt dẹt đầy thán phục là khi đoán chính xác số tiền trong túi của hai vợ chồng người bán quần áo.
Thấy hai vợ chồng này có một chiếc áo kim tuyến rất đẹp, vì muốn được sở hữu chiếc áo ấy nên ông Hiển đã cá cược: "Nếu cả hai vợ chồng ông dồn hết tiền trong túi ra mà được nhiều hơn hay ít hơn 42 đồng thì số tiền 81 đồng đây là của ông. Còn nếu tôi đoán đúng thì xin ông cái áo kim tuyến đó". Đến bản thân hai vợ chồng người bán quần áo cũng không biết trong túi mình khi đó có bao nhiêu tiền nên tin chắc ông kia đoán bừa vì thế họ đồng ý cá cược.
Trước sự chứng kiến của rất nhiều người, hai vợ chồng nọ đã móc hết tiền từ túi của mình ra để đếm. Kết quả khiến tất cả những ai có mặt đều bàng hoàng, bởi số tiền chuẩn xác 42 đồng, không thừa một cắc. Hai vợ chồng người bán hàng dù tiếc đứt ruột nhưng vẫn phải chấp nhận trao chiếc áo đẹp cho Hiển.
Một lần khác, trời khô hạn, cả bản Thấu vô cùng trông ngóng một cơn mưa. Hôm đó nhìn rễ cỏ gà ra trắng biết sắp có mưa nên Hiển vờ lấy cây dao niệm chú, chỉ lên trời tối rồi lẩm nhẩm đọc thần chú. Đúng đêm đó trời mưa thật, hôm sau dân trong bản đến nhà Hiển và suy tôn Hiển làm "vua".
"Thừa thắng xông lên", Hiển cùng mọi người kéo nhau đến nhà Trưởng thôn rồi phán: "Thần linh trong miếu muốn con lợn nhà ngươi vì nó nặng đúng 51 cân, 7 lạng. Nếu cân lên đúng như thế thì ngươi phải để cho dân làng thịt". Nhiều người hồi hộp không tin nhưng khi con lợn được cân lên có cân nặng đúng như lời Hiển nói không sai một lạng khiến Trưởng thôn mặt tái mét. Con lợn nuôi bao lâu giờ cũng đành mang ra thết đãi dân làng trong sự hò reo khôn xiết.
Được suy tôn làm "vua" nên cách ăn của gã cũng phải khác người thường. Mỗi lần có lễ gã phải được ăn trước, chỉ khi nào gã xua tay về phía trước, "dân đen" mới được ăn. Đồ dùng như bát, đũa gã phải dùng một mình mới linh thiêng. Trước khi dùng bữa, gã lấy con dao kiểm tra xem thức ăn có bị bỏ độc không? Có tên khốn kiếp nào nhổ nước bọt không?
Ông Bùi Văn Hiển kể lại câu chuyện về một thời lầm lỗi.
Ở vùng đất đấy, các cô gái chỉ cần nghe đến "vua Hiển" đã sợ xanh mắt. Nhiều tối, các cô đi chơi về gặp Hiển và đám thanh niên mới lớn chẳng biết Hiển làm thế nào mà ngực các cô đều phát ra tiếng ếch kêu "ộp oạp" làm các cô sợ chết khiếp, bỏ chạy thục mạng về nhà trước tiếng cười khoái trá của Hiển và trai bản.
Chính bởi những chiêu trò quái đản của "vua Hiển" nên đã khiến tình hình an ninh trật tự trong vùng trở nên hỗn loạn, tâm lý nhiều người hoang mang. Trước tình hình đó, Công an huyện Lạc Thủy đã báo cáo với Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) để xin hướng giải quyết. Để lập lại trật tự địa phương, cơ quan Công an ra quyết định bắt Bùi Văn Hiển.
Một cán bộ tham gia vây bắt "vua Hiển" ngày đó kể lại: Khi tới nhà, "vua Hiển" làm 20 mâm cỗ có thịt gà, thủ lợn, xôi, bánh chưng... bày trên các mâm. Còn "vua Hiển" thì tay cầm con dao, miệng đọc thần chú, sau đó nhân lúc sơ hở "vua Hiển" đã nhảy xuống nhà sàn rồi lao vào rừng mất hút.
Tuy nhiên, sau 20 ngày lẩn trốn Hiển đã được người chú ruột dẫn đến Công an xã Lạc Sĩ, Yên Thủy đầu thú. Năm 1982, "vua Hiển" bị kết án bảy năm tù tại trại Tân Kỳ, Nghệ An kết thúc những câu chuyện kỳ bí về "vua Hiển". Nhờ cải tạo tốt, Hiển đã được mãn hạn trước 2 năm.
Không thể sống mãi với quá khứ lầm lỗi
5 năm cải tạo trong trại giam, khi trở về cả cha và mẹ đã khuất núi, người vợ của ông Hiển cũng vì suy nghĩ nhiều dẫn đến bệnh nặng mà qua đời. Điều đó đã khiến ông vô cùng đau đớn. Đứa con trai của Hiển phút chốc thành đứa trẻ mồ côi.
Thương cảnh gà trống nuôi con nên cô gái cùng bản là Bùi Thị Chẻm đã chấp nhận gá nghĩa với ông Hiển để cùng ông nuôi con. Chính người phụ nữ này cũng đã cảm hóa ông Hiển, giúp ông làm lại cuộc đời.
"Lúc tôi mãn hạn tù trở về, nhiều người trong bản vẫn chưa chấp nhận tha thứ. Họ bảo tôi đã lợi dụng sự cả tin của họ. Lúc bị mọi người quay lưng, tôi cũng mặc cảm lắm, chả dám đi đâu ra đường, cũng không dám giáp mặt ai. May nhờ có vợ tôi bây giờ, bà ấy không những không xa lánh mà còn thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ bố con tôi. Biết bà ấy tốt nên tôi cũng đánh liều hỏi bà ấy có chấp nhận về ở với tôi không thì không ngờ bà ấy đồng ý" - ông Hiển bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian khó khăn của mình. Giờ đây, giữa ông và người vợ hiện tại đã có thêm hai người con.
Để trả nghĩa cuộc đời, ông Hiển đã tầm sư học đạo rồi sử dụng cây thuốc nam trên rừng vùng Lạc Thuỷ để cứu chữa những bệnh thông thường cho người dân trong bản. Một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu đó là chị Bùi Thị Thực (30 tuổi) ở huyện Cao Phong, Hòa Bình đẻ con bị sót nhau, cứ tưởng sẽ không có cách nào cứu vãn.
Có người trong gia đình chị Thực tìm lên tận nhà ông nhờ ông giúp đỡ, không quản ngại đường sá xa xôi, ông đã lấy thuốc rồi trực tiếp đến chữa trị cho bệnh nhân. Sau 3 ngày thì bệnh nhân sạch nhau, sức khoẻ hồi phục, bây giờ 2 gia đình vẫn đi lại như chỗ tình thân.
Con dao ông Hiền từng dùng để làm "phép" lừa mị dân làng.
Rồi những người trong bản bị cảm ốm cũng đến nhờ ông lấy thuốc, bệnh nhân nào ông cũng tận tình cứu chữa mà không nhận bất cứ đồng công nào. Thế nên giờ đây, thay vì gọi ông là "vua Hiển" thì người dân bản Thấu lại trìu mến gọi ông là thầy lang Hiển.
Ông tâm niệm rằng: "Cuộc đời lúc nào cũng phẳng lặng thì nhạt nhẽo lắm. Cũng phải có lúc sóng gió mới khiến người ta trưởng thành hơn chứ. Tuổi trẻ mà, ai cũng dễ mắc sai lầm lắm. Nhưng biết sai rồi thì phải sửa thôi, chứ nếu cứ ám ảnh với lỗi lầm trong quá khứ thì chả bao giờ sống tốt lên được”.
Ông Bùi Văn Vịnh, Trưởng bản Thấu cho biết: Bây giờ, ông Bùi Văn Hiển đã được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh, vợ chồng con cái chí thú làm rẫy, chăn nuôi, sống hòa nhập với hơn 60 hộ dân ở bản Thấu. Hiện ông Hiển đang dùng cây thuốc nam để chế thành những bài thuốc dân gian chữa bệnh, giúp người, bởi ông muốn trả nợ cuộc đời sau những lầm lỡ. |
Những ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc hoạt động rất tinh vi, bài bản song đã bị lực lượng chống tội phạm sử dụng...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn