Thế giới từng ghi nhận rất nhiều vụ cướp táo tợn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một số nhanh chóng bị lãng quên, nhưng có những vụ án người ta vẫn ghi nhớ và kể lại nhiều thập kỷ sau đó. Loạt bài “Những phi vụ cướp chấn động thế giới” sẽ hé lộ chi tiết ly kỳ sau mỗi lần gây án của những tên cướp ranh ma. |
Bản phác thảo chân dung D.B.Cooper.
Chuyến bay bão táp
Buổi chiều ngày 24/11/1971, người đàn ông nhanh chóng đến quầy vé tại Sân bay quốc tế Portland, mua chiếc vé một chiều tới Seattle (Washington), đăng ký dưới cái tên Dan Cooper, 45 tuổi.
Theo hồi tưởng của các nhân chứng, đó là người đàn ông trên 40, cao khoảng 1,8m, mặc bộ vest đen, áo sơ mi cổ trắng, cà vạt đen với chiếc gài đính ngọc trai.
D.B Cooper được mô tả là người khá lịch sự, bảnh bao và rất am hiểu về khu vực. Hắn thậm chí còn thanh toán đầy đủ hóa đơn đồ uống của mình và trả tiền boa khá hậu hĩnh cho các nhân viên hàng không.
Khoảng 16h35, chuyến bay mang số hiệu NW 305 của Hãng hàng không Northwest Orient Airlines bắt đầu lăn bánh mang theo 35 hành khách cùng 6 người trong phi hành đoàn.
Máy bay cất cánh không lâu, Cooper đưa cho nữ tiếp viên một mảnh giấy trên đó viết: "Trong chiếc cặp của tôi có một quả bom. Tôi sẽ sử dụng nó nếu cần thiết. Tôi muốn cô lại ngồi cạnh tôi".
Sau khi cho nữ tiếp viên nhìn thấy vật bên trong chiếc cặp, hắn đưa ra yêu cầu: 200.000 USD, 4 chiếc dù, một xe tiếp nhiên liệu.
17h45, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tacoma, thành phố Seattle. Sau khi nhận đủ tiền chuộc, Cooper cho phép tất cả hành khách rời khỏi chiếc Boeing 727. Đợi máy bay được tiếp đầy nhiên liệu, hắn ra lệnh cho phi hành đoàn ngay lập tức hướng về phía thành phố Mexico.
19h40, chiếc Boeing 727 cất cánh, mang theo Cooper và 4 phi hành đoàn. Theo lệnh của hắn, tổ lái không được phép bay vượt qua độ cao 3.048m và tốc độ không vượt quá 370km/h.
Cũng lúc này, 2 máy bay chiến đấu F-106 từ Cơ sở không quân McChord gần đó lập tức được lệnh bám theo ở khoảng cách bí mật và an toàn.
Cooper yêu cầu toàn bộ phi hành đoàn vào trong buồng lái trong khi y chạy xuống phía đuôi máy bay. Đèn cảnh báo lập tức phát sáng, cho thấy cửa sau đã bị mở.
20h13, phía sau máy bay đột nhiên giật lên. 22h15, chiếc Boeing 727 hạ cánh xuống Reno, NV. Lực lượng FBI và cảnh sát địa phương lập tức tiến hành bao vây. Và trong sự ngỡ ngàng của mọi người, không hề có bất kỳ dấu vết nào của D.B. Cooper. Tất cả những gì còn lại là một chiếc cà vạt màu đen với chiếc gài đính ngọc trai và một phần chiếc dù đã sử dụng.
Chiếc cà vạt màu đen mà cảnh sát tìm thấy trên chiếc máy bay Boeing 727.
Không ai trong số các phi công trên 2 máy bay chiến đấu F-106 nhìn thấy có người nhảy ra từ chiếc 727 phía trước. Trên radar cũng không hiển thị điều gì. Điều này được giải thích là do điều kiện ban đêm, tên không tặc lại mặc quần áo đen có thể dễ dàng nhảy dù mà không bị phát hiện.
Một cuộc tìm kiếm quy mô được triển khai ngay sau đó. Bản phác thảo chân dung tên tội phạm từ lời khai của các nhân chứng lập tức xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông. Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI công bố lệnh truy nã trên phạm vi toàn nước Mỹ.
Bí ẩn chưa có lời giải
Ròng rã suốt mùa đông xuân năm 1972, quân đội, cảnh sát và nhiều lực lượng liên quan khác được huy động tìm kiếm các khu vực xung quanh hồ Merwin, Washington, nơi D.B. Cooper được cho là đã nhảy xuống nhưng đều không mang lại kết quả.
Năm 1980, một cậu bé 8 tuổi khi đi nghỉ mát cùng gia đình tại khu vực hạ lưu sông Columbia đã nhặt được 3 cọc tiền bị hư hỏng. Theo số series trên đó, FBI xác định 5.800 USD này là một phần trong số tiền 200.000 USD mà D.B.Cooper đã cướp gần 10 năm trước.
Tuy vậy, phát hiện này lại mở ra nhiều câu hỏi không có đáp án: Tại sao số tiền nhỏ này bị tách ra khỏi phần còn lại của 200.000 USD? Tại sao Quân đoàn công binh từng nạo vét khu vực này vào năm 1974 nhưng không phát hiện ra chúng? Hơn nữa, phân tích hóa học trên các tờ tiền và vùng cát xung quanh đó cho thấy chúng xuất hiện sau năm 1974. Nếu số tiền đã trôi trên sông Columbia trong nhiều năm và mắc kẹt tại đây, tại sao chúng không bị phân hủy?
Hàng trăm giả thiết đã được đưa ra trong nhiều năm qua, nhưng cho đến nay vẫn không ai bị coi là nghi phạm.
Vụ án đang đi vào ngõ cụt thì năm 2003, một người đàn ông tên là Lyle Christiansen lên tiếng xác nhận rất có thể D.B. Cooper chính là anh trai của mình - Kenneth Christiansen.
Kenneth Christensen từng là lính nhảy dù trong quân đội Mỹ từ năm 1944 và sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 đã về làm việc tại chính Hãng hàng không Northwest Orient Airlines.
Theo lời Lyle, bản phác thảo rất giống anh trai mình. Kenneth Christensen thường xuyên đội tóc giả nhưng đã không còn thói quen này sau thời gian trùng với thời gian vụ cướp xảy ra. Kenneth cũng có chiếc cà vạt y như chiếc cảnh sát tìm thấy và thích uống loại Wishky giống loại D.B. Cooper đã yêu cầu trên chuyến bay. Đặc biệt, Kenneth từng rất bất mãn với ông chủ của mình khi còn làm việc tại hãng Northwest Orient Airlines.
Ngoài ra, có 2 điểm rất đáng chú ý: thứ nhất, không lâu sau khi vụ cướp xảy ra, Kenneth đã mua một ngôi nhà bằng tiền mặt và thứ hai, trước khi mất vào năm 1994, Kenneth đã thừa nhận mình có một bí mật đen tối không thể nói ra. Chính điều này đã làm cho Lyle nghi ngờ khả năng chính anh trai mình là D.B.Cooper. Tuy vậy, Kenneth đã chết, FBI không có gì để kiểm chứng.
Vụ án cứ kéo dài như vậy hàng chục năm qua mà không có hồi kết. Mới đây, FBI đã tuyên bố ngừng điều tra vụ án Cooper, đưa D.B Cooper vào danh sách một trong những tên cướp bí ẩn và nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ.
---------------------------------------------------
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của "Những phi vụ cướp chấn động thế giới" vào 4h, ngày 4/2/2017.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn