Bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội (MXH) mang lại, hiện có nhiều vấn đề tiêu cực như nghiện MXH, đặc biệt Facebook, dùng MXH để lừa đảo, vu khống, bôi nhọ… gây ảnh hưởng đến người dùng. Các nhà quản lý đang gấp rút soạn thảo Bộ Quy tắc, quy định về ứng xử giao tiếp trên MXH nhằm bảo vệ người dùng. Người dùng được khuyến cáo cần có bản lĩnh và văn hóa ứng xử phù hợp, không bị chi phối, gây hậu quả không mong muốn cho bản thân và người khác.
Lời lẽ “quăng lựu đạn” có sai phạm?
Theo luật sư Trần Hồng Phong (Công ty Luật Ecolaw), mỗi trang cá nhân trên MXH như Facebook, tuy ảo nhưng thể hiện nhiều điều về người chủ trang: mối quan hệ, quan điểm cá nhân, phong cách sống, tư cách, trình độ... Dù vậy, giao tiếp và nguyên tắc giao tiếp trên MXH lại mang tính kỹ thuật, khác với giao tiếp trong đời thường. Chẳng hạn, từ các biểu tượng đơn giản ban đầu như Like, Unlike, Facebook hiện đã cho chèn cảm xúc khóc cười, âm thanh, clip... Rất nhiều tính năng đòi hỏi phải hiểu biết về mạng, người dùng mới có thể ứng dụng tốt, tạo nét sinh động, hấp dẫn của mỗi cá nhân. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều thành viên dùng lời lẽ “quăng lựa đạn”, gây phiền toái, xâm hại quyền lợi, đời tư người khác.
Người dùng cần được bảo vệ khi tham gia mạng xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra như: học sinh tự tử sau khi bị bạn bè bêu riếu trên Facebook, một thanh niên đâm chết người dám bêu riếu người yêu của anh này trên Facebook… Nhiều mối quan hệ thật ngoài đời đã bị ảnh hưởng xấu bởi sự tương tác trên MXH, nhiều người bị lừa đảo, không ít bạn trẻ sẵn sàng quay clip, chụp hình, tạo dựng các tình huống gây sốc để nổi tiếng, nhiều vụ bôi xấu trên MXH…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Đây là mặt trái của MXH, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người. Trong nhiều trường hợp, bản thân người dùng MXH đang vi phạm pháp luật vì những hành vi mà họ không ý thức”. Chẳng hạn, theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, cá nhân, tổ chức sử dụng MXH để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà tái phạm; thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (điều 139). Cá nhân, tổ chức lên MXH nói xấu, vu khống gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức khác thì vi phạm vào tội làm nhục người khác; có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điều 121). Ngoài ra nếu cá nhân, tổ chức lên MXH đăng tải hình ảnh, clip phản cảm, dung tục… có thể mắc vào tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy; bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (điều 253)”.
Bù khoảng trống của luật
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu: “Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tương đối đầy đủ quy định xử lý, đủ sức phòng chống, ngăn chặn, xử lý các hành vi xấu diễn ra trên mạng như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP… Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên MXH chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên và triệt để. Xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho người dùng là ý tưởng hay và thiết thực để có thể bù đắp những khoảng trống mà pháp luật chưa thể điều chỉnh (nhiều hành vi không đến mức vi phạm pháp luật nhưng phản cảm, có ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến lối sống, suy nghĩ của người khác)”. Luật sư Hậu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát chặt nội dung đăng trên MXH để ngăn chặn việc phát tán các nội dung phản cảm, dung tục.
Theo chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng, máy chủ của Facebook đặt tại nước ngoài, nên khi có sự cố muốn truy tìm dấu vết để ngăn chặn, xử lý không dễ. Đây cũng là trở ngại rất lớn khi áp dụng Luật An toàn thông tin trên mạng internet (trong đó có nhiều quy định và quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên MXH nhưng chỉ có thể áp dụng trong phạm vi trong nước).
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Nam Trường Sơn, chia sẻ: “Luật của chúng ta vẫn đang phải chạy theo các hiện tượng mới để xử lý. Các quy chế đều không đủ chặt chẽ để bảo vệ an toàn cho người tham gia MXH. Các cơ quan quản lý nên có đường dây nóng tiếp thu xử lý các vụ việc hay ban hành các quy tắc cơ bản khi tham gia MXH”.
Nên hướng dẫn, không nên áp đặt Theo luật sư Trần Hồng Phong, do đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh nên việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên MXH (nếu có) trước hết phải bảo đảm nguyên tắc không quá tỉ mỉ, cứng nhắc, hay nặng về quản lý, cấm đoán, áp đặt. Nên mang tính định hướng, giải thích, hướng dẫn, trên cơ sở đáp ứng tiêu chí là hỗ trợ việc áp dụng và thực hiện các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, khuyến cáo việc cá nhân đưa hình ảnh khỏa thân có thể bị xem xét về hành vi phát tán văn hóa phẩm độc hại, việc cha mẹ chụp ảnh con cái đưa lên mạng có thể gây mất an toàn cho bé… Xác định những từ ngữ nào là mang tính tục tĩu, bạo lực… không nên dùng. Qua đó, tạo nên một khung chuẩn về giao tiếp văn minh, hữu ích trên mạng. Người dùng có thể tự so sánh, điều chỉnh cho phù hợp khi tham gia MXH |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn