Theo tôi, nguồn gốc của việc ra đời quyết định này là vì chúng ta đang cho rằng hiện nay có một số thầy cô tiêu cực, cố tình giảng dạy qua loa, sơ sài trong giờ học chính quy, để rồi sau đó lại giảng dạy rất kỹ lưỡng, rất tận tình trong những giờ dạy thêm, mục đích là để kéo học sinh đến các lớp dạy thêm của mình… Việc làm này đã kéo theo một số vấn đề nhức nhối khác như học sinh phải đi học quá nhiều, học sinh nghèo không có điều kiện học thêm thì bị thiệt thòi, chưa kể đến một số vấn đề tiêu cực khác như thầy cô ưu ái những học sinh học thêm với mình… Cá nhân tôi cũng đã gặp phải trường hợp này.
Con trai tôi suốt từ năm lớp 1 đến lớp 9 chưa hề học thêm thầy cô dạy cháu trong giờ chính quy, vì vậy năm học 2015-2016 khi lên lớp 10, cháu đã đi học thêm Toán ở ngoài trường. Lý do là sau một thời gian học lớp 10, cháu thấy môn Vật lý khó quá cháu không hiểu và không làm bài tập được, nên cháu đã xin đi học thêm với chính cô giáo đang dạy cháu ở trường chính quy. Cũng chính vì học cùng một cô giáo trong giờ chính quy và giờ học thêm, nên sau buổi học thêm đầu tiên, cháu về kể với tôi rằng: “Cô dạy ở lớp học thêm hoàn toàn khác với cách dạy trong lớp buổi sáng mẹ ạ”. Tôi hỏi: “Cô dạy khác thế nào?”, cháu cho biết: “Trong giờ dạy thêm, cô giảng kỹ hơn, nêu thí dụ, minh họa nhiều hơn nên con thấy dễ hiểu hơn. Khi làm bài tập cô cũng phân tích đề kỹ hơn, cô còn trả lời thắc mắc của từng bạn nữa".
Sau khi nghe con nói, tôi nghĩ vậy là không được rồi, cô này như thế còn các thầy cô khác có như vậy không? Thậm chí tôi có chút hối hận khi đã để cháu vào trường này, nhưng biết đâu thầy cô trường khác cũng vậy! Lúc đó, tôi cũng đã nghĩ rằng đúng là thầy cô giáo trẻ bây giờ tiêu cực quá.
Nhưng sau đó, trong một lúc khác tôi tự hỏi liệu có phải chỉ vì cô giáo tiêu cực hay còn vì nguyên nhân nào khác? Có phải vì áp lực phải hoàn thành đúng chỉ tiêu, bài này phải dạy trong bao nhiêu tiết, ngày này phải dạy xong bài này, phải làm đến bài này. Trong khi đó học sinh thì đông, 40-50 học sinh trong một lớp, đứa thế này, đứa thế kia nên nhiều khi thầy cô buộc phải dạy cho nhanh để hoàn thành nhiệm vụ, chứ không thể dạy kỹ được, còn học sinh có hiểu hay không, chuyện đó... “tính sau”. Trong khi đó, ở lớp dạy thêm, cô giáo chủ động trong việc sắp xếp bài giảng, tùy thuộc vào sĩ số và trình độ của học sinh mà thầy cô chủ động, linh động lướt qua bài này, đi sâu vào bài kia… nên học sinh cảm thấy khi dạy thêm thì cô dạy kỹ hơn là dạy chính quy. Phải chăng đó cũng là một lý do đáng để chúng ta suy xét thêm bên cạnh lý do tiêu cực của một số thầy cô giáo.
Mặc dù thực trạng thì đã rất rõ ràng, nhưng nguồn gốc của nó đâu phải chỉ vì một lý do duy nhất là do thầy cô tiêu cực, mà có thể do chương trình giảng dạy quá nặng, thầy cô lại phải hoàn thành bài giảng đúng chỉ tiêu, nên nhiều thầy cô buộc phải buộc phải chọn cách dạy cho nhanh để hoàn thành nhiệm vụ. Còn chúng ta, thay vì tìm cách để xác định rõ nguyên nhân, tìm cách phát hiện những người tiêu cực, tìm cách “cải tạo” những người tiêu cực, tìm cách giảm tải chương trình, thì chúng ta lại đi cấm tất cả các thầy cô giáo dạy thêm cho học sinh chính quy của mình. Trong khi bản thân công việc dạy thêm, học thêm không có gì là xấu nếu không nói là quá tốt. Bởi vì nếu không xét đến những trường hợp đặc biệt là những em học sinh rất giỏi, đã tự học rất thành công, mà xét trên góc độ đa số và thường tình thì việc dạy thêm, học thêm là sự tự nguyện, là nhu cầu chính đáng của học sinh, đó là khoảng thời gian học sinh được thầy cô hướng dẫn làm nhiều bài tập hơn, qua đó kiến thức vững vàng hơn, nâng cao hơn và nhuần nhuyển hơn. Bên cạnh đó, giờ học thêm là giờ học sinh được học với những thầy cô mình yêu thích, vì thầy giảng bài hay, vì thầy ra đề hay, vì thầy rất nhiệt tình, vì thầy rất tâm lý, vì thầy rất dí dỏm, vì thầy luôn gắn liền bài học với thực tế… Có rất nhiều lý do để học sinh đặc biệt thích học với thầy cô nào đó, và cũng từ đó việc học hành của các cháu có kết quả tốt hơn. Tốt như vậy thì tại sao lại cấm?
Do đó, theo tôi thay vì cấm dạy thêm, thì hãy tìm cách xác định rõ nguyên nhân gốc rễ của việc dạy thêm là gì, ví dụ như:
- Do chương trình học quá nặng, mà thầy cô cần phải hoàn thành việc giảng dạy đúng tiến độ nên thầy cô không đủ thời gian để giảng dạy kỹ và đầy đủ?
- Chương trình không nặng, nhưng do thầy cô giáo tiêu cực? nên học sinh phải đi học thêm để hiểu bài, để được ưu ái …?
- Do học sinh muốn được học với thầy cô yêu thích?
Để tìm cách xác định các nguyên nhân trên, tôi cho rằng không quá khó, có thể là bộ phận nghiên cứu tạo ra một webiste khảo sát, đưa ra một số câu hỏi trắc nghiệm để cho các em học sinh vào đó trả lời những cảm nhận của mình về cách dạy của thầy cô, về kiến thức mà mình đạt được, trình bày những suy nghĩ của các em về việc đi học them... Việc làm này có thể tổ chức thường xuyên theo từng kỳ, kết quả thu được có thể không tuyệt đối, nhưng có thể giúp ta có nhiều hơn những dữ liệu cần thiết để xác định rõ nguyên nhân gốc rể của việc dạy thêm, do thầy cô tiêu cực hay do chương trình dạy học quá nặng hay do nguyên nhần nào khác nữa. Từ đó sẽ đưa ra một giải pháp hợp tình, hợp lý hơn.
Rất mong những người có trách nhiệm suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc thật kỹ những cái được và mất để đưa ra những quyết định thật sự là tốt nhất.
Xin cám ơn vì đã được chia sẻ suy nghĩ của mình!
Kim Trang Trần
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn