Trở tay không kịp
Theo lộ trình giải thể giải thể dạy thêm học thêm của Sở GD-ĐT TPHCM, hiệu trưởng các trường có các trung tâm thuê phòng ốc phải thông báo tới nhà đầu tư việc chấm dứt hoạt động, lập hồ sơ đề nghị giải thể gửi về Sở, hạn chót là ngày 31/1/2017.
Chủ trương này làm các trường không khỏi rầu lòng khi mất đi một khoản thu cho các hoạt động giáo dục, chăm lo đời sống giáo viên. Các trung tâm đang thuê mướn cơ sở của nhà trường càng thêm sốt vó vì khó trở kịp tay.
Bà Phạm Thị Trường, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Mỹ cho hay, với một thay đổi lớn như vậy mà chỉ có 3 tháng để thực hiện thì các trung tâm xoay không kịp. Giờ chuyển ra ngoài thuê cơ sở mới, chờ giấy phép thành lập mới, giải quyết cho học viên đang theo học, chế độ giáo viên đang giảng dạy… không thể trong ngày một ngày hai. Sự thay đổi này cũng làm người học lo lắng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của trung tâm.
Theo bà Trường, không phải trung tâm nào cũng có điều kiện để thuê hẳn tòa nhà bên ngoài mà phải tìm đến các nơi có sẵn cơ sở, nhất là trong các trường học. Thuê bên ngoài rất khó tìm được những nơi đảm bảo các yêu cầu giáo dục như thẩm mỹ, sân vui chơi rồi yếu tố an toàn.
Chưa kể, việc thuê phòng ốc bên ngoài làm chi phí sẽ cao hơn nhiều sẽ kéo theo học phí các trung tâm sẽ tăng lên. Trong khi, việc học ngoại ngữ dành cho rất nhiều đối tượng với điều kiện kinh tế khác nhau.
“Nếu không thể tiếp tục cho các trung tâm thuê mướn phòng ốc ở các trường học thì Sở nên có lộ trình phù hợp, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm cho các trung tâm”, bà Trường đề nghị.
Trước đó, trong buổi làm việc của HĐND TPHCM với địa bàn quận 1, bà Đàm Lê Đức, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng cũng nêu ra thắc mắc, thành phố cấm dạy thêm trong nhà trường nhưng sao lại cấm việc các trung tâm thuê mướn phòng ốc của các trường để dạy thêm?
“Hiện chúng tôi thuê phòng học của một số trường để dạy thêm buổi tối. Bây giờ thành phố cấm, chúng tôi rất khó khăn, trong khi buổi tối phòng học của các trường để không”, bà Đức nói.
Dạy gì cũng là dạy thêm!
Phải rời khỏi trường học, nhiều trung tâm đang rơi vào tình cảnh học viên đang theo học rút lui, học viên mới không đăng ký… ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín. Việc thuê mướn mặt bằng mới bên ngoài nhà trường đáp ứng được các quy định không hề dễ dàng.
Nhất là khi theo ý kiến của một số quản lý các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và dạy thêm học thêm, Sở quá “khắc khe” trong việc đưa ra các điều kiện về cơ sở, phòng ốc, đảm bảo an toàn, nhất là phòng cháy chữa cháy… nên các trung tâm rất khó tìm mặt bằng. Không ít trung tâm đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động vì chủ trương không được thuê phòng ốc của các trường.
Trả lời về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai năm học mới của Khối Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay việc không cho tổ chức dạy thêm học thêm bên trong nhà trường, kể các trung tâm bên ngoài cũng không được thuê phòng ốc của các trường để dạy học thêm là chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Sở GD-ĐT có nhiệm vụ thực hiện tốt và nghiêm túc chỉ đạo.
Theo ông Đạt, trong chương trình học, gần 98% học sinh thành phố học tiếng Anh. Các trung tâm tổ chức bên trong nhà trường, dù dạy theo chương trình gì đi nữa thì cũng là dạy thêm. Mà hoạt động này, chủ trương là không được tổ chức trong nhà trường. Nhà trường, học sinh cần tập trung dạy đủ học đủ và hạn chế việc phải đi học thêm.
“Các trung tâm cần thông cảm và chia sẻ với ngành giáo dục về vấn đề này, để tìm cách vượt qua thách thức và phải thực hiện nghiêm chỉ đạo để đảm bảo sự kỷ cương của ngành”, ông Đạt đề nghị.
Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM cũng cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các trung tâm giải thể trong trường học và cấp giấy phép thành lập mới.
Việc các trường không được cho các trung tâm dạy thêm bên ngoài thuê phòng cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều trường học cho rằng như vậy là “triệt” nguồn thu của nhà trường, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động. Vì giờ các trường không được tổ chức dạy thêm học thêm, lại không được cho thuê phòng ốc thì… phòng học bỏ trống vào những giờ học sinh không học là quá lãng phí. Nơi có thì không được cho thuê, nơi cần lại phải "bỏ sông bỏ hồ đi tìm ao".
Tuy nhiên, đây có thể cho thấy quyết tâm thực hiện triệt để việc xóa dạy thêm, học thêm trong trường học, nhất là những tiêu cực trong hoạt động này của TPHCM. Vì thực tế, theo một lãnh đạo trường ở quận 1 TPHCM thì nhiều trung tâm thuê mướn trong trường học, đồng thời kết hợp với các trường để chiêu sinh học viên và thường giáo viên trong trường dạy thêm ngay trung tâm thuê mặt bằng của trường. Dù nói không liên quan nhưng vẫn dùng dằng việc học sinh có “nhu cầu” đi học thêm ở ngay trung tâm trong trường.
Trong khi TPHCM đang tìm mọi cách hạn chế học sinh đi học thêm tràn lan, kể cả học ở các trung tâm thì quy định này tưởng là vô lý, gây thiệt hại nhưng xem ra là cần thiết.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn