Tự túc cuộc sống ở tuyến đầu Tổ quốc
Tuổi ngoài đôi mươi, đang dạy học ổn định ở đất liền, thầy Lê Xuân Quyết giấu gia đình âm thầm làm thủ tục xét tuyển và phỏng vấn để được ra quần đảo Trường Sa gieo chữ ngay khi đọc được thông báo đảo còn thiếu giáo viên.
Thấm thoát đã 3 năm công tác ở Trường Tiểu học Song Tử Tây, thầy Quyết tâm sự, nếu được cho ở lại anh vẫn mong muốn được tiếp tục “bám đảo” sau khi thời hạn 5 năm kết thúc. Với nhiệt tâm vượt khó cống hiến và nhiều sáng kiến giảng dạy, thầy Quyết là gương mặt trẻ nhất trong danh sách 42 thầy cô giáo được vinh danh vì tận tâm công tác ở vùng biển đảo vào dịp 20/11 tới đây. Thầy giáo 9X cũng vinh dự nhận Bằng khen của BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập và cộng đồng học tập trong năm 2016 này.
Sinh năm 1990, tốt nghiệp nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Quyết được về dạy tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Một ngày, nhận được thông báo về việc giáo viên ngoài đảo Trường Sa còn thiếu, thầy Quyết thầm nghĩ “đây mới là nơi mình thực sự cần đến” và âm thầm làm hồ sơ xung phong ra đảo.
Ngày nhận được tin con trúng tuyển, mẹ thầy Quyết khóc ròng: “Công việc đang ổn định, con ở nhà để mẹ con gần nhau” nhưng trái tim đã dẫn lối, anh tìm cách nhờ người thân bạn bè động viên mẹ rằng, mỗi năm con trai vẫn được về thăm mẹ và vợ trẻ một lần.
Cách đất liền hơn 300 hải lý, những ngày đầu với chàng trai trẻ sau khi đặt chân đến nơi tuyến đầu Tổ quốc thực sự gian nan và khắc nghiệt. Việc dạy ngoài đảo có nhiều đặc thù mà trong đất liền hiếm khi gặp.
“Lần đầu mới ra đảo vừa lạ lẫm môi trường mới, vừa vì phải tập sống độc lập, nhiều khi nhớ nhà mà cũng không về được, các anh em mỗi người mỗi nơi không biết chia sẻ với ai. Ngoài việc dạy ngày 2 buổi ra, mình còn phải trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá để sống vì ngoài này không có chợ, mà cũng chẳng ai buôn bán gì, lương thực gửi từ đất liền ra cũng rất ít và khá lâu mới nhận được”, thầy Quyết bồi hồi nhớ.
Anh Quyết tự trồng các loại rau dễ sống như rau ngót, rau muống, rau cải, mồng tơi, nuôi gà và học đi đánh cá cùng người dân ở đây. Những ngày đầu còn lúng túng nên đi về tay không, càng về sau “tay nghề” đánh cá của thầy giáo trẻ càng tăng.
Trăn trở giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở đảo
Trường Tiểu học Song Tử Tây chỉ có khoảng 4-5 học sinh một năm, cả trường chỉ có 2 thầy giáo dạy cả mầm non và tiểu học. Anh dạy môn tiếng Việt, âm nhạc, thủ công, đạo đức, thầy kia dạy các môn còn lại. Và khó khăn lớn nhất của thầy Quyết là dạy lớp ghép trong khi chưa hề có khái niệm về việc này.
“Lần đầu tiên tôi dạy phòng học ghép lớp mẫu giáo và lớp 2, thấy một số em lớn tuổi mất trật tự liền quát “các em còn mất trật tự nữa thầy sẽ phạt nặng”. Bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư (3 tuổi) ngồi ở dãy bên, cũng là lần đầu đến lớp mẫu giáo, nghe thấy thế sợ quá trèo qua cửa sổ trốn về nhà. Tối đến, cả thầy, cả phụ huynh khuyên khản cổ sáng hôm sau bé mới chịu đi học tiếp. Từ ấy, tôi đã hứa rằng dù có tình huống gì xảy ra trong phòng học, cũng không bao giờ được cáu giận với trẻ”, thầy Quyết kể.
Trong quá trình công tác tại đảo điều thầy giáo 9X luôn trăn trở chính là là làm sao để hình thành kĩ năng sống cho học sinh. Bởi lẽ, các bé ở đảo Song Tử Tây chỉ được tiếp xúc với sách giáo khoa là chính, tranh ảnh thì không đầy đủ, mạng internet, báo chí cũng không…
Môi trường sống ở đảo cũng chẳng có gì ngoài nước biển, san hô và một vài loài cây đặc thù. Khi chưa đặt chân đến Trường Sa, thầy Quyết không nghĩ tới việc học sinh không hề biết đến đèn giao thông, ô tô, xe máy... Phương tiện duy nhất của các em là xe đạp được tặng từ các đoàn công tác ở đất liền ra.
Anh lồng ghép dạy trẻ thói quen rèn luyện sức khỏe, ý thức tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa tai nạn giao thông, đuối nước và các tệ nạn xã hội… mà ngoài đảo không hề có. Các bài học kỹ năng được dạy kèm tranh ảnh trong sách và tài liệu liên quan. Anh cũng cho học sinh tự trao đổi, nhận xét, đánh giá, kết luận thông qua việc thảo luận nhiều chủ đề các em được xem trên tivi.
Anh tâm sự: “Giáo viên cũng rất ít được học hỏi lẫn nhau vì trường chỉ có 2 giáo viên, mỗi năm chỉ được về đất liền 25 ngày nên việc tập huấn cũng chỉ diễn ra ngắn. Nguồn điện cũng hạn chế vì đảo chỉ dùng nguồn năng lượng của gió và mặt trời, đảo thường cắt điện vào giờ hành chính tất cả các ngày.
Trước kia khi chưa có trường, các thầy trò phải học trong căn nhà tôn chật, nóng nực nhưng nay đã có trường mới, sân chơi rộng rãi nên học sinh hăng hái học tập hơn; từ đó chất lượng học được nâng cao”.
Thầy Quyết cũng đặc biệt chú trọng triển khai mô hình thí điểm gia đình học tập, cộng động học tập tại nơi địa đầu tổ quốc. Xuất phát từ thực tế người dân ở đảo đa phần là ngư dân, trình độ hiểu về văn hóa còn hạn chế, anh thường xuyên vận động các gia đình học tập bổ sung văn hóa, các gia đình đoàn kết, yêu thương nhau, làm hoa bằng ốc tặng đoàn thăm quan đảo, văn nghệ giao lưu... Do đó, dịp 20/11 này, anh xuất sắc nhận Bằng khen của BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập và cộng đồng học tập.
Muốn mỗi ngày nghe trẻ đánh vần trong tiếng sóng biển
Anh Quyết mong muốn các ban ngành, đoàn thể, các bạn trẻ biết và quan tâm tới việc học của các em không những ở đảo xa mà còn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của cả nước. Thầy giáo 9X thầm nhủ, bản thân sẽ tiếp tục cố gắng dạy tốt, quyết tâm bám đảo Song Tử Tây, tiếp tục nâng cao chất lượng học tập để các em khi vào đất liền không những theo kịp các bạn mà còn phải giỏi hơn, tạo điều kiện cho các em ai cũng phải tới trường, mỗi ngày đến trường là một niềm vui.
Ngày 20/11 hàng năm, người thầy giáo trẻ không có món quà vật chất nào từ học sinh, phụ huynh nhưng những lời chúc đầy ý nghĩa từ học sinh và sự trưởng thành của các bé là món quà lớn nhất đối với anh.
Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, trường của thầy Quyết có 4 học sinh nhưng tới ba cấp độ lớp 4, lớp 1 và mầm non.
“Tất cả các em đều đạt loại giỏi về học tập và đạo đức luôn tốt. Đó là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với chúng tôi, để chúng tôi càng yêu nghề, yêu trò, yên tâm công tác vùng hải đảo xa xôi. Thật sự mà nói tôi rất muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa, rất muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong sóng biển.
Trường Sa, giờ đây đối với tôi như một phần da thịt của mình, như là quê hương thứ hai của tôi, như người mẹ hiền có vòng tay rộng lớn, sẵn sàng ôm tất cả chúng ta vào lòng ru theo làn sóng”, thầy Quyết bộc bạch.
Bài: Lệ Thu
Ảnh: NVCC
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn