Dưới đây là nguyên văn lá đơn xin học dốt:
“Đơn xin cho con học dốt!
...Tôi viết đơn này, chỉ mong quý nhà trường, quý bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành học sinh dốt trong năm học này.
Tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, thường quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và độc lập, không giống bất kỳ ai... nên tôi vẫn thường so sánh nó với con chú Sáu hàng xóm, con chị Ba tổ trưởng... để khi con tôi được 8 điểm, tôi trách nó là sao không được 10 điểm như con chú Sáu... Nó, con tôi, chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó... thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận.
Con tôi học giỏi từ lớp một đến lớp chín, chỉ khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm. Con tôi không thể giỏi đều mười mấy môn học nhà trường yêu cầu, cháu rất cố gắng học để giỏi toán, hoá, sinh vì thích trở thành bác sĩ dù rằng nghề đó học lâu, chi phí cao và hiểm nguy trùng điệp. Nhưng các môn khác cháu không thể giỏi, cháu chạy chậm do thể lục yếu, cháu viết văn không tốt, lúng túng về diễn đạt, cháu không thuộc được hết ngày nào quân ta thắng quân địch, quân ta chết bao nhiêu, quân địch bể bao nhiêu xe tăng... cháu không thể nhớ, thầy cô ạ... và điểm số của cháu ở những môn không phải thế mạnh chỉ là bốn năm điểm.
Tôi như người điên... nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm... Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp... Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học.
Lịch của cháu là học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy... cốt yếu chỉ để con tôi giỏi lại ở những môn còn lại, đạt trên 6,5 và trở thành học sinh giỏi.
Cháu cố tự tử đêm qua...
Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh, cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm... Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn...
Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã.
Nay, tôi viết đơn này, trước hết xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến. Chắc chắn điều này sẽ làm thành tích thi đua của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng, bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ.
Những đứa trẻ đó, chúng chỉ cần mang hoài bão, ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện hão nào của gia đình hay dòng tộc.
Những đứa trẻ đó, có ưu khuyết, cần được định hướng để lựa chọn thứ phù hợp với bản thân, không cần phải trở thành một siêu nhân để giỏi đều tất cả các môn học. Điều mà tôi tin rằng ngay cả thầy cô cũng không thể làm được.
Những đứa trẻ đó, là con người... không hoàn hảo, nhưng sự không hoàn hảo đó nhắc nhở chúng phải tự hoàn thiện mỗi ngày dài trong đời.
Vì lẽ đó, tôi tha thiết xin cho con mình được thành học sinh dốt.
Kính đơn".
Ngay sau khi đăng tải, “lá đơn” đã nhận được hàng nghìn bình luận trái chiều. Trong đó, nhiều người đánh giá qua bề nổi của câu chữ và cho rằng chủ nhân “lá đơn” thật ngược đời: “Thầy cô chỉ dạy và đánh giá, đâu có chủ trương từ học dốt mà cho lên khá giỏi đâu? Vậy nên cần gì phải xin được dốt, nghe vô lý quá. Quan trọng ba mẹ nhận thức được con mình, không gây áp lực là được, đừng đổ thừa cho ai”, bạn Ái Phương nhận xét.
Cùng quan điểm này, độc giả Hoài Linh cho hay: “Mình không hiểu tại sao lại là 'Đơn xin cho con tôi học dốt' ?
Có học dốt thì cũng đâu đổi thay gì, trong tình huống này đâu phải nhà trường và xã hội bắt bạn ấy phải học giỏi. Mình không hiểu nổi. Chính phụ huynh mới là người muốn bị những ánh hào quang che lấp, chính phụ huynh cảm thấy xấu hổ về con mình rồi ép con cái thành ra như vậy là do lỗi tại ai ? Tiêu đề (lá đơn- PV) xem mình như một người bị hại và xã hội, giáo viên là những người chèn ép”...
Một người mẹ luôn không muốn tin vào sự thật, không muốn tin là mình sai, luôn nhẹ nhàng ngọt ngào nhưng đầy bệnh thành tích còn làm cho con cái của họ đau khổ hơn gấp nghìn lần là những người mẹ bạo lực đánh đập ấy. Bệnh thành tích là do xã hội mà ra. Nhưng đối mặt với nó thế nào lại là quyền của mỗi người. Phụ huynh đã vì hào quang mà giết dần đứa con của mình. Đừng đổ lỗi cho xã hội, nhất là những người thầy”...
Một độc giả khác cũng cho rằng, cá nhân mình thấy bài viết này không đúng chủ đề, không rõ ràng. Nói về một người mẹ dồn hết áp lực học tập điểm số lên con mình nhưng sự thật lỗi chính là ở người mẹ. Tuy nhiên, bài viết có phần đổ lỗi cho chuyện bộ bắt học sinh học quá nhiều là hoàn toàn chưa đúng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều người ủng hộ chủ nhân “lá đơn”. Độc giả Doanh Vu chia sẻ: “Mình rất ủng hộ quan điểm của bạn. Mình thấy áp lực học hành của chúng ta hiện nay, từ ganh đua điểm số chạy theo cái sĩ diện của phụ huynh dẫn đến lúc nào cũng muốn con mình hơn người con khác, rồi học thêm học nếm cho kịp với người ta tạo áp lực lên con cái.
Phụ huynh phải biết ngoài việc học thì các kỹ năng xã hội cũng là những thứ quan trọng phải học, từ học kỹ năng đó sẽ giúp trẻ giao tiếp, học hỏi và áp dụng tốt hơn những lý thuyết đã được học ở nhà trường, cái kiểu học nhồi nhét như chúng ta hiện nay, trẻ con sẽ biến thành những con robot, thành gà công nghiệp”...
“Thay mặt những học sinh như con, con cảm ơn tác giả vì đã viết và hiểu những nỗi lòng học sinh chúng con. Con cô thực sự giống con, con cũng học rất tốt nhưng đến năm lớp 9 thì xuống dốc, trượt cấp 3 và không vừa ý gia đình. Điều đó đã khiến con tuyệt vọng rất nhiều!
Bố mẹ cũng chì chiết bản thân con nhiều hơn nó đã khiến con bị trầm cảm và có xu hướng hành hạ bản thân. Con đã thử tự tử, bỏ nhà nhưng không thành. Con chỉ biết khóc, lấy dao rạch đùi, tự hành hạ chính bản thân mình. Những lúc như vậy, con thấy thoải mái lắm cô ạ. Những ước mơ đam mê của con cũng bị chính bố mẹ dập tắt và cho nó là vô bổ, không nên người. Con càng ngày tự hành hạ bản thân nhiều hơn, con cố nói nhưng không ai tin và ngày ngày con càng suy sụp hơn rất nhiều. Con đang tự kéo mình lên vũng bùn đó và tự tạo niềm vui cho mình. Cảm ơn cô rất nhiều vì nói lên những tâm sự của chúng con”, độc giả Quỳnh Lê tâm sự.
Được biết, đây là câu chuyện có thật, do anh N.N.T viết thay lời chị gái mình khi gia đình phát hiện ra cháu anh có ý định tự tử qua nhật kí do áp lực học tập.
Bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân, anh T cho rằng, thật đáng buồn khi nhiều người vào trang cá nhân của anh và nhận xét đây là lá đơn xin học dốt.
“Cũng không nên tranh cãi nhiều làm gì. Ai thấy thế nào đúng thì cứ làm theo... rồi thời gian sẽ trả lời, thành thì mình hưởng, bại thì tự chịu. Nếu tranh cãi mà không giúp ích được choi ai thì tốt nhất nên chấm dứt”, anh T cho biết.
Hà Mỹ
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn