SGK không nặng nhưng chưa hài hòa
Chia sẻ trong Ngày hội Toán học mở được tổ chức tại Hà Nội mới đây, TS Trần Nam Dũng (Giảng viên Trường ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, so với các quốc gia khác trên thế giới, chương trình sách giáo khoa (SGK) Toán học của Việt Nam không quá nặng, nên cố gắng giảm tải là sai.
“Vấn đề ở chỗ, SGK toán của chúng ta hiện vẫn chưa hài hòa. Và nếu thay đổi nên bắt nguồn từ đề thi, SGK chưa phải là vấn đề nặng nề nhất”, TS Dũng nói.
TS Chu Cẩm Thơ, Phó Chủ nhiệm bộ môn Phương Pháp dạy học, khoa Toán - Tin trường ĐHSP Hà Nội cho hay, không có chương trình nào tốt cho tất cả mọi người, nhất là với trẻ em. Vì thế, công việc đổi mới của chúng ta sắp tới đã tìm ra được chìa khóa: Giữ những tiêu chí chung còn sau đó có tự chủ trong các mô hình trường học khác nhau.
Cho nên theo TS Thơ, để trả lời câu hỏi SGK nói chung hiện nay đang nặng hay nhẹ, phải tùy vào góc độ của mỗi người bởi khi đứng ở góc độ này họ thấy nhẹ nhưng góc độ khác thì không. TS Thơ lấy thí dụ: Chẳng hạn cháu tôi đi học ở Anh, cháu xác định phải vào một trường top 4 ở đây. Lúc đó, tôi dạy cho cháu thì phát hiện ra, chương trình tương đương lớp 10, lớp 11 ở đó đã bằng chương trình đại học năm thứ 3 ở ĐH Sư phạm Hà Nội bởi các cháu đã phải học các vấn đề như vi phân, đạo hàm riêng... Như vậy, ta thấy chương trình phổ thông của chúng ta nhẹ.
Tuy nhiên, nếu so sánh chương trình THPT của chúng ta với hệ thứ 3 của Đức chẳng hạn, ở đó người ta học để làm nghệ thuật và các hoạt động xã hội, chương trình cũng chỉ vừa đủ để lấy một bằng phổ thông và bỏ luôn những thứ chúng ta lâu nay rất coi trọng như: Giải tích, tích phân...
“Thứ hai, cần phân hóa nhu cầu học tập ở tầng trên, về việc chúng ta học toán làm gì và hiện đang ở đâu. Còn việc SGK nặng hay nhẹ, tôi nghĩ mọi sự bình luận đều không hợp lý vì phải xét đến việc nó dành cho ai, để làm cái gì”, TS Thơ khẳng định.
Cần học hỏi công phu và có lộ trình
Theo TS Dũng, lâu nay chúng ta lâu nay cứ cho rằng, SGK phổ thông nặng nề và cần phải cắt giảm. Tuy nhiên, việc thấy chỗ này dài, chỗ kia chưa hợp lý rồi cắt ghép một cách cơ học sẽ rất ảnh hưởng đến học sinh. “Thay đổi SGK phải rất khoa học và có lộ trình”, TS Dũng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, GS Trần Văn Nhung (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho hay, từ những năm 1980, Singapore đã cử đội ngũ giáo viên giỏi đi các nước tiến bộ trên thế giới để nghiên cứu rồi về viết sách giáo khoa. Đến nay, họ đã có lần tái tạo thứ ba. Điều đó chứng tỏ việc làm SGK đã được thực hiện rất kỹ lưỡng nên chúng ta cần học tập trong rất nhiều năm.
“Sửa SGK phải rất công phu, không phải ai cũng làm được. Hồi còn bé, chúng tôi được học những cuốn sách mỏng dính do GS Hoàng Tụy, GS Ngô Hải Châu dịch từ Nga và Pháp. Vì vậy, mùa hè chúng tôi vẫn có thời gian đi chăn trâu, cắt cỏ, được trải nghiệm cuộc sống và yêu thiên nhiên vô cùng.
Vậy nên, viết SGK không đơn thuần chỉ cắt ghép cơ học, đó là cả một nghệ thuật. Học sinh lớp 1 ngày nay bấm máy tính và sử dụng Internet nhanh hơn người lớn. Vì vậy, người viết sách không nên bắt các cháu nhớ quá nhiều và không được lạc hậu”, GS Nhung tâm sự.
Đồng tình với ý kiến nên tham khảo nguồn sách giáo khoa từ Singapore, GS Trần Văn Nhung cho rằng, Việt Nam cũng có thể tham thảo thêm nguồn sách của Pháp và Nga. “Muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, phải đổi mới toàn diện và quốc tế hóa. Quốc tế hoá nền giáo dục Việt Nam nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc”, GS Nhung cho hay.
Ngoài ra, để nói về việc đổi mới SGK nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung trong thời gian tới, GS Nhung cũng dẫn chứng một câu chuyện từ đất nước Singapore: “Ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng từ năm 1959 đến 1990 từng nói: “SGK phải lấy trí tuệ làm gốc, đừng mong sáng tạo nhiều”. Tại Việt Nam, thi sĩ Cao Bá Quát cũng nói ý: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Vậy, “kho trời chung” hiện nay có thể nói là Google - chúng ta phải khai thác tối đa. Cái gì mới nhất mà mình chưa đáp ứng được thì nên học hỏi từ các nước phát triển”.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn