PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã có bài viết phân tích một cách sâu sắc về vấn đề này.
Học sinh lao vào ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi mới
Một phương án khả thi, có tính công bằng cao
Trước hết tôi khẳng định ngay rằng, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể nói là một phương án khả thi, phù hợp với xã hội hiện tại và có tính công bằng xã hội cao. Khi triển khai tốt phương án này, giáo dục Việt Nam sẽ có một bước chuyển mình cơ bản ở khâu mà xã hội đang quan tâm nhất.
Điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần nắm được mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT chỉ là để đánh giá lần cuối theo tiêu chuẩn chung về một giai đoạn học tập của con người trước khi học lên, học nghề hoặc đi làm việc. Các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 về cơ bản đủ để đánh giá năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT.
Việc xét công nhận tốt nghiệp được dựa trên cả kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12 nên đảm bảo được cả quá trình học ở trường THPT. Đối với những em không có nguyện vọng học lên, đạt được kết quả để tốt nghiệp THPT không khó nếu không nói là dễ, còn đối với các em muốn học lên đại học, cao đẳng thì tùy theo yêu cầu của ngành và trường muốn học mà phải nỗ lực với mức độ khác nhau để đạt được mục tiêu.
Các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), theo tôi thực chất cũng chỉ dùng để đánh giá những kiến thức cơ bản nhất của các phân môn trong tổ hợp.
Chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể về những nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản của từng phân môn trong tổ hợp mà học sinh cần nắm vững. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề học sinh có thể bị quá tải khi ôn thi một hoặc cả 2 tổ hợp đó.
Học sinh chỉ mất một ngày làm quen với dạng bài thi trắc nghiệm
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về hình thức thi trắc nghiệm không thể đánh giá được toàn diện kiến thức, kỹ năng và tư duy của học sinh, nhưng theo tôi, thi trắc nghiệm có lợi là đánh giá nhanh, khách quan và tương đối chính xác kết quả của người học nhưng không đánh giá được năng lực lập luận và trình bày.
Trong thi trắc nghiệm các nội dung cần đánh giá được chia nhỏ và ưu điểm nổi bật là đã cho trước một vài phương án để học sinh cảm thấy yên tâm khi lựa chọn phương án đúng.
Để làm được bài thi trắc nghiệm học sinh vẫn phải làm bài bình thường nhưng thay cho việc phải trình bày chi tiết và đáp số để người chấm đánh giá thì chỉ cần chọn đáp số mà học sinh cho là đúng nhất. Yêu cầu làm bài chỉ cần đáp số tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều học sinh đạt được kết quả tốt hơn.
Ở cấp độ tốt nghiệp phổ thông việc tìm ra được đáp số đúng là đủ để đánh giá năng lực còn năng lực lập luận hay trình bày khoa học nên dành cho sinh viên khi học bậc học cao hơn.
Ngay ở Hoa Kỳ, thi tuyển Cao học và Nghiên cứu sinh vào các trường Đại học (GRE), phần toán và từ ngữ cũng sử dụng thi trắc nghiệm, sau khi vào học Sau đại học các môn học nói chung không đánh giá bằng phương thức thi trắc nghiệm nữa.
Còn việc ra đề thi trắc nghiệm, sau mấy chục năm đổi mới và hội nhập quốc tế chúng ta có một đội ngũ các thầy cô có đủ cả về trình độ và kỹ năng để ra đề thi phù hợp với trình độ của học sinh cả nước. Với học sinh của thời kỳ công nghệ thông tin việc làm quen với dạng đề thi này cũng không cần quá 1 ngày.
Học nghiêm túc kiểu gì cũng có kết quả tốt
Nguyên tắc xét tuyển vào trường đại học là tuyển theo điểm từ cao xuống thấp, đến mức điểm đủ chỉ tiêu của trường nên điểm tối thiểu vào các trường có thể rất khác nhau.
Mức điểm tối thiểu này phụ thuộc rất nhiều vào ngành đào tạo, đẳng cấp của trường đại học, chỉ tiêu cũng như số lượng thí sinh đăng ký. Thực chất nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT là thấp hay cao cũng không ảnh hưởng đến việc xét tuyển này vì khó hay dễ là chung cho mọi thí sinh.
Việc xét tuyển dựa vào kết quả của các bài thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh thực sự là mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học và cao đẳng. Điều này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo không áp đặt kết quả thi THPT lên trên kết quả học tập ở trường THPT.
Nếu hỏi liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT do các thầy cô giáo ở trường phổ thông chấm có tin cậy không? Thế dựa trên cơ sở nào chúng ta nói rằng giảng viên trường đại học chấm thi sẽ cho kết quả tin cậy hơn? Mặt khác, góc nhìn để đánh giá kiến thức kỹ năng của giảng viên đại học khác với phổ thông nên việc đánh giá sẽ không thể phù hợp bằng giáo viên phổ thông.
Hơn nữa, dựa trên cơ sở nào mà có thể khẳng định là giảng viên đại học nghiêm túc hơn giáo viên phổ thông? Việc nghiêm túc trong chấm thi phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức chấm mà ở đó có cả trường đại học, cao đẳng phối hợp rồi.
Tốt nghiệp THPT là một mốc quan trọng của một đời người, được cả xã hội công nhận nên không thể thả lỏng quá và cũng không thể quá khắt khe. Hơn nữa, cũng không thể đặt ngưỡng quá thấp so với khu vực và quốc tế nhất là trong thời đại ngày nay giáo dục Việt Nam phải hội nhập với giáo dục thế giới.
Đã học thì phải có thi, đã học nghiêm túc thì thi kiểu gì cũng vẫn đạt kết quả tốt. Đã học cũng phải có người giỏi, người kém, có người đỗ, người trượt đấy là cái lý của muôn đời và của mọi dân tộc. Vì bất cứ lý do gì cũng không thể nói bỏ thi tốt nghiệp THPT được.
Mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn cho con em mình được giáo dục trở thành những con người toàn diện, học giỏi, chăm ngoan và mỗi người sẽ có góc nhìn riêng về thi cử.
Con em chúng ta cần phải trở thành những công dân mà dù trong hoàn cảnh nào cũng thích nghi tốt, phát huy tốt năng lực bản thân, năng động, sáng tạo thay cho một cuộc sống quá bị động vào những dạng thi cử và luyện thi một cách máy móc như hiện nay.
Vì thế, các bậc phụ huynh trước hết hãy tin tưởng và không chỉ tin tưởng mà còn chung tay cùng ngành Giáo dục trong sự nghiệp đổi mới.
PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuât Công nghiệp Thái Nguyên.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn