Trao đổi với PV, ông Lý Ro Tha - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thẳng thắn: “Qua khảo sát tại Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A, cán bộ chuyên môn phát hiện có 3 học sinh không biết đọc, không biết viết. Một số em khác đọc được nhưng chậm, phải đánh vần. Chúng tôi đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề phải có biện pháp khắc phục. Nếu học sinh chấp nhận ở lại lớp thì thôi, còn nếu các em vẫn muốn được học ở lớp 2 thì giải quyết cho các em, yêu cầu giáo viên của trường tăng cường bồi dưỡng để giúp các em sớm đọc thông viết thạo, theo kịp bạn bè khác”.
Cũng theo lời Phó Giám đốc Lý Ro Tha, sau khi báo Dân trí phản ánh, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng đã xuống Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A xác minh thông tin báo phản ánh và ghi nhận nội dung báo phản ánh đúng sự thật.
Như Dân trí đã phản ánh, vừa qua, một số học sinh lớp 1H của Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A năm học 2015-2016 không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp 2H năm học 2016-2017, nên phụ huynh đã đến gặp Ban giám hiệu xin cho con học lại lớp 1.
Qua tìm hiểu, lớp 2H của Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng ở điểm trường thuộc ấp Hội Trung có 24 học sinh đều là người dân tộc Khmer. Trong số này chỉ có 4 học sinh đọc trôi chảy là em Thạch Thị Vang, Thạch Thị Mỹ Liên, Mai Thị Kiều và em Lý Anh Thư; còn lại thì có một số em chỉ biết đánh vần một cách khó nhọc, một số em khác chỉ biết vần nhưng không ghép được, có em không biết đọc, không biết viết dù các em đã học hết lớp 1 và được lên lớp 2.
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc học sinh không biết đọc mà vẫn lên lớp ở Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A là có thật. “Nếu trường này là trường vùng sâu vùng xa khó khăn thì dư luận còn thông cảm chứ trường ở thị trấn, trường đạt chuẩn quốc gia mà như thế thì không thể nào chấp nhận được. Việc này cần phải xử lý trách nhiệm của những người liên quan, từ giáo viên dạy lớp, Ban giám hiệu nhà trường và lãnh đạo Phòng GD-ĐT”, vị cán bộ Sở nêu quan điểm.
Cũng theo cán bộ Sở, một vấn đề nữa cũng cần được quan tâm là do lâu nay các trường chỉ thích được khen, lãnh đạo cũng thích được khen nên không dám nhìn thẳng vào sự thật khi chất lượng bị thả nổi, chưa thấy chê, chưa thấy kỷ luật cá nhân hay tập thể trường nào cả. Sau sự kiện này, ngành giáo dục cần mạnh dạn nhìn vào sự thật, đừng chạy theo các con số đẹp mà thiệt thòi cho học sinh.
Điều đáng nói, sau khi báo Dân trí phản ánh, bà Dương Thị Hương - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề, cho rằng, việc các cháu không đọc được là đặc thù của học sinh lớp 1, nhất là con em dân tộc. Dù các em có tên trong danh sách lớp 2 năm 2016-2017, nhưng bà Hương lý giải: “Đưa tên vào danh sách mới là bước chuyển giao. Trong 2 tuần đầu, giáo viên sẽ khảo sát để nắm tình hình, còn danh sách chỉ là tạm thời cho các cháu biết sẽ ngồi ở đâu trong đầu năm học mới”.
Một giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A, cho biết: “Ngày 20/9, đoàn công tác của Vụ Giáo dục Tiểu học đã đến trường khảo sát. Sau khi khảo sát, đoàn có kết luận nội dung báo Dân trí phản ánh là đúng khi có một số học sinh được lên lớp nhưng không biết đọc, không biết viết. Từ đó, đoàn đề nghị Phòng GD-ĐT huyện và nhà trường có biện pháp khắc phục tình trạng trên”.
Bạch Dương
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn