Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển – một đời “nặng tình thơ” về học trò

Thứ bảy - 13/08/2016 10:37

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển – một đời “nặng tình thơ” về học trò

Trước tập thơ “Mái trường mến yêu” của thầy Đặng Hiển, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Tôi thực sự xúc động vì lâu nay chỉ thấy trò viết về thầy, rất ít khi thầy viết về trò, nhưng với nhà giáo Đặng Hiển, tình cảm thầy dành cho học trò dường như vô điều kiện, vô bờ bến. Đọc tập thơ, ta thấy một không gian giáo dục, một môi trường sư phạm trong trẻo đã tràn vào thi ca với tình thầy trò chân thành nhất”.

Ngày 29/7, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi lễ giới thiệu tập thơ “Mái trường mến yêu” của Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), người đã có hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Tập thơ “Mái trường mến yêu” cũng là một trong số ít những tập thơ được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 2015 và Nhà xuất bản Hội nhà văn tái bản vào năm 2016. Đây là tập thơ thứ 12 của thầy Đặng Hiển.

Tập thơ tràn đầy tâm huyết, chứa chan ân tình của một người thầy đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người. Và nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi thực sự xúc động vì lâu nay chỉ thấy trò viết về thầy, rất ít khi thầy viết về trò, nhưng với nhà giáo Đặng Hiển, tình cảm thầy dành cho học trò dường như vô điều kiện, vô bờ bến. Đọc tập thơ, ta thấy một không gian giáo dục, một môi trường sư phạm trong trẻo đã tràn vào thi ca với tình thầy trò chân thành nhất”.

Tại buổi lễ giới thiệu tập thơ, nhà thơ Thanh Ứng đã chia sẻ: “Nhà giáo Đặng Hiển có hơn 40 năm dạy văn ở trường phổ thông. Khi rời bục giảng về nghỉ hưu, rời bảng đen phấn trắng, trái tim, khối óc sáng tạo văn chương còn sáng láng, thầy lại miệt mài trên từng trang giấy, tiếp tục cho ra đời những sản phẩm văn hóa bổ ích, giúp cho các đồng nghiệp trẻ những kinh nghiệm quý của nghề dạy học và nghề viết văn. Ông đã cho ra đời 3 tập truyện kí, 5 vở kịch, 6 tập lí luận phê bình văn học và nhiều tập thơ. Đặc biệt hơn, trong các tác phẩm đó thì thơ về nhà giáo, về nghề dạy học, về học trò là phần sáng tạo chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời tác giả".

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển (áo trắng) và các thế hệ học trò

Bốn mươi năm dạy học, bao nhiêu chuyến đò chở khách sang sông, người “lái đò” đặc biệt – nhà giáo Đặng Hiển vẫn chưa khi nào nguôi canh cánh nhớ về những lứa học trò: “Ba chục năm rồi, em ở đâu?/ Đời em đã hái trái mơ nào/ Có bao giờ nhớ về kỷ niệm/Những trái đầu tiên, trái ngọt ngào”. Theo nhà thơ Thanh Ứng, cảm nhận về học trò trong tâm thức của thầy Đặng Hiển như nhớ về người thân, mong tin và muốn gặp lại nên khi gặp một người: “Hình như thầy đã có thời dạy em/Vì sao ánh mắt em nhìn/Như người xa lạ gặp trên xe tầu” (Xa lạ).

Do thời gian phôi pha thầy thì già đi, trò không còn trẻ nữa, để rồi không còn nhận ra nhau và nhiều lí do khác nữa: “Hay là em có niềm đau/Ước mơ ngày cũ tan vào thời gian/Hay là đời lắm lo toan/Làm bao kỷ niệm héo tàn trong em/Hay là em mải bước lên/Trường xưa lớp cũ mải quên đường về”.

Tấm lòng bao dung của thầy đã làm xúc động nhiều bạn đọc. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, “Xa lạ” là một trong những bài thơ hay về giáo dục của thơ Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Hữu Thỉnh thì cho rằng, thật cảm kích khi thầy Đặng Hiển luôn ở tâm thế “mừng là trò đã hơn thầy!”.

Cuộc đời dạy học của thầy có biết bao niềm tự hào chính đáng, trong đó niềm tự hào về học trò chiếm một vị trí quan trọng. Học trò của thầy Đặng Hiển có biết bao người thành đạt, trở thành tiến sỹ, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo, trong đó có Anh hùng phi công, Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Thầy Đặng Hiển đã có cả trường ca “Đôi cánh” viết về người học trò này.

Thầy đã không khỏi bùi ngùi khi gặp lại người học trò cũ, giờ là một vị tướng lừng danh trong quân đội: “Ba mươi năm/Ta nhìn nhau nước mắt rưng rưng/Tóc em đốm hoa, tóc ta bạc nửa/Duy ánh mắt vẫn ngời, trái tim càng thắm đỏ” (Về lại trái tim).

Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát đang kể lại những kỷ niệm với thầy Đặng Hiển

Trong đội ngũ các nhà giáo làm thơ, có lẽ thầy Đặng Hiển là người viết về học trò nhiều nhất. Ông có những dòng thơ ân tình ngợi ca, tự hào về học trò. Song ông lại có những bài thơ chia sẻ, cảm thông, buồn thương với những nỗi đau, mất mát, thua thiệt của học trò trong cuộc sống, trên đường đời. Đó là các bài thơ: “Tưởng nhớ 1 – Gửi hương hồn Bùi Thị Nga”: “Em nằm lại, nấm mồ chưa đắp trọn/Hoàng hôn rồi, trời mờ mịt mây bay/Bình minh của ta ơi, sao sớm tắt/Cỏ chưa mọc trên mồ, sương xuống buốt lòng ai”. Đó còn là những bài: “Nhớ Lai Vu”, “Trái tim người mẹ - Tưởng nhớ Phan Đức Bảng, học sinh cũ”, “Thương em Hương đau bệnh hiểm nghèo” với nỗi đau vô bờ, câu thơ như chắt ra từ giọt nước mắt.

Nói về những câu thơ xót thương học trò của thầy Đặng Hiển, nhà thơ Vũ Quần Phương đã xúc động mà viết rằng: “Người đọc không sửng sốt với tài thơ, mà ngồi lặng, thấm thía với tình thầy giáo thương trò sâu sắc. Thầy đã thốt lên tiếng gọi đau đớn trong câu thơ nước mắt: “Ngủ đi Nga, ngủ đi con”. Nhà giáo Đặng Hiển đã đau nỗi đau của người mẹ.

Nhà giáo, nhà phê bình lý luận văn học Bùi Việt Thắng nói về tập thơ “Mái trường mến yêu” đã gọi đây là “Thơ áo trắng”, vì xuyên suốt trong cả tập thơ là mái trường, thầy cô, học trò thân yêu, giáo án, tiếng trống trường, bục giảng, cây phượng già, lá bàng, tiếng ve. Học trò là cảm hứng thi ca bất tận trong thầy. Thế giới thơ ca của thầy giản dị như vậy, nhưng khi đã đong đầy tình nghĩa thầy trò, nó đã trở thành một “thánh đường sư phạm”.

“Nếu có lúc nào em nghĩ đến tôi/ Khi em hái hoa đầu trong sự nghiệp/Khi hạnh phúc em sáng hồng trên giấy đẹp/Khi đôi tay em thơm nặng trái đời/Thì đó là hạnh phúc của tôi/Nếu có lúc em nghĩ đến tôi/Khi trên gạch, trên than/Trên giấy trắng bảng đen/Giọt mồ hôi rơi/Trong lòng em bỗng vẳng lên câu hát/Khi em đi vượt gió cát của đời/Thì đó là hạnh phúc của tôi/Và ngay cả khi em không còn nghĩ đến tôi/Chỉ hạt mầm kia trong vườn xanh/đã nở hoa kết trái/Để đến lượt em/em lại dâng cho tay đời ươm hái/Thì đó cũng là hạnh phúc của tôi/Người làm vườn vô danh trên mảnh đất đời người”. “Bốn nhăm năm ta đã già, cây đã thành đại thụ/ Bao học trò thành đại bàng đã sải cánh bay xa”.

Những dòng thơ nặng tình đời, tình người, giản dị và chân thành đến tận cùng trong cảm xúc và thể hiện. Nhà giáo Đặng Hiển đã neo vào ký ức độc giả một màu trắng trong thơ, tiêu biểu cho lối thơ chỉn chu, mẫu mực cốt cách nhà giáo. Nói như PGS.TS Nguyễn Thị Trâm thì thơ của thầy Đặng Hiển là “thơ dành cho sự nghiệp trồng người”…

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhà giáo Đặng Hiển đã giành được 20 giải thưởng văn học, kịch, lý luận phê bình, trong đó có Giải C của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; giải B cuộc vận động viết về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giải B Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam; giải Nhất thi bình thơ báo Giáo dục và thời đại…

Thu Phương

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây