Những ngày qua, lời nhắn gửi “Bài học sáng nay” của nữ giáo viên xứ Thanh đã thực sự lay động người đọc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tác giả của bài thơ “gây sốt” trên là của cô Lê Thị Huyền - giáo viên trường Tiểu học Ngọc Khê 1, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), năm 1993, sau khi tốt nghiệp, cô Huyền về công tác tại trường Tiểu học Vân Am 2, xã Vân Am - đây là ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Cũng từ đó, đến nay, cô gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây. Đến năm 2000, cô chuyển về trường Tiểu học Ngọc Khê 1.
Chồng cô cũng là người công tác trong ngành giáo dục, nhưng không may qua đời từ năm 2014 do căn bệnh hiểm nghèo. Cô một mình nuôi 2 người con, cô con gái đầu đang học đại học năm thứ 3, còn cậu con trai út năm nay lên lớp 8.
“Trong nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục có nhiều điều còn phải trăn trở. Dù trên địa bàn mình công tác chưa có điều gì nhức nhối xảy ra, nhưng qua báo chí, thông tin trên các trang mạng xã hội, thì đây đó, một số phụ huynh, người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với nhà giáo”. Đó là nỗi lòng trăn trở của cô giáo Lê Thị Huyền khi nghĩ về cái nghề của mình.
Như được “cởi” tấm lòng, cô Huyền tâm sự: “Những ngày tháng 11 này, ngồi chơi với bạn bè, đồng nghiệp, trò chuyện về nghề giáo, mình cũng rất yêu trường lớp, học trò lắm. Nhưng khi nghe ở đâu đó, còn có những điều không hay về giáo dục, mình cũng buồn lắm. Mình chỉ viết theo cảm hứng của riêng mình, không đặt theo mục tiêu, mà suy nghĩ cái gì thì nói ra bằng những vần thơ mà thôi”.
BÀI HỌC SÁNG NAY...
Bài học sáng nay cô dạy con
Có bãi sắn nương dâu xanh ngát ruộng vườn
Có bóng mẹ tảo tần sớm hôm khó nhọc
Lưng áo nâu sờn cha đẫm giọt mồ hôi
Là cánh buồm no gió giữa biển khơi
Là dải rừng xanh, núi đồi bát ngát
Là trang sử cha ông chói lòa trang sách
Mà mỗi người cần phải khắc ghi
Bài học sáng nay trong tiếng gió thầm thì
Cô đã dạy con cho đi là còn mãi
Hãy để trái tim chứa đầy lòng nhân ái
Biết yêu mọi người và biết sẻ chia
Cô dạy rằng hãy nuôi dưỡng đam mê
Thế giới quanh ta biết bao điều kỳ diệu
Biết bao điều mà con chưa thể hiểu
Rồi mai ngày con sẽ lớn khôn lên…
Bài học sáng nay cô gửi gắm niềm tin
Con sẽ mang theo suốt chặng đường phía trước
Dù mai này… xa mái trường nơi con đã học
Bài học sáng nay theo con suốt cuộc đời.
Bài thơ mới được sáng tác những ngày tháng 11 này, bản thân tác giả cũng rất bất ngờ khi biết bài thơ của mình được mọi người chia sẻ.
Theo tác giả, thông qua bài thơ, cô muốn nói với mọi người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì điều mà giáo viên luôn mong muốn lớn nhất là làm tất cả để mang những điều tốt đẹp nhất đến với học sinh, phụ huynh.
“Bởi một điều cũng rất đơn giản, trước đây, mình cũng từng là học sinh, mình mong muốn từ thầy cô giáo điều gì thì giờ đây, học sinh của mình cũng mong muốn như vậy”, cô Huyền tâm sự.
Lời nhắn nhủ bằng những vần thơ giản dị mà sâu lắng với hình ảnh bãi sắn nương dâu, ở đó in hằn bóng mẹ và những giọt mồ hôi cha... “Có bãi sắn nương dâu xanh ngát ruộng vườn/ Có bóng mẹ tảo tần sớm hôm khó nhọc/ Lưng áo nâu sờn cha đẫm giọt mồ hôi”...
Đó còn “Là trang sử cha ông chói lòa trang sách/ Mà mỗi người cần phải khắc ghi. Cô cũng hiểu “Biết bao điều mà con chưa thể hiểu/Rồi mai ngày con sẽ lớn khôn lên…
Nhưng cô biết và tin rằng “Bài học sáng nay cô gửi gắm niềm tin/ Con sẽ mang theo suốt chặng đường phía trước/ Dù mai này… xa mái trường nơi con đã học/ Bài học sáng nay theo con suốt cuộc đời”.
Trước đây, cô Huyền cũng có tham gia một số cuộc thi, nhưng là thi viết truyện ngắn. Tại cuộc thi viết về gia đình Việt Nam năm 2016, cô đoạt giải Nhì, cuộc thi không có giải Nhất. Cô cũng có đăng chung nhiều bài thơ trong tập thơ “Ngôi nhà văn chương” của nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong không khí hướng đến kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nghĩ về ngành, điều cô Huyền mong muốn là có những chế độ ưu đãi hơn để nhà giáo yên tâm với nghề. Cô cũng mong muốn các bậc phụ huynh, xã hội cần có sự sẻ chia, cùng chung tay với sự nghiệp giáo dục và giáo viên, không phải cái gì cũng phó thác cho nhà trường.
“Dù còn nhiều trăn trở, khó khăn nhưng tôi rất yêu nghề giáo. Ngay từ nhỏ, tình yêu nghề có lẽ đã được truyền từ mẹ mình, bởi bà cũng là một giáo viên. Trong suốt 20 năm đứng trên bục giảng, tình cảm của bao thế hệ học trò, phụ huynh dành cho mình, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mình rất yêu nghề”, cô Huyền tâm sự.
Duy Tuyên
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn