Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra không thuyết phục
Tổng kết kỳ thi năm 2016, Bộ GD-ĐT cho rằng, ở các môn thi tự luận còn hiện tượng thi không nghiêm túc, chấm bài còn du di, vênh nhau giữa nơi này và nơi khác. Để khắc phục, Bộ đưa ra một giải pháp kỹ thuật, là thi trắc nghiệm (trừ môn Văn). Theo tôi, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn vấn đề, thiếu tính khoa học và sự nghiên cứu sâu sắc.
Việc làm này cũng thể hiện rằng, khâu ra đề, coi thi và chấm thi năm 2016 còn yếu kém. Đây là vấn đề con người. Lẽ ra, Bộ nên rà soát xem khâu nào còn yếu để tìm cách khắc phục, đằng này Bộ chọn một giải pháp giống như “không quản được thì bỏ”.
Trước kia, chúng ta đã có rất nhiều năm thi theo hình thức tự luận, kết quả rất đáng ghi nhận. Nay hoàn toàn có thể làm được, chỉ là vấn đề có chủ trương và quyết tâm hay không mà thôi.
Chương trình, sách giáo khoa (SGK) Toán hiện tại không xây dựng cho kiểu thi trắc nghiệm
SGK Toán đang dùng được viết năm 2006, được xây dựng cho cách dạy, cách học, thi theo hình thức tự luận. Lâu nay học sinh vẫn thi và kiểm tra như thế.
Năm 2007 là thời điểm BGD rất quyết tâm thi trắc nghiệm Toán, Bộ đã ban hành cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, xã hội lúc đó phản ứng rất mạnh. Có tác giả SGK nói rằng, muốn thi trắc nghiệm Toán thì phải viết lại sách.
Ngay khi biết tin sẽ thi trắc nghiệm Toán, luyện thi trắc nghiệm sẽ nở rộ như nấm sau mưa
Thi trắc nghiệm Toán là điều mới mẻ với hầu hết giáo viên và với tất cả học sinh THPT. Tâm lý “ứng thí” đã ăn sâu vào tiềm thức. Ngay lập tức, mọi hoạt động dạy học, ôn thi Toán sẽ thay đổi để thích ứng với kiểu thi trắc nghiệm. Vì đây là lần đầu tiên nên tôi nghĩ hoạt động luyện thi sẽ phát triển rầm rộ, khó kiểm soát.
Hai năm gần đây, việc ra đề của Bộ đã tương đối ổn định. Bây giờ, nếu Toán thi trắc nghiệm, ảnh hưởng xã hội sẽ rất lớn, gây xáo trộn hoạt động của thầy và trò, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các nhà trường và phụ huynh học sinh. Khi đó, mục tiêu “giảm tốn kém, giảm áp lực, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn” khó mà đạt được.
Toán học là môn học công cụ, giữ vị trí quan trọng trong việc rèn kỹ năng, tư duy của con người.
Trong một thời gian dài, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ giáo viên, các học sinh được đào tạo và kiểm tra, thi cử môn Toán theo lối tự luận đã rèn được nhiều phẩm chất, kỹ năng tốt: tính cẩn thận, trình bày khoa học, vẽ hình hợp lý, tư duy logic, tính sáng tạo, lòng kiên trì,… những phẩm chất rất quan trọng với con người, đặc biệt là người Á Đông.
Việt Nam tự hào đã xây dựng được nhiều thế hệ học sinh như thế. Chúng ta cũng tự hào về môn Toán hàng đầu thế giới (xếp thứ 11 thi Olympic Toán quốc tế 2016, đứng thứ 12 về Toán trong bảng xếp hạng của OECD năm 2015, học sinh Việt Nam du học đều học Toán trội hơn các bạn rất nhiều).
Bởi thế, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ tự kéo mình lùi lại.
Không nên đổi mới từ ngọn
Thứ trưởng Bùi Văn Ga từng nói: Đổi mới thi cử là cách làm ít tốn kém nhất, lại có ảnh hưởng nhanh nhất, rộng nhất. Tôi thấy điều này đúng, song hiệu quả của nó thì có phần mạo hiểm.
Khi không được chuẩn bị, không có nền tảng thì những kiến thức, kỹ năng học sinh có được chỉ mang tính tạm thời, để đối phó với kỳ thi mà thôi.
Bộ GD có lỗi khi phương châm “Học gì thi nấy” không còn đúng nữa. Theo quan sát của tôi, từ lúc thi chung năm 2003 đến nay, đề thi vượt rất xa chương trình, mức độ của SGK. Vì thế, khi có sự thay đổi của đề thi thì cả xã hội chạy theo, kiểu “gió chiều nào, xoay chiều ấy”. Đây rõ ràng không phải là một cách làm khoa học, một sự phát triển bền vững.
Theo tôi, việc thi trắc nghiệm môn Toán chỉ hợp lý khi chúng ta đã triển khai SGK mới (dự kiến sau năm 2018), thực hiện cách dạy, học và đánh giá mới, khi học sinh, giáo viên đã được làm quen, được tập dượt kỹ. Làm gì cũng phải có sự chuẩn bị, có lộ trình thích hợp, tránh gây sốc và tạo ra những lo lắng không cần thiết. Tôi đề nghị BGD tổ chức thi THPT môn Toán năm 2017 theo hình thức tự luận, cấu trúc tương tự năm 2016.
Trần Mạnh Tùng
(GV Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn