Giáo dục và học tập
Giáo dục được định nghĩa là những hoạt động nhằm phát triển kiến thức, các giá trị đạo đức và những tri thức cần có trong mọi giới ở xã hội. Mục đích của giáo dục là cung cấp cho thế hệ trẻ và người lớn tuổi những điều kiện thiết yếu để phát triển sự hiểu biết về những truyền thống và những tư tưởng ảnh hưởng tới xã hội mà họ đang sống, về nền văn hóa của dân tộc họ và các nền văn hóa khác trên thế giới, về các quy luật của tự nhiên và xã hội, hình thành và phát triển những kỹ năng ngôn ngữ và các kỹ năng khác làm cơ sở cho việc học tập và giao tiếp.
Giáo dục theo nghĩa hẹp được hiểu là quá trình giảng dạy và đào tạo trong nhà trường, được gọi là giáo dục học đường (giáo dục trong nhà trường). Giáo dục học đường có 3 mục đích cơ bản:
- Hình thành và phát triển nhân cách;
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực;
- Phát triển và bồi dưỡng tài năng.
Giáo dục theo nghĩa rộng được hiểu là một hệ thống các thiết chế giáo dục trong mọi ngành học, bậc học, cấp học của một quốc gia; các phương thức tổ chức giáo dục cho trẻ em và người lớn, bao gồm giáo dục học đường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; các hình thức giảng dạy với những điều kiện và phương pháp khác nhau như giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy. Với ý nghĩa đó, giáo dục được hiểu là một hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục tiêu của hệ thống giáo dục quốc dân là nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, phát triển hệ thống ngành nghề nhằm tăng cường năng lực lao động sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội một cách bền vững, làm phong phú vốn con người, vốn xã hội và vốn tổ chức của quốc gia.
Giáo dục học đường và giáo dục ngoài học đường đều thực hiện 2 chức năng cơ bản:
- Xã hội hóa con người;
- Nghề nghiệp hóa con người.
Giáo dục học đường và giáo dục ngoài học đường phải được Nhà nước tổ chức và quản lý trong sự gắn kết chặt chẽ với nhau, liên thông và thống nhất.
Học, Hỏi, Hiểu, Hành.
Học tập là quá trình tích lũy kiến thức, tiếp thu tinh hoa của các thế hệ đi trước một cách chọn lọc để kế thừa và sáng tạo ra cái mới tốt hơn.
Những thuật ngữ thường được thay thế cụm từ học tập là học hành, học hỏi. Tuy nhiên, tùy từng văn cảnh mà người ta chọn cụm từ thích hợp nhất. Nhìn chung, nói đến sự HỌC, ta hiểu đó là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau giồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các giá trị cần thiết cho cuộc sống, đáp ứng nhu cầu nhận thức hay sở thích của mỗi người.
Trong mọi hoạt động của con người như lao động, vui chơi, giải trí, làm từ thiện, tập luyện thể thao…, kiến thức, kỹ năng cùng các nhận thức về các giá trị đều có thể tăng lên. Qua các hoạt động, con người cũng có sự tích lũy tri thức, kinh nghiệm. Quá trình tích lũy đó, về thực chất, là học tập.
Quá trình học tập thể hiện ở sự thâu tóm các thông tin và xử lý các thông tin để thành hiểu biết của cá nhân.Các thông tin đã qua con người xử lý sẽ trở thành tri thức của họ.
Con người học để có năng lực hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và tự cải tạo chính mình. Vì vậy, người ta học để làm (hành). Học mà không hành thì việc học không mang lại cho xã hội và cho chính người học những lợi ích mới, những tiến bộ mới.
Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đưa ra 4 chữ H khi kêu gọi nhân dân phải tham gia các quá trình học: Học, Hỏi, Hiểu, Hành.
Xây dựng một xã hội học tập
Đứng trên quan điểm xây dựng xã hội học tập, trong đó, mỗi công dân trong xã hội đều có nghĩa vụ học tập suốt đời thì giáo dục là phương tiện cơ bản, còn việc học tập là mục đích phải đạt. Đó là lí do chúng ta xây dựng một xã hội học tập chứ không phải là xã hội giáo dục.
Chỉ chăm lo phát triển nhiều trường lớp, càng nhiều càng tốt mà quên mất điều mở nhiều trường để giúp con người học được nhiều hơn, học được tốt hơn thì thật là một lệch lạc về tư tưởng. Ngay khi có một nền giáo dục tốt rồi thì cũng không thể nghĩ giáo dục là vạn năng trong việc đào tạo con người.
Trong tác phẩm “Học tập – Một kho báu tiềm ẩn”, Jacques Delors đã viết như sau: “Giáo dục không phải là phương thuốc thần kỳ và cũng không phải là công thức kỳ diệu để mở cánh cửa đi vào một thế giới trong đó mọi lý tưởng đều có thể thực hiện được, mà chỉ là một trong số các phương tiện chính sẵn có, thúc đẩy hình thái phát triển nhân loại sâu sắc hơn, hài hòa hơn và do đó làm giảm bớt tình trạng nghèo khổ, sự bài trừ, sự ngu dốt, sự áp bức và chiến tranh”.
Tiếp cận học suốt đời là vấn đề then chốt
Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, xây dựng xã hội học tập đã trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phát triển và các quốc gia đang hướng tới một nước công nghiệp hiện đại, từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức. Tháng 7/2000, Hội nghị Thượng đỉnh các nước G8 họp ở Okinawa (Nhật Bản) để bàn đến chiến lược xây dựng kinh tế tri thức có khả năng cạnh tranh và năng động nhất thế giới. Hội nghị coi việc tiếp cận học suốt đời là vấn đề then chốt để tạo ra nguồn lực cho chiến lược.
Đứng trước vấn đề này, nhiều nước đã hoạch định chính sách quốc gia về giáo dục người lớn và phải xây dựng Luật giáo dục suốt đời (Canada, Hàn Quốc, Thái Lan…). Như vậy là, họ đã tính toán đồng bộ những điều kiện cơ bản cho người dân học tập suốt đời: có những chính sách quốc gia và có hành lang pháp lý để việc học tập của từng người dân thực hiện được việc học hành trong những hoàn cảnh sống cụ thể của họ và được sự hỗ trợ của Nhà nước để việc học được thường xuyên trong quá trình sống và hoạt động.
Có 2 vấn đề lớn được đặt ra trước các quốc gia:
Một là: Không thể ngay một lúc xây dựng xã hội học tập trên mọi địa bàn dân cư trong cả nước, mà phải chọn một số địa bàn cụ thể, tập trung nguồn lực để thực hiện được chủ trương xây dựng từng cộng đồng học tậptrước khi triển khai đại trà, thực hiện cả nước trở thành một xã hội học tập.
Hai là: Phải định hướng xây dựng con người với những năng lực và phẩm chất nhất định đáp ứng được yêu cầu phát triển của cộng đồng học tập. Đó là sự định hướng vào mô hình công dân học tập.
Mô hình công dân học tập
Về xây dựng cộng đồng học tập, Việt Nam chủ trương xây dựng xã hội học tập từ cơ sở nên cộng đồng học tập được chọn đầu tiên là cộng đồng học tập cấp xã, nghĩa là, việc triển khai xây dựng mô hình xã hội học tập được bắt đầu từ việc hình thành và phát triển các xã học tập, phường học tập và thị trấn học tập theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công việc này mới bắt đầu từ năm 2016.
Hầu hết các quốc gia đều chọn cộng đồng học tập là những thành phố. Thành phố học tập. Đó là mô hình cộng đồng học tập đã được nhiều nước đưa vào chương trình phát triển của mình.
Tổ chức UNESCO đã hỗ trợ cho chương trình này và là nơi làm nhiệm vụ kết nối các quốc gia có kế hoạch xây dựng các thành phố học tập. Ban đầu có 7 thành phố của các nước thành viên của OCED (tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế được mời tham gia chương trình xây dựng thành phố học tập). Đó là Edmonton (Canada), Gothenburg (Thuỵ Điển), Vienna (Áo), Adelaide (Australia), Pittsburgh (Hoa Kỳ), Kakegawa (Nhật Bản) và Edinburgh (Bỉ).
Về định hướng mô hình công dân học tập, các quốc gia đều chủ trương xây dựng các tiêu chí về năng lực và phẩm chất cần thiết, phù hợp với yêu cầu của cộng đồng học tập. Tất nhiên, mỗi bước đi lên của cộng đồng học tập tất kéo theo việc bổ sung hoặc thay đổi các tiêu chí theo hướng nâng cao và ngày càng hoàn thiện hơn.
Có 4 nhóm năng lực và phẩm chất tâm lý được lựa chọn nhiều nhất là:
Nhóm năng lực và những phẩm chất cần cho con người làm chủ và phát triển bản thân:
· Tự học trên cơ sở ham học, ham tiến bộ.
· Giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống hàng ngày.
· Sáng tạo trong công việc, tìm tòi cái mới, không làm theo khuôn mẫu.
· Tự quản lý bản thân và công việc được giao.
Nhóm năng lực và phẩm chất thực hiện các quan hệ xã hội.
· Có khả năng giao tiếp với những người xung quanh, với đồng nghiệp.
· Tinh thần hợp tác, ý thức tập thể trong công việc sản xuất cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.
Nhóm năng lực và phẩm chất sử dụng công cụ trong lao động và trong sinh hoạt hàng ngày.
· Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
· Sử dụng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ).
· Khả năng tính toán lập kế hoạch.
Nhóm năng lực và phẩm chât cần cho chuyên môn - nghiệp vụ
· Năng lực chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác nhau (Kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật, sư phạm, văn học…)
· Năng lực thể chất và năng lực tinh thần (sức khoẻ, quản lý sức khoẻ, hiểu biết về bảo vệ sức khoẻ, phòng bệnh, sử dụng thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh…)
Việc nghiên cứu những mô hình công dân học tập của một số quốc gia là cần thiết bởi qua đó, ta có thể thấy được phương pháp luận cũng như phương pháp tiếp cận cần tham khảo.
Mô hình công dân học tập của Singapore
Singapore là một quốc gia - thành phố, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên. Hướng phát triển của họ là định hướng con người đi vào cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới. Chính vì vậy, Singapore rất chú ý xây dựng năng lực tư duy cho con người cần có khi trở thành công dân toàn cầu.
Singapore xây dựng Công dân học tập với những năng lực và phẩm chất cốt lõi trong thế kỷ XXI như sau:
· Lòng tự tin
· Năng lực tự học
· Năng lực sử dụng công nghệ thông tin
· Năng lực ngoại ngữ
· Tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm tới quốc gia
· Năng lực đóng góp nhiều cho xã hội
· Tư duy toàn cầu
· Năng lực giao tiếp
(Nguồn: 21st Century Competencies, MOE Singapore, 2014)
Mô hình công dân học tập của Hàn Quốc
Cũng như Singapore, Hàn Quốc là một quốc gia phát triển nhanh với chiến lược Công nghiệp hoá hướng vào xuất khẩu. Tại quốc gia này, tài nguyên thiên nhiên rất hiếm, và chiến lược của họ là phải tăng nhanh tài nguyên con người. Hàn Quốc trở thành một cường quốc hàng xuất khẩu. Họ chủ trương phải xây dựng nhanh những thành phố học tập và từ đó, phải có được những công dân học tập có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Hàn Quốc chú ý nhiều đến mô hình công dân học tập như sau:
· Năng lực sáng tạo trong hoạt động
· Năng lực sử dụng công nghệ số
· Năng lực ngoại ngữ
· Ý thức học tập suốt đời
· Tinh thần đóng góp xây dựng xã hội
· Năng lực tư duy phản biện
(Nguồn: Soon-ok Jo, Nghiên cứu điển hình: Xây dựng xã hội học tập ở Hàn Quốc, 2012).
Để có được công dân học tập như vậy, ở Hàn Quốc người ta xây dựng các chính sách học tập suốt đời dựa trên 3 trụ cột:
Trụ cột 1: Phát triển đầy đủ tiềm năng con người và cải thiện đời sống.
Trụ cột 2: Tăng khả năng tìm kiếm việc làm và năng lực tự tạo việc làm.
Trụ cột 3: Thúc đẩy năng lực hoà nhập xã hội, hình thành một xã hội hoà nhập, phát triển công dân trưởng thành qua giáo dục công dân.
Mô hình công dân học tập ở Canada
Là một nước phát triển ở Châu Mỹ, Canada đi vào xây dựng xã hội học tập với sự quan tâm nhiều đến công dân học tập của quốc gia.
Trong điều kiện phát triển hiện nay, Canada định hướng tới những năng lực và phẩm chất của con người mà theo họ, không thể thiếu được trong thế kỷ XXI:
· Năng lực sáng tạo, đổi mới, tinh thần lập nghiệp
· Năng lực tư duy phản biện
· Năng lực và tinh thần hợp tác lao động
· Năng lực giao tiếp, sử dụng công nghệ truyền thông và thông tin
· Có tính cách của công dân trong một xã hội dân chủ và bình đẳng
· Có trình độ văn hoá, đạo đức công dân và lối sống lành mạnh
· Năng lực sử dụng công nghệ số và máy tính
(Nguồn: A 21st Century vision of public education for Canada, 2012)
Mô hình công dân học tập OCED
Các nước trong OCED chú ý đến 3 nhóm năng lực cơ bản của công dân học tập ở thế kỷ XXI:
a. Nhóm năng lực sử dụng các công cụ tương tác
· Sử dụng công nghệ thông tin
· Kỹ năng ngôn ngữ (nhất là ngoại ngữ trong giao tiếp)
· Kỹ năng tính toán
b. Nhóm năng lực giao tiếp, tương tác trong các nhóm xã hội
· Quan hệ với người khác
· Hợp tác với người khác
· Quản lý (điều hoà được) những xung đột ý kiến
c. Nhóm năng lực hành động tự chủ
· Hành động phù hợp trước những bối cảnh khác nhau
· Năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân
· Năng lực xác định được quyền lợi, quan tâm và điều hoà hợp lý nhu cầu cá nhân
(Nguồn: Definition and Selection of Key Competencies, OCED, 2005)
Kỳ II: Việt Nam với những đặc trưng mong muốn ở công dân học tập
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn