Có thể thấy một thói quen phổ biến ở rất nhiều phụ huynh: sẵn sàng ôm đồm hết đống việc nhà để con rảnh tay, yên tâm học hành, sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để đầu tư phục vụ mọi nhu cầu của con. Thế nên họ không thể chịu đựng nổi cảm giác nhìn thấy con chống chọi với nếp rèn luyện kỉ luật thép trong quân đội, dù chỉ là 1-2 tuần đi tập quân sự. Con xa vòng tay bố mẹ là bố mẹ hoang mang, bất an, đứng ngồi không yên vì sợ con sống khổ. Những thanh niên 16, 17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng bố mẹ vẫn chăm sóc đến từng miếng ăn giấc ngủ, cứ như con vẫn chỉ là đứa trẻ lên 3.
Nhiều vị phụ huynh phản pháo ngay lập tức: Bây giờ nhà ai cũng hiếm con, con là bảo bối trong nhà cần được nâng niu, chăm sóc, giám sát chặt chẽ mọi lúc mọi nơi. Ngoài xã hội nhan nhản cạm bẫy, con ốm đau ra đấy, hư hỏng ra đấy thì bố mẹ ân hận suốt đời. Chiều con mình chứ chiều ai mà phải tính toán thiệt hơn...
Những lúc mệt mỏi, ốm đau, nhiều bậc phụ huynh than trời vì con thờ ơ, vô tâm, không biết đỡ đần bố mẹ dù là việc nhỏ nhất. “Con bận học lắm” trở thành câu thần chú của nhiều bạn tuổi teen. Thói quen xấu của các con đều bắt nguồn từ sự chiều chuộng thái quá của bố mẹ. Các em nghiễm nhiên coi mình là trung tâm vũ trụ, coi việc bố mẹ chăm sóc, đáp ứng nhu cầu này kia mà quên mất mình phải có trách nhiệm gì đối với người thân và gia đình.
Tôi rất tâm đắc với lời chiêm nghiệm của thầy giáo Văn Như Cương “Nhiều vị phụ huynh làm hư con cái của mình mà cứ tưởng như vậy là mình thương chúng nó”. Chúng ta quên mất việc dạy con biết trân trọng, cảm ơn công sức của bố mẹ đang ngày đêm vất vả mưu sinh nuôi con khôn lớn. Trẻ con dù là đứa trẻ đang đi học mẫu giáo hay các em học sinh đang học phổ thông cũng cần được chính bố mẹ dạy bài học nhận lại và cho đi những yêu thương.
Tôi nghĩ đó không phải là phương pháp cao siêu gì, mà thật đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Con gái tôi từ lúc 3 tuổi đã được mẹ rèn cho tự vui chơi cùng các anh chị, không mè nheo bám đuôi bố mẹ đi làm, không kêu gào khóc mếu khi ở nhà một mình, bố mẹ đi làm sớm chưa kịp về nhà. Con trai lớn được tôi rèn làm việc nhà từ lúc vào lớp 1: quét nhà, gấp quần áo, nhặt rau. Con 10 tuổi được mẹ dạy vào bếp nấu nướng, phụ giúp mẹ vài việc đơn giản khi mẹ bận đi làm. Việc rửa bát là việc ai cũng ngán nhưng tôi luôn chia việc cho con: trưa con rửa bát, tối đến phiên bố mẹ. Khi có nhiều xoong nồi bẩn, tôi rửa hộ cho con và nói rõ để con biết, thế là cậu bé biết cảm ơn mẹ.
Trước đây con ngồi vào mâm cơm thường phụng phịu, yêu sách khi không có món ngon mà con ưa thích. Bữa cơm còn hay chảnh chọe, tranh giành cãi vã với em gái khiến bố mẹ nổi cáu, quát mắng. Dù mẹ có nhỏ to phân tích đủ điều, con vẫn không biến chuyển. Tôi nghĩ không có cách giáo dục nào hiệu quả bằng việc mình để con cùng làm việc nhà với mẹ, từ đi chợ, sơ chế rau củ đến vào bếp nấu nướng trong thời tiết oi bức của mùa hè. Con kêu muỗi đốt, kêu đứng rang lạc, rán đậu mỏi nhừ chân... Con hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của bố mẹ khi đi làm cơ quan về là lao đầu vào bếp núc nên con đã có ý thức tự giác và ngoan ngoãn hơn.
Tôi muốn rèn con chủ động, tự lập trong việc đi học đến việc giúp đỡ bố mẹ ở nhà. Con tôi đi bộ tới trường hơn 2 năm rồi, từ khi con đang học lớp 2. Có khi mẹ ở nhà hẳn hoi, có thời gian rảnh hẳn hoi nhưng con cứ việc tự lo mà tới trường. Nghỉ hè, tôi khoán cho con vài đầu việc cụ thể, con cứ làm xong việc nhà thì được phép đi chơi, làm việc nhà được mẹ trả công khuyến khích nên con rất phấn khởi. Tôi nghĩ dạy con quý trọng đồng tiền không gì thực tế hơn việc để con tự mình kiếm ra tiền.
Khi tôi kể chuyện con trai rửa bát, quét nhà, nấu cơm, phơi gấp quần áo, đi bộ đi học thì có nhiều vị phụ huynh sửng sốt "Sao chị bắt con làm nhiều thế, lại còn không đưa đón con tới trường, em cứ thấy con khổ sở quá".
Tất nhiên tôi có thể làm việc nhà hết cho con, vì nhiều việc con làm xong tôi còn mất công làm lại. Nhưng không dạy con có ý thức ngay từ những việc nhỏ nhất thì làm sao mong con có thể năng động, hoạt bát, có thể trưởng thành vững vàng khi bước vào đời.
Tôi quá quen với việc cười nói rộn ràng khi ai đó vô tình bắt gặp con hì hụi rửa bát ngoài sân, trời nắng chang chang và mẹ thì lảng vảng bên cạnh. “Tí tuổi đầu đã phải rửa bát” - “Vâng, cháu rửa bát cho nhanh lớn, mẹ cháu bảo thế...”.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn