Victor Vũ: “Làm phim không chỉ là một nghề, mà là đam mê, là cuộc sống”

Thứ tư - 24/08/2016 03:49

Victor Vũ: “Làm phim không chỉ là một nghề, mà là đam mê, là cuộc sống”

Đam mê tái hiện những sắc màu tinh tế, chân thực và sống động của cuộc sống trong từng thước phim, mỗi tác phẩm của Victor Vũ là một câu chuyện mới với cách thể hiện mới, vừa hiện đại, vừa mang bản sắc riêng của chính anh.

Nổi tiếng là “đạo diễn triệu đô” với các bộ phim ăn khách như Chuyện tình xa xứ, Cô dâu đại chiến, Giao lộ định mệnh, Thiên mệnh anh hùng, Scandal, Quả tim máu và mới đây nhất là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ đã tạo được một làn gió mới trong làm nên cơn sốt vé tại các rạp chiếu phim. Điều đó cũng cho thấy sự "lên tay" của anh nhằm hướng khán giả lên một tầm cao hơn.

Những năm tháng tuổi trẻ ở xứ người, hẳn anh đã trải qua nhiều thử thách khi theo đuổi và nuôi dưỡng khát vọng trở thành đạo diễn điện ảnh?

Tôi có 1 tấm bằng, 6 năm làm việc ngoài ngành và 2 bộ phim đầu tay đầy khó khăn. May mà tôi còn cơ hội đến với điện ảnh lần nữa với bộ phim thứ 3 Chuyện tình xa xứ tại Việt Nam.

Ngày ấy, học xong ngành điện ảnh, tôi ra trường không ai biết mình, mình cũng chẳng quen biết ai. Tôi chỉ biết đi làm, làm thật nhiều để dành dụm đủ kinh phí cho bộ phim nhựa đầu đời, loại phim 16 ly thật đắt đỏ ngày ấy. Và bộ phim Buổi sáng đầu năm, câu chuyện về một gia đình người Mỹ gốc Việt đã nhận về một thất bại gần như thua trắng. Không bỏ cuộc, bộ phim thứ 2, Oan hồn, nhà sản xuất khuyên tôi chuyển tuyến nhân vật người Việt thành nhân vật Mỹ và quay tại Mỹ vì chúng tôi về Việt Nam xin giấy phép không thành công. Tôi cố giải thích cho sản xuất hiểu đây là một bộ phim tâm linh, một câu chuyện ma của Việt Nam, dành cho người Việt. Thế là chúng tôi tìm một khu đất trống ở phía Nam bang California, xây dựng phim trường giống với bối cảnh vùng quê Việt Nam và thực hiện phim tại đó.

Giờ nhìn lại, tôi không hiểu sao mình có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn, tay trắng, bị chối từ và đối diện bao thất vọng. Cũng may tôi đã không nghĩ nhiều đến nó mà chỉ cố gắng làm việc của mình thật tốt. Giờ đây tôi thấy vui vì lúc đó mình đã không bỏ cuộc.

Anh từng viết “Phim Việt ơi, đừng tuyệt vọng!”. Đó có phải là mong ước lớn nhất của anh trong con đường trở về với quê hương?

Bạn có nhầm không đấy, tôi chưa từng nói câu ấy bao giờ? Ngược lại, tôi có cái nhìn khá tích cực đối với điện ảnh Việt Nam, lượng phim được sản xuất ngày một nhiều, là đội ngũ làm phim trẻ với góc nhìn mới, những câu chuyện độc đáo và những quan niệm mới mẻ. Tôi biết cần nỗ lực làm việc hết mình trước khi có thể ca thán về thế cuộc của ngành phim.

Vì sao anh gọi những tác phẩm của mình là "phim siêu thị"? Đó có phải là cách để anh tạo nên sự khác biệt và cuốn hút riêng?

(Cười) Đó là một câu thoại trong phim Scandal - Bí mật thảm đỏ chỉ về hiện trạng phim thương mại ở Việt Nam lâu nay vẫn bị gắn nhãn là phim thị trường, phim chợ. Nhưng tôi tin rằng, bất cứ loại phim nào cũng có khán giả riêng, ngay cả phim thương mại cũng cần có giá trị nghệ thuật nhất định thì mới được coi là tác phẩm giải trí đúng nghĩa. Chúng ta không nên bám vào một danh xưng để gọi tên một tác phẩm phim, quan trọng là hãy biết mình đang làm gì và cần tỉnh táo với nó.

Cảm xúc của anh thế nào khi thấy khán giả xếp hàng xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và sau đó Phú Yên đã trở thành một điểm du lịch cuốn hút giới trẻ?

Là một cảm xúc khó quên trong đời, khiến tôi thêm vững tin vào thị hiếu của khán giả. Họ luôn sẵn lòng đón nhận những đề tài mới và đồng cảm, xúc động trước những tình tiết mà họ thấy thân quen.

Tuổi thơ với những bài học đầu tiên về nhân cách, về tình yêu gia đình, về mối quan hệ bạn bè, nam nữ... đã được anh thể hiện thật dịu ngọt mà không kém phần dữ dội. Bản thân anh đã từng trải qua một tuổi thơ dữ dội để tạo dựng được câu chuyện phim thực và đẹp như thế?

Tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có rất nhiều yếu tố “đắt” trong hành trình tuổi thơ của bất cứ người Việt nào. Trong đó có nhiều tình tiết lạ lẫm đối với thời niên thiếu của tôi. Điểm tương đồng duy nhất mà tôi tìm thấy chính là câu chuyện về tình anh em. Tôi may mắn cũng có một người em trai. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, hệt như Thiều và Tường ngày ấy. Bờm em tôi coi anh trai như thần tượng, nhưng Tèo (là tôi) lại hay bỡn cợt, có khi ác ý với em trai mình. Chúng tôi lớn dần từ những lỗi lầm của chính bản thân và dần biết trân trọng nhau, yêu thương nhau hơn. Điều đó làm nên ý nghĩa của chữ “gia đình”. Giờ đây, tôi và em trai là người bạn tốt nhất của nhau.

Anh có thể nói một chút về sự hợp tác giữa anh và nhà quay phim K’Linh trong quá trình làm phim? Anh quan niệm thế nào về cái đẹp trong nghệ thuật điện ảnh?

Nhà quay phim K’Linh là đồng nghiệp thân thiết của tôi. K’Linh và tôi đã cùng nhau làm 9 bộ phim. Do đó chúng tôi hiểu nhau rất rõ và sự hợp tác trở thành một điều gì đó rất riêng. Những cảm nhận chung của chúng tôi về màu sắc, ánh sáng và khung hình dần hòa nhập với nhau sau bằng ấy năm cùng làm việc.

Chúng tôi may mắn tìm được sự đồng cảm và nhất quán trong tư tưởng nghệ thuật. Cái đẹp của điện ảnh phụ thuộc nhiều vào câu chuyện mình muốn kể. Ví dụ, đối với với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khi kể về một câu chuyện thời cũ của người Việt, chúng tôi cố gắng chuyển tải những hình ảnh thực nhất của đời sống dân mình. Cuộc sống có thể cực và nghèo nhưng qua đôi mắt trẻ thơ, thế giới trong phim vẫn đẹp, trong sáng, hồn nhiên và rất thật.

Vận dụng công nghệ làm phim Hollywood trong điều kiện thực tế Việt Nam có khó không khi anh thể hiện những màu sắc siêu thực trong phim?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hình ảnh cuối cùng của một bộ phim, đặc biệt là màu sắc. Về mặt công nghệ và thiết bị, điều đó phụ thuộc vào loại máy quay bạn sử dụng và cách bạn chỉnh màu bộ phim. Mỗi loại máy quay có kiểu bắt màu sắc và ánh sáng khác nhau. Ở Việt Nam, công nghệ Quantum dot (chấm lượng tử) và HDR 1000nits đã được tích hợp trong tivi, góp phần thể hiện các tác phẩm điện ảnh của tôi một cách sống động, chân thực hơn. Về mặt sáng tạo thì tông và màu sắc của phim còn phụ thuộc vào cả việc chiếu sáng và thiết kế sản xuất.

Anh nghĩ gì về những băn khoăn ban đầu của đạo diễn Việt Linh - người chuyển thể tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vì “bên cạnh khả năng hiển nhiên hiệu quả cho phần siêu thực, tôi tự hỏi không biết Vũ có cùng nhịp với nhà văn và biên kịch trong tính trong trẻo, nên thơ của tác phẩm hay không”?

Trước sự thành công của tác phẩm văn học và sự kì vọng của nhiều người yêu truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chúng tôi chỉ có thể làm phim từ chính con tim mình. Tất cả những gì được học ở trường điện ảnh và những kinh nghiệm làm phim trước đây phải nhường chỗ cho cảm xúc. Dòng chảy xúc cảm tự nhiên quan trọng hơn tất cả những yếu tố khác. Khi đọc tiểu thuyết này, tôi để những ký ức tuổi thơ của mình và tình cảm với quê nhà quyết định cách tôi kể chuyện. Nhiều lúc, tôi đã phải buông bỏ những công thức mà tôi từng sử dụng trong những tác phẩm trước của mình.

Sinh ra ở Mỹ, vì sao anh chọn trở về Việt Nam? Anh có gặp nhiều trở ngại trong tìm kiếm hạnh phúc hay làm được điều mình muốn, sống đúng như mình mong ước?

Dù sinh ra ở Mỹ nhưng tinh thần Việt luôn ở trong tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Có lẽ do tôi lớn lên trong một gia đình Việt Nam rất truyền thống. Tôi được tiếp xúc với những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết Việt Nam ngay từ khi rất nhỏ và tôi luôn cảm thấy tự hào về nền văn hóa Việt Nam. Tôi nhớ mình từng đến rạp xem những bộ phim của Hollywood và tự hỏi tại sao Việt Nam không có những bộ phim được như vậy. Do đó, hành trình quay trở về Việt Nam để làm phim là điều gì đó rất tự nhiên đối với tôi, như là định mệnh vậy.

Trong tình yêu, anh là người đàn ông như thế nào? Anh coi trọng giá trị nào nhất của tình yêu, của cuộc sống một người đạo diễn?

Tôi ước gì mình lãng mạn hơn, giống một số nhân vật trong phim của mình (cười). Tôi nghĩ quan điểm của một người trẻ về tình yêu sẽ dần thay đổi qua những kinh nghiệm họ có được, mỗi ngày một sâu sắc hơn. Một điều tôi học được là tìm được tình yêu không phải là khi tìm được một người hoàn hảo, mà là mình và người ấy hoàn hảo cho nhau. Là một đạo diễn, tôi phải chịu nhiều áp lực và thách thức, nhưng với tôi, làm phim không chỉ là một nghề, mà còn là đam mê, là cuộc sống. Tìm được một người có thể chia sẻ công việc sáng tạo này với tôi cũng như thấu hiểu được những nỗ lực và khổ cực của nghề làm phim mà tôi theo đuổi là rất hiếm và rất đặc biệt.

Anh đã từng trải qua những hụt hẫng, tuyệt vọng về nghề, về đời? Anh đã vượt qua như thế nào để tiếp tục làm việc và sáng tạo?

Tôi thường nói với những nhà làm phim trẻ đầy khát vọng rằng nếu muốn làm phim, bạn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với rất nhiều thất vọng. Chịu đựng sự phản đối, chối từ và gánh thất bại vẫn còn dễ. Khó hơn nữa là đứng dậy tiếp tục làm việc, không để cho những điều đó hủy hoại đam mê và tinh thần sáng tạo của mình.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, theo anh, những nhà làm phim Việt Nam phải nỗ lực như thế nào để có thể tạo ra được làn gió mới?

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, tạo điều kiện tốt cho các nhà làm phim. Tôi không thể phát biểu đại diện cho các nhà làm phim khác, nhưng theo tôi, điều quan trọng là cần phải thách thức chính mình bằng những đề tài mới. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng của tôi, là thứ giúp ngọn lửa trong tôi tiếp tục bùng cháy. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng khán giả bây giờ, nhất là những khán giả thường xuyên đến rạp, khá tinh tế và đặt yêu cầu cao hơn đối với phim điện ảnh.

Là một đạo diễn đa phong cách, con người anh có đa... nhân cách? Những trải nghiệm nào quý giá nhất giúp anh có được tâm hồn phong phú, nhạy cảm cũng như cái nhìn trong trẻo và nhân văn?

Tôi không có đa nhân cách (cười). Đơn giản là tôi yêu điện ảnh, yêu tất cả mọi thể loại phim. Có thể nói tôi là một fan cuồng điện ảnh. Khi xem một bộ phim, tôi có quan điểm rõ ràng nếu cần nói yêu thích hoặc không thích. Vì vậy, khi làm phim, tôi cũng tiếp cận theo cách tương tự. Điều quan trọng là câu chuyện có truyền cho tôi cảm hứng không, ý tưởng phim có kích thích tôi không. Một khi câu chuyện đã làm tôi chú ý, tôi sẽ nghĩ cách tốt nhất và hiệu quả nhất để kể lại. Điều kế tiếp là nên làm theo phong cách nào, hài kịch hay hành động? Với tôi, thể loại phim cũng quan trọng như việc chọn ý tưởng cho phim vì nó ảnh hưởng đến cách tôi kể chuyện.

Điện ảnh với anh mang ý nghĩa như thế nào?

Với tôi, điện ảnh giống như thức ăn và nước uống vậy. Thật khó tưởng tượng cuộc sống của tôi mà thiếu đi điện ảnh.

Trong đời thường, anh có đam mê nào khác không?

Bên cạnh điện ảnh, tôi dành phần còn lại của đam mê và con tim mình cho gia đình và vợ tôi. May mắn cho tôi là cả gia đình tôi đều yêu điện ảnh. Chúng tôi cùng đi xem phim ít nhất hai lần một tuần hoặc cùng nhau thưởng thức những bộ phim yêu thích với tivi Samsung SUHD.

Đối với anh, những giá trị gia đình nào là quý giá nhất? Anh có tự nhận mình là người chồng, người cha mẫu mực?

Đó là sự chung thủy, ấm áp, vững chắc và an toàn - những điều mà gia đình mang lại. Gia đình là nơi ta trở về khi người khác quay lưng lại với ta. Gia đình tôi cũng từng trải qua những thời kỳ khó khăn nhưng cha mẹ tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, dù mọi chuyện có tồi tệ đến đâu. Là một người chồng và sẽ là một người cha, tôi dặn mình phải cố gắng giữ được sự kiên trì, kiên nhẫn và khôn ngoan như cha mẹ tôi đã từng thể hiện để giữ gia đình tôi mãi hạnh phúc.

Anh quan niệm thế nào là sống giàu?

Cuộc sống đã dạy tôi rằng giàu có thật sự không phải có nhiều tiền bạc hay sở hữu nhiều của cải vật chất. Những thứ đó chỉ mang lại cho người ta sự thỏa mãn tạm thời. Đối với tôi, giàu có thật sự là những thứ mà tiền không thể mua được, là sức khỏe, là gia đình… và trong trường hợp của tôi, là đam mê điện ảnh nữa. Có một thời gian túi còn rất ít tiền nhưng tôi luôn cảm thấy mình sung túc. Vì lúc đó tôi vẫn đang khỏe mạnh, vẫn có những người yêu thương bên cạnh và quan trọng hơn cả là tôi vẫn thức dậy mỗi ngày với công việc mà tôi yêu thích.

Thử hỏi có bao nhiêu người thành thật nói rằng họ mong chờ mỗi ngày thức dậy để đi làm? Khi những gì bạn làm được tiếp lửa từ đam mê, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đó là công việc cả. Tôi tin rằng thành công sẽ đến khi bạn làm những điều bạn thật sự yêu thích vì đó là lúc bạn khai phá những tiềm năng lớn nhất của mình và chinh phục được những thách thức mà tưởng chừng không thể vượt qua.

Câu hỏi cuối cùng: Bộ phim sắp tới của anh là gì và giấc mơ lớn nhất của anh?

Tôi đang chuẩn bị cho bộ phim giả tưởng, ly kỳ có tựa đề Người bất tử. Tôi có rất nhiều mơ ước lớn, mà một trong số đó là thực hiện một bộ phim lịch sử hùng tráng về anh hùng Trần Hưng Đạo.

H. Sa

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây