Những năm gần đây, bên cạnh các bộ phim cổ trang mang tính “kỷ niệm” do nhà nước đặt hàng như: Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca, Mỹ nhân… thì những bộ phim cổ trang do các đơn vị tư nhân sản xuất đang từng bước len lỏi vào thị trường phim Việt.
Tuy nhiên, có một thực tế khá đau lòng đó là bộ phim cổ trang nào của Việt khi công chiếu cũng đều gây nên những tranh cãi khá ồn ào. Người khen thì ít, kẻ chê lại nhiều, kể cả những bộ phim được đầu tư tới hàng chục tỉ như phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể mới đây.
Trang phục luôn tạo nên tranh cãi
Trang phục của những bộ phim cổ trang Việt là thứ bị chê đầu tiên vì đây là thứ “đập” vào mắt người xem nhiều nhất, rõ nhất. Mới đây nhất, ngay khi vừa hé lộ cách tạo hình nhân vật trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì một “cơn sóng” chê bai liền nổ ra. Trong 10 người quan tâm đến thì đã có tới 9 người chê trang phục phim quá hiện đại, không thuần Việt và không phù hợp với bối cảnh của phim cổ trang. Thậm chí, có người còn “nặng lời” cho rằng, trang phục của phim này “cầu kỳ như một cách khoe của” và “chỉ phù hợp với tủ kính trưng bày”.
Ngược về trước đó, bộ phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thuỵ cũng tạo ra cuộc tranh cãi gay gắt về trang phục của phim. Nhiều người cho rằng, phim lấy bối cảnh là thời chúa Trịnh nhưng lại có nhiều hoạ tiết lai căng phim hoạt hình trên thế giới. Cụ thể, hình sư tử trên y phục của diễn viên Châu Thế Tâm giống hình ảnh trong phim Vua sư tử của Walt Disney, rồi họa tiết rồng trên đai trang phục cũng bị cho là giống với tranh Chibi. Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức cũng phải lên tiếng nhận xét phim có phục trang ẩu tả, lấy hình Vua Sư Tử in lên áo nhân vật nam, chưa kể chiếc mũ gắn ngọc là ảnh hưởng từ phim Bao Công, ống tay áo của quan thời Lê cũng không có hình thủy ba. Vấn đề trầm trọng tới mức nhà thiết kế Thái Bá Dũng gọi đây là một sự sỉ nhục cho phim đề tài lịch sử, cổ trang của điện ảnh Việt Nam.
Các bộ phim như: Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật… trang phục của nhân vật trong phim cũng bị chê là mang màu sắc Trung Hoa đậm nét hoặc quá hở hang. Thậm chí, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã phải chiếu “chết yểu” vì không thể sửa lại trang phục theo yêu cầu của cơ quan quản lí văn hoá.
Theo đạo diễn Dustin Nguyễn thì trang phục trong phim cổ trang đóng vai trò rất quan trọng bởi nó chính là cách tạo hình nhân vật. Nếu trước đây, trong điều kiện thiếu thốn, các nhà làm phim phải “giật gấu, vá vai” bằng cách mượn hoặc thuê trang phục của các đoàn cải lương thì nay các đoàn làm phim đều đã đầu tư hẳn một ê-kip chuyên lo khâu trang phục.
Bộ phim Khát vọng Thăng Long mời nhà thiết kế Trần Bảo Chi từ Pháp sang, bộ phim Mỹ nhân kế có sự tham gia của Nguyễn Công Trí… Riêng trang phục phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tiết lộ đã đầu tư tới 2 tỷ cho một ê-kíp gồm toàn những nhà thiết kế - stylist giỏi nghiên cứu trong vòng 3 tháng để tạo ra được những bộ trang phục ưng ý cho từng nhân vật… Tuy nhiên, dù nỗ lực đến mấy thì trang phục của phim cổ trang Việt vẫn không thể tránh được tình trang bị so sánh với các bộ phim của nước ngoài. Thêm vào đó, các nhà thiết kế dù có giỏi đến mấy cũng chưa hẳn là đã am hiểu về trang phục cổ.
Nhà nghiên cứu trang phục cổ Nguyễn Quang Đức cho rằng, sẽ không bao giờ có bộ phim lịch sử nào mà trang phục đúng 100% so với thực tế. Ở góc độ cá nhân, ông Đức cho trang phục cổ trang có thể cùng lúc vừa làm đúng vừa làm đẹp được nếu nghiên cứu kỹ về lịch sử, văn hoá và xã hội của từng thời kỳ lịch sử.
Bối cảnh vẫn thiếu và yếu
Đi cùng với trang phục chính là bối cảnh. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bối cảnh là yếu tố để người xem khẳng định về thời gian và không gian của phim. Bối cảnh do đó không chỉ hàm chứa lịch sử, văn hoá, xã hội… mà còn liên quan mật thiết với nội dung kịch bản.
Một nhà làm phim xin giấu tên chia sẻ rằng, trong số các phim cổ trang Việt Nam đã công chiếu, không hẳn không có phim được khen về bối cảnh. Cụ thể là Huyền sử thiên đô và Long Thành cầm giả ca từng được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật tuy không gây được hiệu ứng phòng vé như các bộ phim cổ trang nước ngoài. Ngoài ra, các phim của Lửa Phật của Dustin Nguyễn và Thiên mệnh anh hùng Victor Vũ cũng tạo được nhiều thiện cảm của khán giả dù vẫn còn tồn tại nhiều hạt sạn.
Theo nhà làm phim này, bối cảnh cho phim cổ trang hiện nay còn rất thiếu và yếu. Vì thiếu điều kiện để có thể dựng được những phim trường chuyên nghiệp nên các nhà làm phim Việt toàn phải làm theo kiểu “tạm bợ” hoặc cậy nhờ đến kỹ xảo. Tuy nhiên, trình độ làm kỹ xảo của Việt Nam còn yếu nên dù nỗ lực đến mấy thì phim cổ trang Việt vẫn luôn bị cho là có màu sắc giống phim Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là bộ phim có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, vì để các chuyên gia Trung Quốc quyết định bối cảnh nên khi hoàn thành, bối cảnh của phim không khác gì một phim cổ trang Tàu.
Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể dù đã cố gắng về tận Ninh Bình để bắt trọn những cảnh núi non hùng vĩ và nhờ kỹ xảo để tạo nên những đại cảnh “lộng lẫy” chưa từng có trong phim cổ trang Việt nhưng vẫn chưa tạo nên một dấu ấn nào thật đặc biệt. Thậm chí, bối cảnh vẫn bị xem là nhang nhác phim kiếm hiệp của Tàu.
Ngô Thanh Vân chia sẻ rằng: "Khó khăn ở thể loại phim này là rất cần phim trường, bối cảnh phù hợp, rộng và được thiết kế đầy đủ tiêu chuẩn phim trường. Đầu tư cho phim cổ trang cũng tốn nhiều chi phí về trang phục, đạo cụ, từ đó làm kinh phí cho phim bị đẩy lên rất cao. Tôi đã mất nhiều năm để đầu tư cho những dự án cổ trang khiến nhiều bạn bè thắc mắc về việc tự làm khó mình".
Kịch bản dễ dãi và sơ sài
Kịch bản phim cổ trang Việt cũng là nguyên nhân khiến nhiều bộ phim bị “mất điểm”. Đa phần các phim cổ trang Việt đều được xây dựng dựa trên một câu chuyện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử. Bộ phim Mỹ nhân ra mắt năm ngoái dù đã nỗ lực “câu kéo” khán giả bằng các diễn viên nổi tiếng và khâu truyền thông rầm rộ nhưng khi vừa ra mắt thì đã bị chê không tiếc lời về trang phục, cách tạo hình nhân vật và sự cẩu thả trong xây dựng kịch bản. Kịch bản phim chứa quá nhiều tình tiết phi lý và diễn biến xung đột cũng bị chắp vá rất nghiệp dư.
Ngay như phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng khi công chiếu cũng đã không tránh khỏi bị chê dở và quá nhiều “sạn”. Nhiều người cho rằng, phim có kịch bản quá dễ dãi nên chỉ cần mở phim người ta đã đoán được diễn biến, ôm đồm quá nhiều tình tiết lãng mạn nhưng lại không có điểm nhấn, càng về cuối mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim. Và cũng vì kịch bản yếu nên các diễn viên chính chưa chạm được đến tận cùng nhân vật.
Thậm chí, nhiều người chê diễn viên Hạ Vi “cứng” như một “bình hoa di động” trên phim khiến nhân vật “chết” ngay từ khi phim mới mở màn. Họa sĩ Trương Huyền Đức trong bài viết rất dài trên trang cá nhân đã chấm cho Ngô Thanh Vân điểm 3 trong thang điểm 10 ở bởi theo anh nếu “đả nữ” họ Ngô có kinh nghiệm hơn và có đội ngũ hỗ trợ tốt hơn ở các khâu kịch bản, giám sát phim trường, thiết kế, quay phim... thì có lẽ phim của cô tránh được nhiều lỗi.
Định kiến trong tư duy người xem
Thực tế thì bên cạnh những nguyên nhân chủ quan “to đùng” đã kể trên, có một nguyên nhân khách quan khác “to đùng” không kém, khiến phim cổ trang Việt luôn bị chê đó là định kiến của người xem. Phim cổ trang Việt vốn phát triển chậm hơn so với các bộ phim cổ trang xứ Tàu, Hàn, Nhật… Vì lẽ đó mà phim Việt rất hay bị đem ra mổ sẻ, so sánh và bình luận.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, có người xem tới xem tới xem lui một bộ phim cổ trang Việt nhưng lần nào xem cũng thấy phim đầy những yếu tố ngoại lại là bởi trong đầu họ đang “ních” đầy những hình ảnh của phim nước ngoài. Và với những định kiến cố hữu này thì dù nhà sản xuất Việt có cố gắng Việt hoá phim đến mấy cũng không thể nào tránh được tình trạng bị chê.
Đạo diễn Victor Vũ cũng cho rằng, phim cổ trang, kiếm hiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh và coi là giống Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế thì dòng phim này của Trung Quốc cũng có bộ phim hay, phim dở chứ không phải phim nào cũng “tuyệt đỉnh công phu”. Cái khó là vì khán giả quen được xem những bộ phim ít “sạn” nhất nên khi xem phim Việt họ cũng đòi hỏi phải được như thế. Nếu không được như kỳ vọng họ lại lên tiếng chê bai, bình phẩm và so sánh. Đó thực sự là một điều làm khó các nhà sản xuất.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn nhìn nhận dòng phim cổ trang Việt Nam đang rất yếu nhưng nếu các nhà làm phim cứ né tránh mãi thì sẽ chẳng bao giờ có thể mạnh lên được. Vì thế, các nhà sản xuất chịu khó mỗi ngày một chút và khán giả Việt cũng mở lòng hơn khi đón nhận những tác phẩm cổ trang “make in Vietnam” thì những tia sáng cho dòng phim này không có cớ gì đóng lại.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng, một bộ phim lịch sử thành công cần kết hợp thành quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Sự chuyên nghiệp trong trang phục thôi chưa đủ. Ngoài phục trang, còn có bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ chữ viết... Kịch bản tồi, lời thoại sống sượng, không gian văn hóa sai lạc, đặc biệt nếu cứ giữ y cái quan niệm về vẻ đẹp thuần Việt đưa vào phim... thì sẽ chỉ mang lại những sản phẩm xộc xệch, méo mó mà thôi. Mọi sự bắt đầu đều nằm ở tinh thần cầu thị và ở tư duy cởi mở.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn