Chương trình Cùng Nhau Tỏa Sáng tập 5 có chủ đề "Chuyện hậu trường" vừa phát sóng tối qua đã mang đến cho khán giả 4 câu chuyện nói về phía sau thành công của những người nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nghệ sĩ cải lương, ca sĩ, nhạc công, vũ công cho đến những người biểu diễn sơn đông mãi võ trên phố... Dù là ngành nghề gì thì để có được thành công, tất cả họ đều phải qua những ngày tháng gian nan khổ luyện và cả hy sinh cho nghề nghiệp của mình.
Tuy nhiên, điều đọng lại trong 4 tiết mục tối qua không hẳn là những thông điệp lớn lao của mỗi tiểu phẩm mà là sự lăn xả, cống hiến hết mình cho vai diễn của các nghệ sĩ trẻ để mang đến những tác phẩm ấn tượng.
MC Hoàng Rapper
Đó là sự "liều mạng" của ca sĩ Mai Quốc Việt khi dám nhai lưỡi lam thật trên sân khấu bất chấp việc rủi ro bị thương có thể ảnh hưởng đến việc ca hát của anh; đó là nam diễn viên Lý Bình - con nuôi Hoài Linh với màn ngậm dầu phun lửa và dùng đuốc hơ trên cánh tay và cơ thể dù anh chỉ mới được học trước đó một tiếng đồng hồ trước khi lên sân khấu biểu diễn; đó là sự hy sinh của Phạm Yến với những màn múa võ Vovinam đẹp mắt và tai nạn đổ máu thật trên sân khấu khi cô dùng dao thật thay vì đạo cụ để biểu diễn. Dù máu chảy khá nhiều trên bàn tay và dính trên cánh tay nhưng nữ diễn viên vẫn nén đau để hoàn thành tiểu phẩm, đến mức không ai biết là cô đang bị thương thật; đó là sự tìm tòi, khám phá khả năng bản thân ở những thử thách mới như hát opera của nam ca sĩ nhạc trẻ Phạm Chí Thành, hát cải lương của nữ diễn viên My Trần, hoặc mạnh dạn thay đổi hình ảnh của bản thân qua những vai diễn mới mẻ hơn như: Quỳnh Chi, Hồ Bích Trâm, Bảo Kun, Lê Bửu Đa, Tâm Nguyễn và Lê Nghĩa.
Chưa bàn đến độ thuyết phục của mỗi tiểu phẩm, chỉ riêng sự trình diễn của các nghệ sĩ và cả nội dung của từng tiết mục, có thể nói Cùng Nhau Tỏa Sáng tối qua đã chuyển tải khá tốt tuyên ngôn của những người nghệ sĩ về nghề nghiệp của mình đó là: "Điều đáng sợ nhất với người nghệ sĩ không phải là cái chết mà là không được sống trọn vẹn với đam mê trên sân khấu".
Ban giám khảo của chương trình
Con nuôi Hoài Linh mạo hiểm biểu diễn múa lửa dù chỉ mới được học 1 tiếng đồng hồ
Nói về sự hết mình cho vai diễn, có lẽ nam diễn viên Lý Bình đã thừa hưởng được không ít từ bố nuôi của mình: NSƯT Hoài Linh. Trong đêm thi, Lý Bình đã có phần biểu diễn khá ấn tượng với màn ngậm dầu phun lửa và dùng đuốc hơ trên cánh tay và cơ thể. Hình ảnh của Lý Bình khiến khán giả nhớ đến cựu Quán quân của Cười Xuyên Việt mùa đầu tiên Lê Dương Bảo Lâm. Để tập tiết mục này, trước đó Bảo Lâm đã không ít lần bị phỏng cả miệng không thể ăn uống. Ấy vậy mà Lý Bình đã thực hiện hoàn hảo phần biểu diễn dù anh chỉ mới được học khoảng một tiếng đồng hồ trước khi ra sân khấu thi. Có vẻ như anh chàng có duyên với những màn biểu diễn mang tính... đột xuất này. Trước đó, Lý Bình cũng từng gia nhập nhóm À Há chỉ đúng 1 đêm trước ngày thi để thay cho một thành viên khác bất ngờ rời nhóm. Chính vì sự "thế thân" mang tính chữa cháy này mà ở 2 tập đầu, vai diễn của Lý Bình có phần "nhẹ đô" hơn so với 2 thành viên còn lại của nhóm À Há.
Con nuôi Hoài Linh trổ tài múa lửa trên sân khấu khiến nhiều người bất ngờ
Tuy nhiên, từ tiểu phẩm "Tuổi nổi loạn" tối qua, vai diễn của Lý Bình đã có nhiều đất diễn hơn để anh thể hiện khả năng diễn xuất của mình. Trong tiểu phẩm, Lý Bình vào vai anh chàng nhạc công trong một nhóm nhạc gồm có 3 thành viên là anh, Phương TiTi và Phạm Chí Thành. Vì bị chủ quán bar ức hiếp khi yêu cầu nhóm chơi duy nhất một bài hát từ năm này đến năm khác nên con nuôi Hoài Linh đã quyết định "nổi loạn". Anh cùng với Phương TiTi và Phạm Chí Thành đã thể hiện một màn trình diễn khác, kết hợp giữa ca hát và nhảy múa theo ý của mình, bất chấp việc bị gã quản lý đuổi khỏi quán bar.
Thông điệp của tiểu phẩm nói về nghệ sĩ tính của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là luôn đổi mới, sáng tạo và hết mình trên sân khấu. Thông điệp được À Há chuyển tải nhẹ nhàng, dễ thương thông qua mô típ hồi ức của 3 người nghệ sĩ già về tuổi trẻ và thời nổi loạn của mình. Trong tiểu phẩm, nam ca sĩ Phạm Chí Thành – Quán quân của Ngôi sao phương Nam 2015 – tiếp tục gây ấn tượng với giọng hát hay và khả năng diễn xuất tốt. Không chỉ hát nhạc trẻ, tối qua Phạm Chí Thành còn hát cả opera với ca khúc nổi tiếng "Queen of the night". Nữ diễn viên Phương TiTi tiếp tục là người kết nối của nhóm. Cô cho thấy sự đa năng của mình khi làm tốt cả việc ca hát, nhảy múa và diễn xuất.
Thông điệp tiểu phẩm của đội À Há được cho là khá ý nghĩa
Quỳnh Chi gây xúc động với tiểu phẩm tái hợp chồng con
Với tiểu phẩm "Tìm Về", 3 thành viên của đội Chanh Thần đã giành được chiến thắng trước đội À Há để nhận được 3 điểm tích lũy cùng phần thưởng là 20 triệu đồng tiền mặt. Tiểu phẩm của Chanh Thần nói về một gia đình sống bằng nghề sơn đông mãi võ. Ngày ngày, họ rong ruổi trên con thuyền đi từ vùng đất này đến vùng đất khác để biểu diễn, kiêm bán thuốc Nam để kiếm tiền. Một trong những màn biểu diễn đặc sắc nhất của họ là bịt mắt phóng dao do người chồng (Mai Quốc Việt) biểu diễn. Làm tấm bia cho chồng phóng dao chính là người vợ (Quỳnh Chi). Do nhiều lần bị dao phóng trúng, người vợ cố khuyên chồng đổi nghề nhưng người chồng không muốn từ bỏ nghề gia truyền của gia đình. Chính vì vậy, người vợ quyết định ra đi, bỏ lại chồng cùng cô con gái nhỏ vì cô không thể tiếp tục sống trong sự sợ hãi mỗi khi làm bia đỡ dao cho chồng.
Tiểu phẩm của Chanh Thần nói về một gia đình sống bằng nghề sơn đông mãi võ
Sau khi người vợ ra đi, người chồng tiếp tục làm nghề sơn đông mãi võ nhưng tuyệt nhiên không biểu diễn màn bịt mắt phóng dao nữa. Anh cùng con gái rày đây mai đó kiếm sống. Sau 7 năm, cô con gái (Phạm Yến) lớn lên và tiếp tục nối nghề của cha. Trong một lần biểu diễn, cô con gái năn nỉ cha thực hiện lại độc chiêu bịt mắt phóng dao và dùng mình làm bia đỡ. Tuy nhiên, người cha không muốn con gái mình gặp nguy hiểm nên muốn tìm kiếm một người khác xung phong. Và người đó không ai khác chính là người vợ năm xưa. Tình cờ gặp lại sau 7 năm xa cách, người chồng vô cùng xúc động và một lần nữa anh lại phóng dao trúng vào cánh tay của vợ. Những tưởng là trong thời gian xa cách, người vợ đã yên vui với hạnh phúc mới nhưng người chồng không ngờ là vợ anh vẫn sống một mình trong sự đau khổ.
"Gia đình" của Quỳnh Chi đã phải xa cách nhau
Còn người vợ, sau khi bỏ đi, cô nhận ra một điều dù là làm nghề gì, có vất vả cực khổ như thế nào thì chỉ cần gia đình được sống bên nhau là hạnh phúc lắm rồi. Tiểu phẩm khiến cho nữ đạo diễn Khả Như – đạo diễn cố vấn cho nhóm Chanh Thần rơi nước mắt. Nhận xét về phần thi của đội Chanh Thần, giám khảo Phước Lập cho rằng nhóm Chanh Thần cần phải phấn đấu hơn, đặc biệt là Quỳnh Chi. Theo anh, Quỳnh Chi diễn chưa tới và cô cần phải làm tốt hơn đài từ, thoại và tâm lý nhân vật. Giám khảo Trác Thúy Miêu không đồng ý với nhận xét của Phước Lập tuy nhiên theo chị Quỳnh Chi cũng cần phải cố gắng hơn nữa. Giám khảo Quốc Đại – 1 trong 3 thành viên của đội Quán quân Cùng nhau tỏa sáng 2015 – đã bênh vực cho đội Chanh Thần bởi theo anh, ở những tập đầu tiên của chương trình năm trước, đội của anh còn diễn dở hơn Chanh Thần. Mặc dù gây nhiều tranh cãi nhưng cuối cùng tiết mục của đội Chanh Thần vẫn nhận được 2 sự bầu chọn của Ban Giám khảo và đội À Há chỉ nhận được 1 bầu chọn nên Chanh Thần đã giành được chiến thắng đầu tiên cho mình.
Tắc Kè tái hiện bi kịch của người nghệ sĩ
Đội Tắc Kè (My Trần, Tâm Nguyễn, Lê Nghĩa) đã tái hiện lại một bi kịch xuất hiện rất nhiều trong cuộc đời của những người nghệ sĩ mà điển hình là kép Tư Bền, thông qua tiểu phẩm "Duyên kiếp cầm ca". Nội dung tiểu phẩm nói về nghệ sĩ cải lương Hà My – con gái của ông bầu Nghĩa. Là con nhà nòi, Hà My (My Trần) được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ cha. Tuy nhiên, khi cô vừa chập chững vào nghề thì ông đã tuổi cao sức yếu và đoàn hát của ông tan rã. Sau đó cô may mắn được nhận vào một đoàn hát lớn và có vai diễn lớn đầu tiên trên sân khấu. Dù đang bệnh nhưng người cha vẫn lặn lội đường xa đến xem cô biểu diễn. Tuy nhiên, trong lúc Hà My đang biểu diễn thì người cha lại trở bệnh khiến cô bỏ vai chạy xuống sân khấu. Để không ảnh hưởng đến vở diễn của con, ông bắt con gái tiếp tục lên sân khấu biểu diễn còn mình thì đi vào trong cánh gà lặng lẽ đứng xem. Khi buổi biểu diễn kết thúc cũng là lúc người cha trút hơi thở cuối cùng.
Đội Tắc Kè đã lấy không ít nước mắt của khán giả
Tiểu phẩm gây nhiều xúc động, diễn xuất của Lê Nghĩa trong vai người cha đã khiến cho nữ diễn viên My Trần nhập tâm vào câu chuyện, đến mức sau khi diễn xong cô vẫn còn khóc. Dù mang đến nhiều cảm xúc nhưng theo giám khảo Trác Thúy Miêu, tiết mục của đội Tắc Kè có phần cường điệu về bi kịch của người nghệ sĩ nên chưa thuyết phục. Dẫu vậy, chị vẫn bình chọn cho đội Tắc Kè.
Đội Cá Biệt phản ánh thực trạng của các nhóm nhạc
Đối thủ của đội Tắc Kè là đội Cá Biệt (Lê Bửu Đa, Hồ Bích Trâm, Bảo Kun). Với tiểu phẩm "Kiếp cầm loa", đội Cá Biệt cũng mang đến câu chuyện phản ánh thực trạng tan rã của nhiều nhóm nhạc sau khi giành được một vài thành công nhất định. Tiểu phẩm là câu chuyện về 3 người bạn trẻ trong một nhóm nhạc đường phố. Hàng ngày họ kéo loa đến các quán nhậu vừa hát vừa bán đĩa nhạc. Thỉnh thoảng, họ cũng gặp phải những hành động khiếm nhã của khách nhậu khi xem họ giống như những người ăn xin. Nhân có một cuộc thi ca hát đang diễn ra, cả 3 đã quyết định bán đi chiếc loa hành nghề của mình để có tiền làm lộ phí đi thi và sau đó đã giành được giải cao nhất. Tuy nhiên, sau khi có được thành công với những hợp đồng biểu diễn liên tục, thành viên Đừng Vĩnh Ham (đọc láy lại từ tên của thần tượng Đàm Vĩnh Hưng) do diễn viên Lê Bửu Đa đóng lại mắc bệnh ngôi sao. Anh tách nhóm hoạt động solo và bỏ rơi 2 người bạn của mình là Hồ Bích Trâm và Bảo Kun. Tuy nhiên, ngay sau đó anh gặp thất bại bởi anh chỉ có thể thành công khi đứng cùng nhóm với 2 người bạn của mình. Anh hối hận và tìm 2 người bạn của mình để xin lỗi. Cả ba đã làm lành với nhau và quyết định tái hợp nhóm.
"Kiếp cầm ca" của đội Cá Biệt phản ánh thực trạng tan rã của nhiều nhóm nhạc sau khi
giành được một vài thành công nhất định
Dù mang đến nhiều tiếng cười nhưng theo giám khảo Phước Lập thì tiểu phẩm của đội Tắc Kè trong Cùng Nhau Tỏa Sáng tập 5 vẫn còn khiên cưỡng. Giám khảo Quốc Đại cho rằng Cá Biệt cần phải đẩy mạnh hơn về sự mâu thuẫn của các nhân vật thì tâm lý sẽ được khắc họa rõ nét hơn. Anh bình chọn cho đội Cá Biệt. Với một bình chọn từ Giám khảo Trác Thúy Miêu cho đội Tắc Kè và một bình chọn từ giám khảo Quốc Đại cho đội Cá Biệt, kết quả phần thi đối kháng của 2 đội phụ thuộc vào quyết định của giám khảo Phước Lập. Tuy nhiên, Phước Lập đã có một quyết định gây bất ngờ đó là không chọn đối nào. Quyết định của anh khiến cho kết quả của 2 đội hòa nhau. Điều đó cũng có nghĩa mà mỗi đội giành được 2 điểm cùng phần thưởng là 20 triệu đồng cho mỗi đội.
Dù đi sát với thực tế song tiểu phẩm của họ lại không được đánh giá cao
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn