Uống rượu xong đi bắt gái đẹp về làm vợ!

Thứ bảy - 11/02/2017 18:39

Uống rượu xong đi bắt gái đẹp về làm vợ!

Tục “bắt vợ” là một truyền thống văn hóa kết nối cộng đồng của dân tộc Thái. Tuy nhiên, tục lệ này đang bị “bóp méo” bởi một số người khiến nó không còn đúng với ý nghĩa ban đầu.

Già làng Trương Công Nhẫn cùng vợ nói về tục “bắt vợ” - nét văn hóa tốt đẹp của người Thái

Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái

Ngày 30/1, (mùng 3 Tết) nhà ông bà Vi Văn Phú, bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu, Nghệ An) chuẩn bị làm đám cưới cho con trai là Vi Văn Tuấn (24 tuổi). Trước ngày diễn ra hôn lễ, theo nghi thức của người Thái, chàng trai phải thực hiện nghi thức “bắt vợ” hay còn gọi là trộm vợ. Gia đình chàng trai sẽ chọn giờ đẹp thông báo cho con trai mình để chuẩn bị. Người con trai cũng báo trước với cô gái để “trong ứng, ngoài hợp”. Đến thời khắc đã định, Tuấn rủ thêm một số người thân, bạn bè sang nhà gái ở bản Bua, xã Châu Phong để “bắt vợ”. Được nhà gái và cô dâu bật đèn xanh. Nghi thức “bắt vợ” diễn ra nhanh chóng trong chưa đầy 1 giờ. Khi cô gái bị bắt, nhà gái có thể lánh mặt hoặc vờ không biết.Sau đó, cô gái sẽ được đưa về nhà trai rồi 2 bên gia đình gặp nhau nói chuyện. Ngày hôm sau, Tuấn lại cùng cô gái về lại nhà gái để ở rể theo phong tục truyền thống. Cho đến khi 2 bên gia đình ấn định ngày cử hành hôn lễ, thì Tuấn sẽ về nhà cùng gia đình mang sính lễ sang để xin cưới.

"Để cướp vợ, trước hết đôi trai gái phải yêu nhau và được sự đồng ý của 2 bên gia đình. Cướp vợ không có nghĩa là gặp ai, thích ai thì cướp về mà phải được sự đồng ý của đối phương mới cướp vợ được. Đây là giá trị văn hóa có từ lâu đời của người Thái cổ, thể hiện sự tự do hôn nhân."

Già làng Trương Công Nhẫn
bản Quèn, xã Liên Hợp,Quỳ Hợp, Nghệ An

Nhâm nhi chén trà đầu xuân, già làng Trương Công Nhẫn (SN 1941, trú bản Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) chia sẻ, tất cả các cặp đôi khi kết hôn đều phải trải qua nghi thức đặc biệt này. Đây là các bước không thể bỏ qua khi cưới hỏi của người dân tộc Thái. Các phong tục trong lễ cưới gồm: Cướp vợ, ở rể, thách cưới, rước dâu ban đêm, rửa chân, buộc chỉ cổ tay... Để cướp vợ, trước hết đôi trai gái phải yêu nhau và được sự đồng ý của 2 bên gia đình. Cướp vợ không có nghĩa là gặp ai, thích ai thì cướp về mà phải được sự đồng ý của cô gái mới cướp vợ được. Đây là giá trị văn hóa có từ lâu đời của người Thái cổ, thể hiện sự tự do hôn nhân.

Theo già làng Nhẫn, tục “bắt vợ” của người Thái có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính là do kinh tế gia đình chàng trai khó khăn. Vì quá nghèo, chi phí cho việc cưới xin vượt quá khả năng nên chàng trai sẽ đi “bắt vợ”. Tiến hành “bắt vợ” thành công, chàng trai sẽ đưa cô gái về cúng ma nhà để nhận mặt, thông báo cô gái đã là người của gia đình mình. Sau khi hoàn tất các thủ tục, đôi trai gái sẽ về ở với nhau, làm ăn cho đến khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành lễ cưới.

“Tục “bắt vợ” của đồng bào dân tộc Thái chỉ là một hình thức để rút ngắn những thủ tục trong cưới hỏi, giúp những đôi trẻ trước đó đã có tình cảm gắn bó với nhau nhanh chóng được thành vợ chồng”, già làng Nhẫn cho biết.

Ngày xưa, nghi thức “bắt vợ” phải bắt buộc thực hiện vào nửa đêm, thời khắc giao thoa giữa đất trời. Vì người Thái quan niệm rằng, vào thời khắc đó mới đón nhận được sự tinh khiết của núi rừng và cũng để ma rừng không theo về nhà. Một số người quan niệm, có “bắt vợ” thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình. “Bắt vợ” là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng của nhau. Chính già làng Nhẫn và vợ là Mong Thị Hoan (SN 1941) cũng từng trải qua nghi thức cưới hỏi này.

Theo già làng Nhẫn, các cặp đôi người Thái sau khi cưới đều sống với nhau rất hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có trường hợp chàng trai yêu đơn phương và “bắt” người không thương yêu mình. Trong trường hợp này, cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Trường hợp này, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái.

Trương Văn B.kể về nguyên nhân dẫn đến việc “bắt vợ” khiến dư luận bức xúc

Biến tướng của tục “bắt vợ”

Ngày nay, tục “bắt vợ” đối với người Thái ở vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An đa phần vẫn mang nét nhân văn, độc đáo được gìn giữ và duy trì như một giá trị truyền thống. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng đã xảy ra một số vụ việc lấy danh nghĩa “bắt vợ” nhưng thực chất là cưỡng hôn.

Điển hình là vụ việc ngày 4/2 vừa qua, một vụ cướp vợ bằng xe máy giữa thanh thiên bạch nhật ở ngã ba Châu Lộc (Quỳ Hợp, Nghệ An) được đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Hình ảnh người thiếu nữ gào khóc khi bị bắt làm vợ, khiến nhiều người nghĩ rằng đây là hủ tục mê muội và cần phải xóa bỏ. Tuy nhiên, sự việc này chỉ là hành động bột phát của nhóm thanh niên thiếu hiểu biết về tập tục văn hóa cổ truyền đậm chất nhân văn của dân tộc mình.

Thiếu nữ gào khóc bị bắt làm vợ trong đoạn clip là Vi Thị H. (SN 2000, trú tại bản Quắm), còn thanh niên tổ chức “bắt vợ” là Trương Văn B. (SN 1992, trú bản Quèn, cùng ở xã Liên Hợp).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, B. chia sẻ: “Em quen và yêu H. gần 2 năm, giờ sợ H. đi làm ăn xa sẽ yêu người khác nên mới rủ bạn bè đến gặp H. để ngỏ lời. Nhưng chưa kịp hỏi thì nhóm bạn đã bắt H. Lúc đó, cũng do em không có mặt nên H. mới phản ứng dữ dội và gây nên sự hiểu lầm này. Hôm qua, gia đình em cũng xuống nhà H. để xin lỗi và thưa chuyện, nếu H. đồng ý thì em sẽ chờ và tổ chức đám cưới”, B. chia sẻ.

B. cũng cho biết, lúc bắt thấy H. gào khóc và phản ứng dữ dội, các bạn của em đã dừng lại để H. đi.

Theo già làng Nhẫn, tục “bắt vợ” là một nét đẹp nhân văn mang tính bồi đắp, kết nối cộng đồng của người Thái. Tuy nhiên, việc lợi dụng luật tục để “bắt trộm”, “cướp vợ” cần phải lên án. Vì đó là hành vi xâm hại đến quyền tự do thân thể, quyền tự do hôn nhân của con người. Do đó, cần được ngăn chặn kịp thời, xử lý theo pháp luật của Nhà nước, để phong tục “cướp vợ” của người Thái không bị biến tướng, làm mất đi nét đẹp nhân văn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đậu Ngọc Tuân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, đồng bào dân tộc Thái sống trên địa bàn huyện chiếm 50% dân số. Tục “bắt vợ” là một nét đẹp nhân văn của đồng bào. Tuy nhiên, hiện nay nhiều thanh niên đang lợi dụng “biến tướng” làm xấu đi phong tục có từ lâu đời của người Thái. UBND các xã cần tuyên truyền và giáo dục cho các cô gái, trai bản cần nhận thức được quyền tự do yêu đương, quyền tự do hôn nhân và bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng phong tục để “bắt vợ” trái phép, cưỡng ép hôn nhân”.

Uống rượu xong đi bắt gái đẹp về làm vợ

Năm 2007, dư luận từng xôn xao về câu chuyện hoa khôi Trường Dân tộc nội trú ở Quỳ Hợp (Nghệ An) bị nhóm người lạ “bắt vợ” giữa đêm.

Thiếu nữ đó là Lô Thị Th., học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú Quỳ Hợp. Đêm đó, Th. ở nhà trọ thì nghe thấy tiếng gọi nên đi ra ngoài. Khi vừa ra cửa, Th. bất ngờ bị nhóm thanh niên lạ mặt chạy xe máy tới ép lên xe rồi chở về xã Châu Hồng, Quỳ Hợp. May mắn thay, một thày giáo trong trường đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Th. nên phóng xe máy đuổi theo. Đồng thời, thông báo sự việc cho công an tới cứu Th.

Khi bị bắt, chủ mưu Sầm Văn Đức thú nhận: “Uống rượu xong, hứng lên, đi bắt gái đẹp về làm vợ thôi”. Sầm Văn Đức sau đó bị phạt 300 nghìn đồng. 5 thanh niên tham gia “cướp vợ” cùng Đức cũng bị phạt mỗi người 200 nghìn đồng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây