Tôm hùm đỏ- thủy sinh vật ngoại lai nguy hiểm được lén lút nuôi tại Việt Nam
Thủy quái tôm lai cua
Tên chung của loài này là crayfish. Theo tài liệu của Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, loài tôm này được nhập vào Nhật Bản và Trung Quốc từ những năm 1930. Với sức đề kháng mạnh, chúng có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thậm chí sống trong cống rãnh.
Ở Nhật, loài tôm này sống nhiều trong các cống rãnh ô nhiễm giữa thành phố như loài chuột cống. Chúng có thể ăn các loại côn trùng, nhiều loại cây cỏ, nên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Hiện Trung Quốc là nơi sản xuất loài tôm này lớn nhất thế giới.
Theo nhiều chuyên gia thủy sản, nuôi tôm rồng cực kỳ dễ, lại cho năng suất cao. Giống tôm này có thể sống được trong nhiều loại môi trường, có thể nuôi xen với lúa. Đặc biệt, chúng có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 38 độ C.
Những lúc chán trên cạn, chúng xuống nước sống, chán môi trường nước lại kéo cả đàn lên bãi cỏ ở. Thậm chí, vào mùa sinh sản, chúng còn đào hang rồi chui vào hang đẻ con y như cua đồng.
Chính vì khả năng đào hang sâu hơn cả cua, khỏe hơn cả chuột, nên từ cách đây cả chục năm đã dấy lên cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học về việc có nên cho du nhập loài tôm này vào Việt Nam hay không.
Theo TS Nguyễn Tuần (Phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), loài tôm này có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng.
Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ xơi sạch rau màu, thậm chí chúng còn chén được cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Với thói quen đào hang sâu đến 2m, nước ta sẽ lại có thêm loài “chuột” mới. Như vậy, nếu hàng trăm tỷ con tôm cùng thi nhau… đào đê, thì sẽ là một thảm họa với con người.
Sao lại lén lút nuôi tại Việt Nam?
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi, hay tôm lai cua vì có khả năng bò ngang dọc như cua.
Tôm hùm đỏ không được đưa vào danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Một người dân ở xã Tân Hội Trung cho hay, tháng 4/2016, khi đang chuẩn bị thu hoạch lúa thì một người đàn ông nói giọng Bắc và những người Trung Quốc đến đây bàn việc thuê đất. Họ thuê giá cao gấp rưỡi giá vùng này, là 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm, nói để trồng sen.
Điều bất thường là họ muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa nên nhiều người dân đã phá luôn lúa rồi giao đất. Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Thật không thể tin nổi”.
Được biết, cơ sở trên của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc.
Sau đó, người dân phát hiện những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi... và họ đã báo cho cơ quan chức năng.
Ông Phạm Minh Chí - Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, loài tôm mà ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Ông Nguyễn Văn Công - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.
Trường hợp ông Trần Văn Hòa - giám đốc Công ty sen Hoàng Giang - nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
“Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay” - ông Công khẳng định.
Tôm rồng hay tôm hùm đỏ, tôm hùm đất là loài tôm nước ngọt, vỏ cứng, nguồn gốc Bắc Mỹ. Tôm có khả năng bò, leo và thường đào hang vào thời kỳ sinh sản. Tôm hùm đỏ đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người. Bộ NNPTNT đã có dự án nuôi nghiên cứu khảo nghiệm tôm hùm đỏ và kết luận tôm hùm đỏ có hiệu quả kinh tế không cao và có tập tính gây hại. Do đó, tôm hùm đỏ không được đưa vào danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn