Ở vùng đất địa đầu Tổ quốc này, chủ yếu là núi non chập chùng và đường sá hầu hết là đường đèo uốn lượn, nối nhau. Con đường uốn quanh núi, cao hun hút và dốc thăm thẳm,những khúc cua khúc khuỷu và xoáy liên tiếp. Một bên là vách núi đá sừng sững, một bên là thung lũng sâu thẳm. Đi hết quả núi này lại đến quả núi khác, quay lại nhìn thấy những con đường chỉ như những vết cắt rạch ngang núi.
Tháng 10, nắng vàng như rót mật khắp cao nguyên đá Đồng Văn, làm lấp lánh cả những ngọn núi đá tai mèo nhọn chót vót đỉnh trời. Từ các thung lũng, các triền núi chênh vênh tới những bản làng, những vạt hoa tam giác mạch bung nở những cánh hoa trắng li ti phơn phớt hồng chuyển tím. Những con đường cheo leo vắt ngang đỉnh núi giờ thành con đường hoa bồng bềnh trong nắng.
Màu trắng hồng của những cánh hoa tam giác mạch ngút ngàn phủ khắp các thửa ruộng bậc thang, xếp tầng tầng, lớp lớp viền quanh những mái đồi như chiếc váy nhiều tầng của người thiếu nữ. Những bông hoa nhỏ xíu ấy kết thành từng thảm hoa bồng bềnh phủ hồng tim tím các sườn núi để che đi cái gai góc của một vùng “đá nhiều hơn đất”.
Dừng chân bên con đèo chênh vênh nhìn xuống thung lũng Sùng Là. Nắng nghiêng nghiêng rơi trên những cánh hoa mỏng manh, nụ hoa nhỏ xíu đang dần bung nở những cánh hoa phơn phớt hồng.Quãng tháng 8, sau mùa thu hoạch lúa trên nương, người dân bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, chừng hơn tháng thì hoa trổ bông, đến cuối tháng 10 tháng 11 thì thu hoạch hạt. Thân cây tam giác mạch khi còn non luộc ăn như rau. Hạt mạch trước để xay bột làm bánh, nay phần lớn để làm thức ăn cho gia súc, có nhà đem trộn lẫn với ngô để nấu rượu.
Những ngày trời se se lạnh, sương mờ phủ trên triền đồi hoa tam giác mạch, những cánh hoa li ti, mong manh, ẩn hiện trong lớp sương mờ, được dịp khoe sắc. Vẻ đẹp dịu dàng, e ấp đó khiến người ta say mê, thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Khe khẽ đặt nhẹ bước chân trên những lối mòn nhỏ, chỉ sợ chạm vào những cành hoa đang lung lay nhè nhẹ trong gió thu. Tam giác mạch mỗi khi khoe sắc lại có một vẻ đẹp khiến người ta say mê, xao xuyến: hoang sơ như núi rừng, dịu dàng như sắc màu thổ cẩm trên trang phục của các thiếu nữ Mông. Thông thường hoa sẽ nở rộ trong vòng một tháng, mới đầu hoa nở có mầu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm.
Ánh nắng của ngày mới chạng vạng đổ xuống thung lũng Đồng Văn trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ chỉ cuối tuần mới họp . Những cô gái dân tộc rực rỡ trong những chiếc váy xoè nhiều màu tỉ mỉ thêu dệt cả tháng trời,những chiếc khăn thổ cẩm với những hoa văn độc đáo đội trên đầu.Những chiêc váy, chiếc khăn sặc sỡ với rất nhiều các hoạ tiết màu mè nhìn rất bắt mắt, cả một góc chợ bừng sáng lên bởi những sắc màu.
Cách thị trấn Đồng Văn 15km, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo”, Mã Pí Lèng là con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc Việt Nam với một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực đá sâu và kì vĩ nhất Đông Nam Á. Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Con đường chạy qua đèo Mã Pí Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng. Đứng từ đỉnh đèo nhìn xuống là con sông Nho Quế mùa nước đổ,uốn lượn, như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, là nơi mà mây, núi, trời, sông hội tụ.
Những địa điểm ngắm tam giác mạch
Thạch Sơn Thần (xã Quyết Tiến, Huyện Quản Bạ): Cánh đồng tam giác mạch nằm trên đường đi Quản Bạ, cách dốc Bắc Sung khoảng 3km. Ở đây có những chiếc xích đu xinh xắn cùng nhiều mô hình nhà trình tường và vật dụng dễ thương để chụp ảnh. Giá vé: 10.000 đồng/vé.
Làng văn hóa Lũng Cẩm (Thung lũng Sủng Là- Đồng Văn): Đây là nơi rồng nhiều hoa nhất ở Hà Giang, cũng là nơi đẹp nhất để ngắm hoa. Ngoài ra, ở Sủng Là còn có ngôi nhà của Pao và rất nhiều vườn hồng đẹp.
Chân đèo Mã Pí Lèng: Cánh đồng tam giác mạch nằm giữa hai dãy núi chân đèo tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Vùng này gieo hạt muộn hơn ở Đồng Văn nên khoảng giữa tháng 10 hoa mới bắt đầu phơn phớt hồng và gần cuối tháng là lúc hoa nở đẹp nhất.
Cánh đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú: Dưới chân cột cờ Lũng Cú trồng khá nhiều hoa tam giác mạch để phục vụ khách du lịch khi đến thăm quan cột cờ. Tam giác mạch được trồng thành các ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp khá bắt mắt và thu hút nhiều khách du lịch tới chiêm ngưỡng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn