PGS. TS. Trần Hồng Côn uống cốc nước đã qua máy lọc do chính ông và các học trò nghiên cứu, sản xuất
Kỳ tích “biến” nước sông Tô Lịch thành nước uống
“Nguồn cơn của ý tưởng muốn biến nguồn nước bẩn thành sạch là khi có người làm xét nghiệm mẫu nước ngầm của Hà Nội và kết quả là các mẫu nước nhiễm asen gấp nhiều lần cho phép. Khi đó là năm 1996”. PGS. TS. Trần Hồng Côn bắt đầu câu chuyện về hành trình chế tạo máy lọc nước với chúng tôi.
Chính kết quả về nguồn nước ngầm của Hà Nội đã thôi thúc người làm khoa học như PGS. TS. Trần Hồng Côn “phải nghiên cứu về nguồn nước”. Và may mắn đúng thời điểm này, ông nhận được sự tài trợ kinh phí từ Quỹ Phát triển tiềm năng của Thụy Sỹ. Có kinh phí, thày và trò tiến hành khảo sát thực trạng và lập nên bản đồ phác thảo các điểm bị nhiễm asen gồm 8 nhà máy nước nội thành và các giếng khoan của người dân ngoại thành. Kết quả nghiên cứu này cho thấy hiện trạng nước ngầm trên địa bàn TP Hà Nội có đến 30% điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm asen trên 0,05mg/lít, 50% mức vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít.
Ở giai đoạn đó, theo bản đồ về nguồn nước ngầm “bẩn” ở Hà Nội được PGS. TS. Trần Hồng Côn “vẽ”, phần lớn các gia đình sử dụng nguồn nước ngầm mới chỉ có thể lọc được các kim loại khác như sắt... mà không loại bỏ được asen. Bài toán “loại bỏ asen khỏi nguồn nước để bà con dùng cho an toàn” lại được ông đặt ra.
Sau khi đã tìm ra lời giải xử lý asen trong nước từ đá ong, PGS. TS. Trần Hồng Côn lại đặt tiếp câu hỏi tại sao không nghiên cứu để xử lý các chất hữu cơ độc hại khác trong nguồn nước? Lần lượt hàng nghìn vật liệu đã được ông chọn lọc, sử dụng để đưa vào nghiên cứu của mình.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm ra được những vật liệu rẻ tiền nhưng mang lại những giá trị hiệu quả rất cao như đất sét ở Trúc Thôn, Đá Son ở Núi Đèo, than gáo dừa ở Trà Bắc… Cùng thời gian đó là sự ra đời của công nghệ nano. Và thành phẩm đầu tiên về lọc nước với khả năng lọc các thành phần độc hại như: Sắt, asen, mangan, amoni, nitrit, nitrat, hữu cơ của ông và học trò ra đời.
Theo lời PGS. TS. Trần Hồng Côn, ban đầu ông cho thử nghiệm lọc từ nguồn nước như nước máy, rồi nước hồ Bảy Mẫu và gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Trung tâm Đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Đo lượng Chất lượng VN. Kết quả đều rất khả quan. Lúc này ý tưởng “thử lọc nước sông Tô Lịch” chợt xuất hiện. “Khi đưa ra ý tưởng này, hầu hết các học sinh của tôi đều gàn. Họ cho rằng đó là việc làm không tưởng vì đây là nguồn nước vô cùng ô nhiễm”, ông Côn chia sẻ.
Lúc cầm trong tay 3 mẫu nước, gồm nước lọc từ nước sông Tô Lịch, nước sạch từ một hãng nước và 1 mẫu nước cất để gửi đi kiểm nghiệm các chỉ số, PGS. TS. Trần Hồng Côn chia sẻ: “Hồi hộp chờ đợi kết quả vì không biết có như mình hi vọng không”. Và đúng như mong đợi, kết quả trả về, mẫu nước được lọc từ sông Tô Lịch đảm bảo đầy đủ các chỉ số an toàn, thậm chí có chỉ số còn đạt cao hơn mẫu nước “sạch”.
Ngay cả khi có kết quả kiểm nghiệm mà không ít người vẫn còn nghi ngại. Chỉ đến khi chính ông Côn trực tiếp cầm cốc nước được lọc từ nguồn nước sông Tô Lịch lên uống, mọi người mới tin đó là sự thật. PGS. TS. Côn cho biết, ở thời điểm đó mục đích lớn nhất trong đề tài nghiên cứu của ông là có thể giúp cho những người dân sống ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, những nơi bị lũ lụt hay những vùng nông thôn thiếu nước sạch có khả năng tái chế nguồn nước đã bị ô nhiễm để phục vụ cho sinh hoạt.
Sản phẩm bị “ế”
Theo thời gian, chiếc máy lọc nước của thày trò Khoa Hóa, Trường ĐH KH Tự nhiên được điều chỉnh cho phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng. Từ chiếc máy to cỡ 40x50 cm thô mà PGS. TS. Trần Hồng Côn ví “nhìn qua như thùng rác”, thày trò lại lọ mọ tìm cách thay đổi để chiếc máy lọc dễ ra thị trường hơn. Để có được lớp vỏ “dễ coi, bắt mắt” như hiện nay, thày Côn phải thuê nhóm thiết kế. “Nhưng cái khó nhất trong các công đoạn lại là việc tìm ra chất liệu nhựa bọc trong ống lọc phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong y tế, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Lúc đó, trên thị trường, loại nhựa Trung Quốc thì nhiều nhưng chất lượng không đảm bảo, may mắn thày trò đã tìm được nguồn cung cấp nhựa đảm bảo đủ yếu tố trên từ Hàn Quốc nhập về”, thày Côn chia sẻ.
Một số công trình nổi bật của PGS. TS. Trần Hồng Côn - Đề tài về đất hiếm Việt Nam. - Nghiên cứu về môi trường, người đầu tiên công bố về nhiễm asen mạch nước ngầm ở Việt Nam. - Công trình máy lọc nước. - Công trình xử lý không khí, khí thải có nhiễm hơi thủy ngân. |
Sau nhiều mày mò, chiếc máy lọc bề ngoài “bắt mắt” hơn, đảm bảo chất lượng cũng ra đời, gọn gàng, dễ sử dụng và khá phù hợp dùng trong gia đình. Tiếp sau máy lọc nước gia đình, thày trò PGS. TS. Trần Hồng Côn lại tiếp tục nghiên cứu chế thêm chiếc máy lọc mini cầm tay, kích thước nhỏ gọn chỉ nặng khoảng 1kg để có thể dễ dàng mang theo mỗi chuyến đi xa. “Thật ra chiếc máy lọc mini ra đời xuất phát từ ý tưởng của mấy thày trò là nếu đi vào những vùng sâu, xa mà lỡ không mua được nước sạch mà dùng thì làm thế nào”, PGS. TS. Trần Hồng Côn chia sẻ.
Tiện dụng nhất của loại máy lọc cầm tay này là dù cắm xuống bất kỳ nguồn nước nào, một đầu hút nước, đầu kia sẽ cho ra ngay dòng nước sạch. Mỗi bộ lọc sẽ cho ra khoảng 10 lít nước sạch.
Điều đáng lưu ý, các dòng máy lọc của thày Côn không dùng nguồn năng lượng nào, chỉ hoạt động đơn thuần với nguyên lý hai đầu vào - ra qua máy lọc.
PGS. TS. Trần Hồng Côn cho biết, giá thành sản xuất không cao nhưng để ra được thị trường, qua khâu đại lý thì giá thành bị đẩy lên. Do vậy, so với mặt bằng chung, sản phẩm ít được lựa chọn. “Tôi vẫn nói với các học trò, sản phẩm này ra đời phải đặt mục đích nhân văn, giúp đời, giúp người đầu tiên, sau mới đến lợi nhuận. Vì vậy, thực chất sau khi làm ra, mỗi sản phẩm chỉ lãi chừng 200 nghìn mà thôi”, thày Côn cho biết.
Điều tiện dụng nhất của loại máy lọc cầm tay này là dù cắm xuống bất kỳ nguồn nước nào, một đầu hút nước, đầu kia sẽ cho ra ngay dòng nước sạch. Mỗi bộ lọc cho ra khoảng 10 lít nước sạch.
“Sản phẩm tiêu thụ chậm lắm, phần lớn là mang làm từ thiện, thỉnh thoảng tặng bà con vùng lũ hay anh em bạn bè nào yêu thích tìm đến thôi. Có lẽ vì hiện giờ nước tinh khiết đóng chai được phân phối sẵn quá nên bà con ít nghĩ đến việc dùng một chiếc máy lọc cầm tay khi du lịch”, thày Côn chia sẻ.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Trần Hồng Côn, chiếc máy lọc này ngoài việc tiêu diệt hết những thành phần độc hại nhưng vẫn giữ lại được những khoáng chất, vi chất có sẵn trong nước. Trong khi đó, phần lớn nước tinh khiết đóng chai trên thị trường đều xuất phát từ nguồn lọc RO, nghĩa là lọc và loại bỏ tất cả những gì có trong nước; đồng nghĩa với việc loại bỏ cả khoáng chất và vi chất vốn rất cần thiết cho cơ thể con người.
Mặc dù máy lọc “ế” nhưng PGS. TS. Trần Hồng Côn vẫn tâm niệm rằng “không giúp được cho cả xã hội thì giúp được cho 1 nhóm người, cũng có thể chỉ là vài người nhưng đó vẫn là việc làm có ích”.
Ngoài chế tạo xe bọc thép cho Campuchia, ông Hải từng tự tay làm ra 2 chiếc máy bay trực thăng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn