Một góc cánh đồng chum bí ẩn - Ảnh: Nguyên Minh
Đất nước Lào mang trong mình nhiều di tích có giá trị lịch sử mà đến tận ngày nay, nó vẫn còn là một bí ẩn...
Và đó là lý do chính thôi thúc tôi thực hiện một chuyến viễn du vào đất nước này.
Được sự hướng dẫn của một người am hiểu về địa lý của đất nước Lào, tôi quyết định đến Lào theo hướng cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), theo lịch trình là Xiêng Khoảng, cố đô Luang Prabang và cuối cùng là thủ đô Viêng Chăn.
Sau gần 4 tiếng đồng hồ tính từ thời điểm vượt qua cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi chính thức chạm vào mục tiêu đầu tiên trong hành trình khám phá nước Lào.
Cánh đồng chum bí ẩn...
Nằm cách thị xã Phon Sa Vanh, trung tâm hành chính của tỉnh Xiêng Khoảng 30km, cánh đồng chum tọa lạc trên một bình nguyên rộng hàng chục ha. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc, nên hiện chỉ có một phần cánh đồng chum được phát lộ cho du khách tham quan, nghiên cứu.
Được các nhà khoa học phát hiện ra cách đây hơn 1 thế kỷ, song đến giờ sự ra đời và công dụng của những chiếc chum này vẫn vẫn còn là một điều bí ẩn.
Theo các nhà khoa học, tuổi thọ ước chừng của những chum đá này vào khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm.
Từ những hình tròn đồng tâm được trang trí trên chum, các nhà khoa học đã cho rằng một số chum đá ở đây đã từng có nắp, tuy nhiên hầu hết số nắp đó đã biến mất một cách bí ẩn.
Hiện có nhiều luồng giả thuyết về sự ra đời của những chiếc chum đá khổng lồ này.
Giả thuyết thứ nhất xuất phát từ truyền thuyết của các bộ tộc người H’mông và người Dao sống nơi cuối dãy Trường Sơn. Theo đó, những chum đá này có nguồn gốc từ thế kỉ thứ 6 và chúng được tạo ra nhằm mục đích ủ rượu.
Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa, trên vùng đất này có một vị vua tàn ác tên Chao Angka. Vị vua này đối xử rất tệ bạc với dân chúng nơi đây, vì vậy họ đã cầu xin sự giúp đỡ của Khun Jevam - một vị vua đến từ phương Bắc, và ông đã đến giải thoát cho họ.
Để có rượu cho quân lính ăn mừng chiến thắng, vua Khun đã ra lệnh cho dân chúng làm chum đá để ủ rượu.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cho rằng, thực tế nguồn gốc của những chum đá lại hoàn toàn không giống như truyền thuyết. Theo họ, việc tạo ra chum đá và di chuyển chúng tới một nơi khác cần phải có một thời gian dài, thậm chí phải mất tới hàng thập kỉ.
Cánh đồng chum bí ẩn - Ảnh: Internet
Giả thuyết thứ hai cho rằng, những chiếc chum đá này chính là nơi an táng dành cho người đã khuất.
Giả thuyết này được một nhà khảo cổ người Pháp tên Henri Parmentier đưa ra, khi ông phát hiện người dân địa phương bán những chuỗi hạt làm bằng cacnilian và thủy tinh trong quá trình điền dã. Từ những thực tế trên, ông cho rằng người ta đã lấy cắp các chuỗi hạt cùng với số đồ vật khác từ những chum đá, nơi chôn cất người quá cố.
Tuy nhiên, đến nay các giả thuyết trên vẫn chưa được khoa học chứng minh. Và đó là lý do mà cánh đồng chum vẫn tồn tại, thu hút hàng trăm ngàn du khách tò mò tìm đến đây hàng năm.
Rời Xiêng Khoảng với cánh đồng chum bí ẩn, theo đường 7 rồi đến đường 13, chúng tôi vượt gần 500 km đường đèo để tìm về cố đô Luang Prabang
Sau gần 8 giờ đồng hồ đi di chuyển bằng xe khách, chúng tôi có mặt tại cố đô xinh đẹp và hiền hòa bậc nhất bán đảo Đông Dương.
Luang Pha Bang bên dòng sông Mê Kong huyền thoại
Nằm trên bờ bắc của dòng Mê Kong huyền thoại, Luang Prabang từng là thủ đô của vương quốc Lang Xạn- tức Triệu Voi trong nhiều thế kỷ, trước khi vương quốc này tan rã để cùng các tiểu vương khác hình thành nên nước Lào ngày nay.
Và cũng từ đó, vai trò là trung tâm văn hóa và chính trị của Luang Prabang kết thúc để nhường lại cho Viêng Chăn.
Là thủ đô của nhiều vương triều xem Phật giáo là quốc giáo nên cố đô Luang Prabang hội đủ những tiêu chuẩn của một không gian Phật giáo thuần khiết.
Đó là những mái chùa cao vút, một không gian cổ kính và yên ả....
Luang Pra Bang với những ngôi chùa cổ kính - Ảnh: Internet
Và chính sự cổ kính thuần khiết Phật giáo ấy, mà Luang Prabang luôn là lựa chọn hàng đầu cho du khách nước ngoài khi đặt chân đến đất nước Lào.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến cố đô Luang Prabang mà không đặt chân lên đỉnh đồi Phousi- tức núi Màu trong tiếng Lào, bởi từ vị trí cao nhất trên ngọn đồi này có thể phóng tầm nhìn ra khắp cố đô.
Theo chân du khách, chúng tôi quyết định vượt 329 bậc thang lên đỉnh Phousi.
Trên đỉnh Phousi cánh mặt đất 80m, năm 1804, dưới triều vua Annourot người ta cho xây trụ tháp Vũ trụ, một biểu tượng thường thấy trong Phật giáo Lào, tháp cao 20m. Dưới chân tháp các nhà sư cũng cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ và một miếu thờ...
Tuy nhiên, điều thực sự thu hút Phật tử và du khách vượt đường lên Phousi chính là khoảng không gian nằm dưới chân đồi.
Bởi từ đây có thể nhìn bao quát Luang Prabang với dòng Mê Kong uốn lượn, một không gian sống yên bình....
Và đó chính là ấn tượng đầu tiên cuốn hút chúng tôi trong hành trình khám phá đất nước này.
Mách bạn Hiện Việt Nam và Lào có 7 cửa khẩu quốc tế mà bạn có thể đi. Của khẩu Tây Trang thuộc tỉnh Điện Biên: cửa khẩu Na Mèo thuộc tỉnh Thanh Hóa; cửa khẩu Nậm Cắn thuộc tỉnh Nghệ An; cửa khẩu Cầu Treo thuộc tỉnh Hà Tĩnh; cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình; cửa khẩu Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị và cuối cùng là cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn