Liên quan tới việc hàng chục xe khách tỉnh Thái Bình, Nam Định kéo đoàn trên tuyến Pháp Vân – Ninh Bình phản đối phân luồng tuyến tại bến Nước Ngầm một ngày trước, sáng 1/3 trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Đội tuần tra số 7 – Cục CSGT cho hay, đêm 28/2 đơn vị đã huy động xe tải cẩu kéo xe khách rời khỏi cao tốc.
“Cảnh sát đã giải thích việc đỗ xe hàng loạt tại trạm thu phí Km188 ảnh hưởng tới các phương tiện lưu thông trên tuyến. Tuy nhiên tài xế, chủ doanh nghiệp phản ứng, bất tuân và đề nghị được đỗ tại đây tới khi kết thúc cuộc đối thoại với Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội. Tới khi đơn vị huy động xe tải cẩu tới kéo 2 xe rời khỏi cao tốc, các tài xế mời chịu lái xe đi. Rạng sáng 1/3, 47 xe này đã rời tuyến về Nam Định”, vị Phó đội trưởng nói.
Hàng loạt xe khách kéo đoàn trên cao tốc Pháp Vân phản đối phân luồng tuyến sáng 28/2.
Trước đó, sáng 28/2, tiếp nhận đề nghị phối hợp từ Hà Nội và Cục CSGT, từ 6h30 đơn vị đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ chốt tại các điểm trạm thu phí Km188 và trạm Liêm Tuyền (Hà Nam) để dừng xe, hạn chế phương tiện vào thành phố gây ùn tắc. Sau 3 giờ đón lõng, riêng tại trạm thu phí Pháp Vân (km188), tổ tuần tra dừng hơn 70 xe khách thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Trạm thu phí Liêm Tuyền cũng có nhiều xe khách cùng đoàn bị dừng. Tất cả tài xế đều cho biết, họ lên Sở GTVT Hà Nội để phản ánh về việc điều chuyển luồng tuyến.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngày 1/3, Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sẽ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp vận tải. Nếu sau đối thoại các doanh nghiệp vẫn không thực hiện chủ trương, có những hành động phản đối không phù hợp quy định, Sở GTVT sẽ kiến nghị Thành phố có chế tài xử lý với từng vi phạm cụ thể.
Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp vận tải tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị cũng tham gia cuộc đối thoại chiều nay tại Sở GTVT Hà Nội. Ngoài các nhà xe tỉnh Thái Bình, Nam Định, nhiều cơ sở kinh doanh tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn được hoạt động tại bến Mỹ Đình thay vì về bến Nước Ngầm. “53 nhà xe tỉnh Ninh Bình vẫn đang chờ kết quả phân luồng tuyến mới của Bộ GTVT. Những xe này hàng ngày vẫn vào bến Mỹ Đình đón khách, tuy nhiên doanh thu sụt giảm 30-50%”, nữ giám đốc nói.
Ngày 22/2, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức họp với các doanh nghiệp vận tải tại bến Nước Ngầm xem xét, xử lý việc điều chuyển quy hoạch luồng tuyến. Kết quả báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/3.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn