Dù đã lên mạng tìm hiểu sơ sơ về Đài Loan rằng người dân xứ này nói tiếng Anh không tốt, nhưng lúc đến khách sạn tôi mới thấm được việc ai nói nấy hiểu ở đây. Thật sự là rất ít người Đài Loan biết nói tiếng Anh (nói tốt càng cực hiếm), kể cả nhân viên bán hàng siêu thị, tiếp tân khách sạn, phục vụ phòng, nhân viên tiệm thuốc; từ người trẻ đến người già….Nước mưa tạt vào phòng và chảy lên láng nên cô bạn khá chuẩn tiếng Anh của tôi gọi điện mắng vốn cho tiếp tân lên xem. Một hồi sau, tiếp tân cho người mang lên cho chúng tôi…2 chai nước suối (tưởng khách thiếu nước nên phục vụ thêm).…
Nghĩ là học sinh sẽ học ngoại ngữ và nói tốt, gặp đám trẻ đi học về thiệt phấn khởi nhưng chúng cứ lắc đầu trong ái ngại vì không thể hướng dẫn được gì cho chúng tôi. Động từ “tu quơ” của tôi ngày càng rơi vào trạng thái tuyệt vọng. May mắn là trước đó chúng tôi có “quơ" một bản đồ về thành phố Đài Nam tại sân bay nhưng bằng tiếng Anh để đem theo cùng. Khi nào bí có thể mở ra, hỏi dân địa phương bằng tiếng... Việt cũng được, vì chỉ chỏ là chính nên họ sẽ hiểu và ngoặt tay chỉ hướng đi.... Một cách chống mù mờ nữa là chúng tôi tranh thủ hỏi thông tin về những địa điểm mình sắp đi, giờ tàu xe…ở những nơi công cộng, có trung tâm thông tin dành cho du khách. Nhiều nhân viên ở đây nói tiếng Anh khá tốt và rất tận tâm khi được hướng dẫn để bạn có thể đi tham quan thành phố.
Bản đồ các điểm tham quan thành phố ở Đài Nam có ở nhiều nơi nhưng đa số bằng tiếng Đài
Một quán trà sữa không...tiếng Anh
Do không rành bản đồ thành phố bằng tiếng Anh nên người đàn ông này phải cúi sát xuống nghiên cứu địa điểm để chỉ hướng dẫn cho chúng tôi
Rồi đưa khách ra đường, ngoặt tay chỉ cho lẹ
Dù đã được dặn trước nhiều về chuyện đi đứng nhưng chúng tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ trước rừng thông tin về tàu địa phương, tàu cao tốc, xe buýt…mà đa số là bằng tiếng Trung ở các nhà ga. Đã điều nghiên trước, mới 7 giờ 30, từ Đài Nam chúng tôi đi tàu cao tốc xuống Gia Nghĩa để chuẩn bị cho chuyến đi lên Fengchihu, Alisha. Thế nhưng khi đến nơi thì đã lỡ chuyến tàu hỏa đi lên vùng núi Alisha (mỗi ngày chỉ có 1 chuyến, cuối tuần là 2 chuyến), nên không có dịp được ngồi tuyến đường ray vòng quanh núi dẫn lên đến đỉnh cao hơn 2.000 m, qua 47 đường hầm và 72 cây cầu.
Và cũng vì rề rà nhấm nháp thức ăn nhanh của cửa hàng 7-11 mà chúng tôi trễ xe buýt trong vòng "1 nốt nhạc", để rồi hứng một trận bão Meranti tơi bời, suýt kẹt lại qua đêm ở đảo Cijin khi xe buýt ngưng hoạt động, phà nghỉ chạy, xe taxi không dám ra đường trong lúc gió rít lên từng cơn, quăng quật mọi thứ trong cơn cuồng phong và mưa thì như trút.
Tôi tự nhắc mình là trước khi muốn đến một nơi nào đó cần tìm hiểu về thời gian đi, đến của các chuyến tàu cao tốc, tàu địa phương, xe lửa, xe buýt và đến đúng giờ từ các trang web về du lịch Đài Loan ở Việt Nam, hay tại các trạm thông tin dành cho du khách trước đó 1 ngày.
Xe buýt ở Đài Loan có nhiều tuyến nhưng cũng cần biết trước trước lịch trình và thời gian xe hoạt động, nếu không có thể chờ hơn cả giờ mới có thể đi được
Ở Đài Loan có nhiều trung tâm thông tin về du lịch dành cho du khách
Ở xứ này, bạn cũng cần "cẩn thận" từ chuyện nhỏ nhặt nhất: Bỏ rác ở đâu? Số là một lần tôi lang thang rồi lạc bước vào một khu chợ. Chợ sạch sẽ, không hôi tanh hay đọng nước dù là khu bán cá, bán thịt. Dạo chợ chụp ảnh mà cầm ly trà sữa đã hết cũng bất tiện, nên sau một hồi ngó nghiêng, thấy ông bán thịt heo có thùng rác kế bên, tôi mạnh dạn đến đặt ly trà sữa của mình vào. Nào ngờ ông lắc đầu liên tục, xổ ra một tràng xí xô, xí xào làm tôi tẽn tò, đến nhặt lại hàng vừa ký gửi mà không biết mình đã làm gì sai.
Một ngôi chợ khá đông đúc ở TP Đài Nam
Món giò heo
Các thức ăn nấu sẵn khá đông người mua
Cá biển tươi rói như vừa đánh bắt lên
Dù là khu bán thịt cá nhưng không có mùi hôi hay nước đọng
Đồ ăn sẵn được bỏ vào bao
Dù là chợ nhưng quy định về phân loại rác tái chế vẫn khá nghiêm ngặt
Thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi, một ông khác ngồi đó bèn tuôn một tràng với ông bán thịt (chắc là thanh minh dùm tôi là người nước ngoài) rồi "ra dấu" cho tôi biết thùng rác phía sau bức tường gần đó. Đi vòng ra sau bức tường, tôi càng ngơ ngác hơn vì chả thấy thùng rác nào khác. Nhưng nhìn kỹ lại thì phát hiện ở đó có một cái giỏ đựng vài cái ly, “đồng loại” với cái ly tôi đang cầm. À, thì ra là xứ người phân loại rác ngay tại nguồn hay hơn xứ mình, dù là ở chợ hay các nơi công cộng khác. Chớ quên!
Một chuyện dở khóc dở cười khác là chuyện cái chấu cắm điện để sạc pin cho điện thoại. Đám bạn đã từng đi Đài Loan quên béng chuyện nhắc nhở chúng tôi rằng xứ Formosa (tên cũ của Đài Loan) chỉ xài loại ổ cắm 3 chấu dẹt, thế là cứ vào đến khách sạn là chúng tôi phải hỏi về chuyện chấu cắm điện. Ở những khách sạn của các TP lớn thì vô tư cho khách mượn (có tiền thế chân) nhưng lên chỗ homestay ở vùng sâu vùng xa thì họ bó tay, hỏi mua cũng không có.
Lần ở Fengchihu, sao khi làm bà sơ già lục hết các thể loại loại ổ cắm tích lũy được và cho chúng tôi được lục soát cả phòng truy tìm, chúng tôi đành tung tăng đi mua trong đêm. Tìm mãi không có, chúng tôi vào một khách sạn trong vùng hỏi thăm thì nơi đây hỏi: "Bạn đang trọ ở đâu?...Khách sạn chúng tôi có và có thể cho bạn mượn nhưng cần phải thế chân 100 đô (Đài Loan)".
Đến sáng hôm sau khi chúng tôi đem trả cái chấu cắm, họ vui vẻ trả lại tiền và chúc chúng tôi đi chơi vui vẻ. Quả là dễ thương ghê nơi và cũng là một bài học cho kẻ nhớ trước quên sau như tôi trong các chuyến đi du lịch.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn