Nhiều trẻ bị tai nạn chấn thương sọ não.
Phù não, tụ máu não vì không đội mũ
Nhìn đứa con gương mắt thâm đen, mắt sưng như quả mận tím, anh Vũ Thành Đức trú tại Hà Tĩnh không khỏi xót xa. Đang trên đường được mẹ chở đi học về không may, con trai 6 tuổi của anh bị một thanh niên đi xe máy va chạm tới. Vì bé ngồi phía sau không có đai đeo nên ngã xuống đường và kết quả là bé bị tổn thương não. Phù não khiến gương mặt bé biến dạng. Sau gần 1 tuần điều trị, bé mới tốt hơn chút, dù không phải thở máy, có thể đưa bé ra ngoài hít thở không khí nhưng những tổn thương của con khiến vợ chồng anh Đức không khỏi lo lắng.
Vợ anh từ hôm xảy ra chuyện đến nay lúc nào cũng khóc, ân hận. Khi được hỏi đến chuyện đội mũ bảo hiểm cho con, chị chẳng nói nên lời. Con lớn nhà chị năm nay 10 tuổi còn chưa bao giờ đội mũ bảo hiểm nói gì đến cháu nhỏ.
Vợ chồng Đức lúc nào cũng sợ cổ con mềm không thể đội được mũ nên tìm mọi cách tránh né làm sao để con không phải đội mũ.
Ngay tại Hà Nội, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh – Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết rất ít cha mẹ đội mũ bảo hiểm cho trẻ trong khi đó số trẻ bị tai nạn thương tích khi tham gia giao thông không hề giảm.
Hầu như ngày nào bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận các ca nạn nhân của tai nạn giao thông là trẻ em chủ yếu đi xe đạp, xe đạp điện và cả xe máy. Khi bố mẹ của các nạn nhân được hỏi vì sao không đội mũ bảo hiểm, họ nói ngại vì không quen rồi sợ xương cổ con mềm. Trong khi đó, ở nước ngoài trẻ em đi xe đạp cũng được trang bị mũ bảo hiểm, họ tạo cho trẻ một thói quen từ bé. Đây là một điều rất quan trọng giáo dục cho trẻ ý thức bảo vệ mình khi tham gia giao thông.
Trường hợp bé Phan B. A. 4 tuổi được bà chở trên xe đạp điện không may va quệt với một xe máy khác khiến bé ngã xuống đường. Về nhà bé bắt đầu sốt và đau đầu nên gia đình đưa vào bệnh viện. Tại đây, bé được chẩn đoán có máu tụ trong não do va đập đầu xuống đất khi bé bị ngã.
Báo động tai nạn ở trẻ
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ Ban an toàn giao thông quốc gia cho biết tình hình TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp. Ở Việt Nam, mỗi ngày có 24 người chết và 60 người bị thương do TNGT, vì vậy cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT, khắc phục ùn tắc giao thông.
Ông Hùng cũng cho biết TNGT ở trẻ em đang trở nên báo động với các ca bị tai nạn ngày càng tăng đặc biệt là đối tượng học sinh khi tham gia giao thông. Nguyên nhân trẻ lớn đi sai làn đường, bất chấp luật giao thông và một phần bậc phụ huynh ngần ngại khi cho con đội mũ bảo hiểm lúc tham gia trên đường.
Cách đây không lâu, Cục Quản lý môi trường y tế đã nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả dịch tễ học cắt ngang có phân tích thông qua thu thập số liệu sơ cấp về tình hình TNGT và đội mũ bảo hiểm của 3.000 trường hợp đi xe mô tô, xe gắn máy bị TNGT phải cấp cứu và nhập viện.
Kết quả cho thấy đối tượng nghiên cứu chủ yếu ở nhóm tuổi lao động từ 20-29 (35,6%), nam giới cao gấp 3 lần so với nữ giới (76,3%), lao động tự do chiếm tỷ lệ cao nhất với 22,0%, nông dân đứng thứ hai với tỉ lệ 17,8%. Đối tượng điều khiển mô tô, xe máy bị TNGT chiếm đến 86,5%. TNGT ở người đi xe mô tô, xe gắn máy thường xảy ra từ 16h30 đến 23h30, tập trung nhiều từ 19h30. Có tới 46,6% bệnh nhân bị chấn thương sọ não, trong đó 33,0% bị rách da đầu, 45,5% bị máu tụ, 9,1% nứt sọ và 4,0% lún sọ. Theo thang điểm Glasgow, 84,5% bệnh nhân bị CTSN ở mức độ nhẹ (>=13), 10,1% ở mức độ trung bình (9-12) và 5,4% ở mức độ nặng (<=8). Trong 3000 trường hợp có tới 40 trường hợp bị tử vong, chiếm 1,4%.
Nguy cơ chấn thương sọ não với việc có và không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và không đạt chuẩn, kết quả nghiên cứu cho thấy MBH làm giảm 80% nguy cơ bị chấn thương sọ não (p< 0,05). Đội MBH đạt chuẩn sẽ giảm 73% nguy cơ bị CTSN (p < 0,002).
Kết quả đánh giá tình trạng MBH sau khi xảy ra tai nạn và CTSN cho thấy MBH vẫn còn nguyên trên đầu bảo vệ khỏi chấn thương sọ não đến 45,8% so với mũ bảo hiểm bị biến dạng/vỡ nhưng vẫn đội trên đầu, và bảo vệ khỏi chấn thương sọ não đến 31,3% so với mũ bảo hiểm văng ra khỏi đầu (p< 0,0001). Đội MBH đạt chuẩn sẽ giảm 54% nguy cơ bị rách da đầu, và giảm 59% nguy cơ bị máu tụ so với đội MBH không đạt chuẩn (p< 0,0001). Chính vì thế, các chuyên gia đều khuyến cáo nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để bảo vệ cho người tham gia giao thông.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn