Nhiều trường mầm non bị dịch tay chân miệng tấn công

Thứ năm - 13/10/2016 10:58

Nhiều trường mầm non bị dịch tay chân miệng tấn công

Từ đầu tháng 9 đến nay, dịch tay chân miệng trên địa bàn thành phố đang tăng nhanh, ít nhất đã có 3 chùm ca bệnh xuất hiện tại các trường mầm non. Ngành y tế cảnh báo, dịch sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, người dân cần chủ đồng phòng ngừa.

Dịch tấn công trường học

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM tính đến ngày 9/10 trên địa bàn thành phố đã có 4.105 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng trong tuần 40, các bệnh viện tiếp nhận 186 trẻ nhiễm bệnh. Dịch tay chân miệng tăng 54% so với trung bình của 4 tuần trước đó.

Đáng lo ngại hơn, từ sau khai giảng năm học mới đến nay, nhiều ổ bệnh tay chân miệng đã được ghi nhận tại các trường mầm non trên địa bàn. Thông tin từ BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, các trường xuất hiện chùm ca bệnh tay chân miệng gồm, Mầm non Hoạ Mi 3 (quận 5); Mầm non Tân Hoà và Mầm non Hướng Dương (đều thuộc huyện Hóc Môn). Tổng số trẻ mắc bệnh được ghi nhận tại 3 trường trên là 25 trường hợp.

Ít nhất 25 trẻ ở 3 trường mầm non đã bị dịch tay chân miêng tấn công

Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, nhiều chùm ca bệnh xuất hiện và sự gia tăng của tay chân miệng một phần là do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh phát triển theo tính chu kỳ. Tuy nhiên, sự chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp khiến tay chân miệng diến biến theo chiều hướng nguy hiểm, đe dọa phát tán trên diện rộng.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin các chùm ca bệnh, Trạm y tế và Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện có dịch đã tiến hành điều tra dịch tễ; tổ chức tầm soát trẻ bệnh để sớm cách ly, hạn chế lây lan; vệ sinh khử khuẩn phòng học và đồ chơi của trẻ; tổ chức truyền thông phòng bệnh cho cha mẹ và giáo viên các trường.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã yêu cầu các Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện tăng cường hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Khi các trường phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh phải thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời tránh nguy cơ bệnh phát tán; tạo điều kiện cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần lớp học và đồ chơi, vật dụng của trẻ.

Chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa vi rút. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, có khả năng gây thành dịch lớn.

Tay chân miệng đang vào mùa dịch, phụ huynh cần chú trọng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Trước tình hình trên, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tăng cường các giải pháp phòng chống để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ trong mùa dịch. Cả trẻ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dưới vòi nước sạch; người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bệnh tay chân miệng đến nay chưa có thuốc chủng ngừa. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông... phụ huynh cần đưa con em mình đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... có thể xảy ra cho trẻ.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây