Đây là thông tin được các chuyên gia hàng đầu về ung bướu chia sẻ tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư diễn ra sáng 6-10 tại Hà Nội.
Việt Nam nằm tốp 2 trong bản đồ ung thư
Mặc dù những con số về tỉ lệ mắc ung thư được công bố tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư lần thứ 13 được nghiên cứu cách đây 6 năm thế nhưng nó vẫn là hồi chuông báo động về tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam.
Theo số liệu năm 2010, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc tốp 2 trong bản đồ ung thư thế giới (50 nước cao nhất thuộc tốp 1), tức là đứng thứ 78 trong 172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, mỗi năm, nước ta phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc và khoảng 115.000 người tử vong vì ung thư. Các tỉnh, thành có số người mắc ung thư nhiều nhất là Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ. Dự báo đến năm 2020, số người mắc ung thư ở Việt Nam sẽ tăng gấp rưỡi.
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết tỉ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam chỉ bằng gần một nửa thế giới. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư sống trên 5 năm ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển, con số này đã lên tới 70%-80%. Nguyên nhân do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị không hiệu quả.
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, công bố số liệu đáng chú ý. Theo đó, số ca mắc ung thư phổi ở đàn ông chỉ tương đương các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan nhưng ung thư phổi ở nữ ở mức báo động, bằng gần 2/5 nam giới do bị hút thuốc lá thụ động.
Bệnh viện K trung ương luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị
Đừng buông xuôi!
Giới chuyên môn lưu ý phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, phần lớn người dân cho rằng bị ung thư là đối mặt với cái chết và đến bệnh viện ở giai đoạn muộn khiến căn bệnh này đang trở thành gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Đánh giá gánh nặng kinh tế của một số bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam của PGS-TS Bùi Diệu, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho thấy chi phí 1 đợt điều trị thấp nhất của người bệnh ung thư là hơn 13 triệu đồng và cao nhất lên đến gần 320 triệu đồng. Những gia đình có người bệnh ung thư phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị. Khoảng 1/3 người bệnh ung thư không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại, hơn 24% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư bắt nguồn từ thói quen trong sinh hoạt, ăn uống của con người. Các nghiên cứu đã chứng minh khói thuốc lá chứa tới hơn 60 chất độc hại là mầm mống của 15 loại ung thư đối với cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc. Chế độ ăn uống không hợp lý, không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân gây ra 30% số ca ung thư. Khoảng 20% số ca ung thư do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Cùng đó, môi trường bị ô nhiễm, thói quen uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, ăn mặn và sử dụng nhiều đồ ăn nhanh cũng làm gia tăng nhanh chóng bệnh ung thư. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ ung thư gan ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới là do uống rượu nhiều và hay ăn nhậu.
“Virus viêm gan B, C HBV, bia rượu và aflatoxin (độc tố trong thực phẩm bị mốc, phổ biến là các loại hạt) là liên thủ tàn phá lá gan. Đặc biệt, khói thuốc lá, thức ăn muối mặn cũng bắt tay nhau “đánh hội đồng” dạ dày, lá gan. Thói quen ăn uống lâu ngày tích tụ gây ung thư như thường xuyên ăn thịt hun khói, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ăn nhiều dưa cà muối, ít ăn rau quả tươi, ít vận động, thức ăn nhanh và béo phì làm tăng nguy cơ, đặc biệt ung thư dạ dày, đường ruột… Để phòng ngừa ung thư cần thay đổi hoặc giảm bớt các thói quen này” - GS Hùng cảnh báo.
Hiểu sai về điều trị GS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo tin đồn rằng khi bị khối u ác tính thì không nên “đụng dao kéo” vì cho rằng sẽ làm tế bào ung thư lan tràn mạnh hơn. Đây là quan niệm sai lầm vì hiện nay, phẫu thuật là phương pháp chủ yếu để điều trị tốt nhiều loại ung thư ở giai đoạn sớm nên người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn