Mối tình đó kéo dài đã 5-6 năm nay. Người tình của em là một người đàn ông giàu có và quyền lực, anh có thể lo cho Linh tất cả, chỉ trừ một đám cưới, một danh phận đàng hoàng trong cuộc hôn nhân.
Điều giản dị ấy biết bao người con gái đều có được với người đàn ông của họ, chỉ trừ Linh. Gần đây anh đặt vấn đề muốn Linh sinh cho anh một đứa con trai. Anh cũng nói rõ, Linh phải làm mẹ đơn thân đã đành, nhưng đến cả đứa con em sinh ra trước mắt cũng không có được danh phận rõ ràng. Đổi lại, mẹ con em sẽ có bảo đảm có một cuộc sống vương giả mà nhiều người phải ao ước.
Mặc dù lâu nay quen sống phụ thuộc vào sự bao bọc của người tình nhưng Linh vẫn băn khoăn quá. 28 tuổi, thú thực em chưa đủ can đảm để lựa chọn việc làm mẹ đơn thân vì còn nghĩ đến gia đình ở quê và búa rìu dư luận.
Linh cũng lo lắng nghĩ đến đứa con của mình sinh ra mà không có cha, nghĩ đến lúc những người vợ khác được chồng nâng niu chăm sóc, được an ủi sẻ chia, còn bản thân mình sẽ phải đơn côi “vượt cạn” một mình, rồi đằng đẵng nuôi con một mình…
Và em cũng sợ sau này không biết sẽ dạy con như thế nào về cách sống đạo đức, về tình yêu thương, đức hy sinh…trong khi đứa trẻ được sinh ra bởi một người mẹ đi “giựt chồng” người khác. Nhưng không hiểu sao, em không đủ can đảm nói dứt khoát một từ “không” với những cám dỗ vật chất kia…
Nghe tâm sự của Linh, chuyên gia tâm lý thấy rằng hoàn cảnh của em bây giờ tựa như một người trót mắc nghiện ma túy và đang “phê” ma túy. Dường như đang ảo giác rằng mình không thể sống nổi nếu dứt bỏ cuộc tình kia, nhưng em đâu biết rằng, thực ra từ khi dấn thân vào cuộc tình trái đạo là em đang tự vùi tuổi xanh trong nỗi dằn vặt và đau khổ.
Tất nhiên, mỗi người có quyền tự quyết định về số phận cuộc đời mình nên em có quyền dừng lại hay tiếp tục cuộc tình mà em cho là “định mệnh”. Có điều, em đừng nên kéo theo một đứa trẻ vô tội vào vòng xoáy bi kịch nghiệt ngã đó của em…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người phụ nữ độc thân có quyền làm mẹ đơn thân nên em có quyền sinh con cho người đàn ông mình yêu, miễn là việc có con như vậy không vi phạm đạo đức và pháp luật.
Nhưng em phải nhớ, không ai có quyền lựa chọn cho mình một gia đình. Nếu được lựa chọn, chắc chắn đứa trẻ nào cũng muốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đủ cả cha và mẹ. Chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ làm nên bầu trời hạnh phúc trong mắt trẻ thơ. Những đứa trẻ mà không có cha, không được hưởng sự chăm sóc của gia đình bên nội luôn là những đứa trẻ kém may mắn, thiệt thòi, không gì bù đắp được.
Em ạ, con của em có quyền được sống, có quyền có một thân phận bình thường như bao đứa trẻ khác. Vậy nên vì bất cứ lý do gì thì việc tước đi quyền có một gia đình bình thường, một thân phận bình thường của con mình cũng là điều vô cùng hệ trọng và phải suy xét kỹ chứ không thể vì ý muốn vị kỷ, tình cảm nhất thời.
Làm mẹ là một niềm hạnh phúc, một thiên chức thiêng liêng chứ không thể là cuộc đổi chác hay mua bán. Em hãy thận trọng suy xét lại, có thể tham khảo ý kiến của những người thân, người mà em tin cậy. Chúc em sớm có lựa chọn sáng suốt!
Theo Hạnh Nguyên
Báo Pháp luật Việt Nam
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn