Tối 5/9, một phụ nữ có nick name Thúy Lê phản ảnh trên trang Feacebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp” việc con gái của chị bị tai nạn gãy xương đùi, được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Bác sĩ yêu cầu gây mê nắn xương bó bột, nhưng sau 20 ngày, chụp phim lại thì thấy xương đùi của cháu vẫn bị lệch!
Cháu Thiên T điều trị gãy xương đùi tại Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh do gia đình đưa lên trang FB Quản lý đô thị Đà Nẵng)
Trong ngày 6/9 đã có rất nhiều bình luận về phản ánh này của nick name Thúy Lê, trong đó nhiều người “lên án” rằng bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng làm ăn cẩu thả, coi mạng người như cỏ rác; rằng bác sĩ được cho đi học ở Ấn Độ về chỉ uổng cơm nhà nước; rằng đây là hậu quả của nạn mua bằng, chạy chức; rằng phải kiện bỏ tù bác sĩ đã “nắn” xương của cháu bé thành ra như vậy...
Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Văn Mười, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ Lê Văn Mười xác nhận có trường hợp cháu Thái Mai Thiên T. (7 tuổi, ở tổ 106, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị gãy thân xương đùi, nhập viện và được bó bột, đến nay là 20 ngày.
Theo ông, kết quả khám mới nhất cho thấy chất lượng bó bột cho cháu Thiên T. là tốt, chỉ có thấm một số dịch nước tiểu ở sau lưng. Về mặt chuyên môn, kết quả chụp X quang để kiểm tra cho thấy có di lệch gập góc theo chiều cử động khớp nhỏ hơn 5 độ, nằm trong giới hạn cho phép; và di lệch chồng ngắn 1cm, cũng nằm trong giới hạn cho phép.
“Đối với trẻ em, mình ưu tiên điều trị bảo tồn bó bột. Với những di lệch nằm trong giới hạn cho phép như vừa nêu thì sau 6 tháng đến 1 năm, cơ thể trẻ em có một cơ chế tự điều chỉnh và sau đó chân của cháu bé sẽ thẳng lần, hai chân sẽ dài ra và đến một lúc sẽ cân đối trở lại. Trẻ em có cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt như thế, chứ người lớn không có cơ chế đó. Chính vì vậy mà người ta ưu tiên điều trị bảo tồn cho trẻ em!” – Bác sĩ Lê Văn Mười nói.
Xương đùi của cháu Thiên T bị lệch sau 20 ngày bó bột (Ảnh do gia đình cháu đưa lên trang FB Quản lý đô thị Đà Nẵng)
Ông cho hay, đối với trẻ em bị gãy xương, tỉ lệ can thiệp bằng phẫu thuật chỉ chiếm 1/1.000, chủ yếu là với các trường hợp rất đặc biệt như gãy trên đầu cầu độ 4, gãy phạm vào khớp, gãy bật mảnh khớp ra...; còn đối với các trường hợp bình thường như gãy thân xương đùi thì đều điều trị bảo tồn bó bột.
“Sở dĩ với trẻ em người ta không can thiệp phẫu thuật vì nếu không may bị nhiễm trùng sẽ gắn liền với viêm xương suốt đời, cũng có nghĩa gắn liền cuộc đời của cháu bé với bệnh viện.
Thứ hai, nếu mổ cho trẻ em mà không may đụng vào sụn tiếp hợp (còn gọi là sụn tăng trưởng) thì lập tức sụn này sẽ bị khóa lại. Lúc đó chân của cháu bé sẽ không bao giờ dài ra được nữa. Vì lẽ đó mà người ta ưu tiên điều trị bảo tồn chứ không mổ xẻ đối với trẻ em!” – Bác sĩ Lê Văn Mười nói.
Theo ông, về mặt chuyên môn, nhiều người không am hiểu khi thấy sau khi bó bột, xương bị di lệch, chồng ngắn hoặc bị hở... thì rất lo sợ. Do vậy, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đà Nẵng đã giải thích rất cặn lẽ với gia đình cháu Thiên T, đồng thời cung cấp các số liệu cho thấy những trường hợp như của cháu thì sau một thời gian đều bình thường trở lại.
“Với những trường hợp như của cháu Thiên T, sau này lớn lên gần như không thấy quá khứ của gãy xương nữa. Tuy nhiên có thể do gia đình quá lo lắng nên mới có những phản ánh trên trang FB Quản lý đô thị Đà Nẵng khiến một số người không am hiểu chuyên môn cho rằng các bác sĩ đã cẩu thả khi bó bột cho cháu Thiên Trúc!” – Bác sĩ Lê Văn Mười nhấn mạnh.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn