Chẳng hạn, những khi anh về khuya, con bé luôn gọi điện, giục bố nhanh về nhà. Tuy nhiên, sau khi anh lờ tịt, không nghe điện thoại thì nó không gọi nữa mà sẽ thức để chờ. Nó chờ anh bất kể đêm khuya hay là gần sáng, bất kể ngày mai được nghỉ hay thi học kỳ. Nó chờ đợi nhưng không bao giờ trách móc, khuôn mặt luôn lộ rõ nỗi vui mừng khi đèn ô tô của bố quét vào ô cửa sổ căn phòng nó ngủ. Anh nhiều lần kể với tôi, rằng Nhím luôn là đứa chạy ra mở cửa cho anh vào nhà nên anh gần như sợ đôi mắt của cô con gái nhỏ. Khi mẹ nó giận, bà ngoại nó bĩu môi và hai đứa trẻ kia ngủ tít, chỉ có Nhím là đứa lặng lẽ pha cho anh cốc nước, lấy cho anh cái khăn. Có khi anh say quá, hình như còn bị cảm, anh vừa nóng vừa lạnh, vừa vã mồ hôi vừa gai hết sống lưng, vẫn thấy tấm lưng bé nhỏ của con gái đang áp sát vào lưng bố như muốn truyền hơi ấm. Con bé 7 tuổi trong cái váy ngủ rộng lùng thùng, với đôi mắt sáng trong veo và mái tóc rối bời đêm khuya trông đã đảm đang như một bà mẹ vậy!
Ngày anh và chị li dị, chỉ có Nhím là đứa duy nhất trong ba đứa con của anh không khóc. Anh hỏi nó, có muốn đi với bố không thì con bé lắc đầu. Nó ở lại cùng chị Tôm và em Tép của nó, trong ngôi nhà bố để lại cho mẹ và bà ngoại. Tiền nuôi ba đứa con, anh chu cấp hoàn toàn, cam kết thanh toán không thiếu bất kỳ một tờ hoá đơn nào từ trường học và trung tâm ôn luyện. Ngay cả hỗ trợ cuộc sống của chị trong một năm đầu đi tìm lại việc làm anh cũng cam kết nhiều hơn cả mức chị yêu cầu. Anh đàng hoàng đĩnh đạc và hào phóng. Anh chỉ cần ra đi.
Mẹ Nhím bắt đầu lại công việc của mình. Chị lục lại ngăn tủ cũ, mang ra tấm bằng đại học đã cất đi hơn chục năm nay rồi, mới tinh, vẫn thơm nguyên mùi nhựa của cái túi cài nút hột. Chị lạc hậu hơn hẳn, từ bộ quần áo đến hiểu biết về xã hội. Đến đâu xin việc người ta cũng bảo, chị chỉ có kiến thức thôi chứ mọi kỹ năng đều thiếu. Số tiền anh hỗ trợ cuộc sống trong một năm đầu xin việc, chị định bụng để dành nhưng rồi cũng quyết định rút ra, mua những bộ quần áo mới cho mình. Cô bán hàng ngạc nhiên, chị là bà mẹ ba con thật sao? Cơ thể chị vẫn còn đẹp quá! Bộ nào cũng như người ta thiết kế cho chị vậy. Đây, chị mua đi, em hứa sẽ tặng thêm đôi tất, chị cho em xin kiểu ảnh để đăng lên fanpage cửa hàng. Quần áo đẹp thì cần thêm tóc đẹp, túi và giày cũng vậy... Chị biết người bán hàng không nói dối, vì chị còn đang ngỡ ngàng về vẻ đẹp của mình.
Nhím chụp ảnh mẹ bằng điện thoại, gửi cho bố ngắm. Anh thường ít khi bận tâm đến chị, vì mọi nghĩa vụ về tiền, anh chuyển khoản xong rồi. Vậy mà tấm hình mẹ Nhím trong bộ trang phục mới, tôi thấy anh lưu vào điện thoại của mình. Có một cái gì đó vô hình nhưng vẫn còn chặt chẽ, giữa người đàn ông tôi yêu, với gia đình cũ của anh. Tôi nghĩ đến lại thấy mình nghèn nghẹn nhưng không thể nào diễn tả bằng lời.
Sinh nhật Nhím, con bé bảo mẹ sẽ tổ chức ở nhà, con bé mời bố và tôi đến dự. Tôi hỏi, có nên không, anh ấy bối rối, rồi nhanh chóng gật đầu. Đúng thôi, tôi phải đến cùng anh chứ, không nên để anh một mình trong những tình huống ấy. Dù gì chúng tôi cũng sẽ trở thành vợ chồng mới của nhau. Nhím thấy bố và tôi đến thì tỏ rõ vui mừng. Tôi không rõ con bé vui vì bố hay vì tôi nữa.
Đến khi cắt bánh, con bé nhất định đòi được cắt một mình. Con dao sắc lẻm gọn gàng trong bàn tay của nó. Từng góc bánh được cắt ra gọn gẽ. Nhím nhờ Tôm và Tép tắt điện đi, nhà thắp lên toàn nến, rồi con bé đưa cho tôi miếng bánh. Tôi nhận rồi, Nhím ngẩng mặt lên nhìn tôi bằng cái nhìn da diết khôn cùng, ánh mắt nó long lanh vì nước mắt: “Bánh cắt ra rồi, như gia đình con không thể nào liền lại với nhau, con chúc bố và cô không bao giờ bị cắt ra thế này!”.
Anh nói với tôi rằng muốn suy nghĩ lại về mối quan hệ này, bởi anh vẫn nghĩ quá nhiều về vợ con mình. Tôi lặng lẽ gật đầu. Anh nói đúng...
Nguyễn Hương Ngân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn