Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã kết xuất trên hệ thống hơn 12 triệu thuê bao sim rác đăng ký thông tin không chính xác và nhắn tin đến người dùng yêu cầu đăng ký lại thông tin để mở khóa sử dụng. Số lượng lớn sim vi phạm quy định đã bị khóa khiến cho thị trường sim số biến động. Lấy lý do khan hàng, nhiều nơi tăng giá bán giá sim.
Đội giá gấp hai, ba lần
Theo quy định, sau 15 ngày kể từ khi nhà mạng nhắn tin yêu cầu đăng ký lại thông tin cá nhân, các thuê bao không đăng ký sẽ bị thu hồi, khóa dịch vụ. Sau đợt kiểm tra vừa qua, Bộ TT-TT cho biết có nhiều DN khuyến mãi vượt quy định, đưa ra thị trường một lượng lớn sim đã kích hoạt có sẵn tài khoản. Có đại lý trong 12 tháng đã đăng ký hơn 13.000 sim thuê bao.
Trong vài ngày qua, thị trường sim số đã bất ngờ tăng giá. Khảo sát các cửa hàng bán sim ở đường Hùng Vương (quận 5), 3 Tháng 2 (quận 10), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận)…, người bán đã từ chối bán sim khuyến mãi. Khi chúng tôi hỏi mua sim 11 số chưa đăng ký thông tin thì nhiều người bán cho biết giá các sim này hiện từ 50.000-175.000 đồng/sim tùy loại và tài khoản có 0 đồng (trước đây, giá các sim loại này chỉ từ 25.000, 35.000 đến 50.000 đồng). Sim 10 số cũng tăng giá lên khoảng từ 150.000-350.000 đồng/sim (trước đây chỉ khoảng 100.000-300.000 đồng/sim), có nơi tăng đến 350.000-500.000 đồng/sim.
Nhiều cửa hàng tại TP HCM tự ý tăng giá bán sim Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chiều 29-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các nhà mạng MobiFone và VinaPhone cho biết giá bán sim vẫn theo đúng giá đã quy định, việc giá sim tăng có thể là do các đại lý tự ý nâng giá.
Theo Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất của Bộ TT-TT, giá cước hòa mạng di động là 35.000 đồng/thuê bao trả sau, cước hòa mạng di động trả trước là 25.000 đồng. Giá cước hòa mạng này thu một lần và thanh toán ngay khi khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ trả sau hoặc mua sim thuê bao trả trước. Theo quy định, DN thông tin di động, đại lý phân phối và các tổ chức, cá nhân bán sim thuê bao phải niêm yết giá và bán sim thuê bao cho người sử dụng dịch vụ theo đúng giá do DN thông tin di động ban hành. Việc các đại lý tự nâng giá bán sim, người dùng sẽ bị thiệt hại nếu không có các biện pháp quản lý, xử lý triệt để.
Kiểm tra lẫn nhau
Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho biết trước đây, vì áp lực doanh số từ nhà mạng cũng như tranh thủ chạy đua doanh số để hưởng thêm hoa hồng nên nhiều người bán sim, đại lý sim đã tìm mọi cách đăng ký sẵn thông tin cá nhân cho các sim này và kích hoạt sẵn để bán. Đây là nguyên nhân khiến hàng triệu sim rác đã ồ ạt tung ra thị trường. Các sim này đều không chính chủ, người mua là những người tiêu dùng bình dân, chỉ để xài tính năng 3G hay hưởng khuyến mãi sẵn có. Bộ TT-TT đã có Công văn số 4016/BTTTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ban, ngành liên quan như: công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương phối hợp với các sở TT-TT triển khai công tác thanh tra sim rác. Bên cạnh đó, các DN khi thực hiện việc xác định sim tồn tại trên kênh phân phối để thu hồi đều phải có sự kiểm tra lẫn nhau dưới sự giám sát, chứng kiến của đoàn giám sát của Bộ TT-TT nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch giữa các DN.
Đại diện các nhà mạng cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin về việc các đại lý tăng giá sim và khẳng định nhà mạng hoàn toàn không tăng giá sim. Theo các chuyên gia, các sim rác được đăng ký sẵn thông tin là một vấn nạn đã được đề cập từ lâu. Giải quyết nó phải từ gốc đến ngọn và các nhà quản lý, nhà mạng cần kiên quyết thực hiện để tránh lãng phí nguồn tài nguyên số, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Bộ TT-TT đang sửa đổi quy định tăng mức phạt đối với các nhà mạng với mức cao nhất là 1 triệu đồng/thuê bao nếu thông tin thuê bao sai quy định, phạt tới 100 triệu đồng nếu để cá nhân sở hữu vượt quá số sim quy định. Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, tăng cường các biện pháp mạnh để quản lý chặt thuê bao di động trả trước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-3-2017.
Xử phạt 5 nhà mạng hơn 1 tỉ đồng Ngày 20-11, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã ra quyết định xử phạt 5 nhà mạng Gtel, Vietnamobile, MobiFone, Viettel và VinaPhone với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng trên chủ yếu vi phạm: không thông báo hoặc không đăng ký thực hiện chương trình khuyến mãi, không đăng ký giá cước, khuyến mãi vượt mức quy định, bán giá cước dịch vụ thấp hơn giá thành. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm về giá cước và khuyến mãi của các DN viễn thông để làm lành mạnh hóa thị trường này |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn