Nhật báo Anh Daily Mail dẫn khảo sát nêu trên liên quan đến 3.500 thiếu niên từ 10-15 tuổi và cho thấy tỉ lệ hài lòng về ngoại hình của chính mình ở những em vào Facebook hoặc Twitter bình quân 3 giờ/ngày là 53%. Tỉ lệ này ở những thiếu niên không giao tiếp trên MXH lên đến 82%. Tỉ lệ thường tranh cãi với mẹ bình quân hơn 1 lần/tuần ở nhóm thiếu niên vào MXH 3 giờ/ngày hoặc hơn là 44%.
Trong khi đó, những em ít hoặc không giao tiếp trên Facebook hay Twitter có tỉ lệ cãi mẹ ít hơn một nửa so với nhóm bên kia. Tỉ lệ bỏ học ở nhóm hay vào Facebook và Twitter chiếm 14%; so với nhóm ít hoặc không giao tiếp trên MXH - chỉ 6%. Điều đáng ghi nhận thêm là khát vọng vào ĐH của các thiếu niên hay vào MXH cao hơn nhóm bên kia (lần lượt là 14% so với 6%). Mặt khác, những khảo sát trước đó từng cho thấy phần lớn thanh thiếu niên thường giấu cha mẹ về thời gian và nội dung tiếp cận trên internet.
Trong một khảo sát mới đây có liên quan đến người sử dụng MXH của các nhà khoa học Úc tại ĐH Tasmania được công bố trên tạp chí Cyberpsychology, Behaviour and Social Networking, nhóm nghiên cứu nhận thấy khi con người không thể hiện trung thực bản thân trên Facebook, người đó có thể dễ bị stress và khó giao tiếp thoải mái trên mạng.
Hai chuyên gia tâm lý Rachel Grieve và Jarrah Watkinson đã đề nghị 146 người tham gia đánh giá về bản thân mình, mức độ liên kết xã hội, cảm giác về sự thoải mái hoặc lo âu, thậm chí bị stress trong 2 tình huống: Khi họ hiện diện trên Facebook như trong cuộc sống thực; rồi so sánh với khi họ thể hiện trên MXH như một nhân vật nói chung, ít nhiều khác với nhân thân của mình. Nhóm nghiên cứu nhận thấy con người bày tỏ về bản thân dễ dàng hơn trên Facebook so với khi họ đóng vai người khác. Hơn nữa, ở những trường hợp cái tôi của họ trên Facebook khác với cái tôi thực sự càng nhiều, mức độ về khả năng stress ở người đó càng cao.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn