Tích hợp AI lên cơ thể người là cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo của thế giới
Đây không phải là một câu nói khoa trương mà chính là tin tức được khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh chính phủ Thế giới tổ chức tại Dubai mới đây. Tại Hội nghị này, lãnh đạo chính phủ của nhiều nước như Pháp, Ý, Singapore, Úc,… và các tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu AI như IEEE, AAAI, Facebook, Amazon,… đã cùng nhau bàn về lộ trình của trí tuệ nhân tạo.
Trước câu hỏi cần phải ứng dụng AI như thế nào để đem lại lợi ích lớn nhất cho con người, câu trả lời được số đông ủng hộ đó chính là tích hợp AI lên cơ thể người. Điều này thoạt tiên nghe có vẻ giống các bộ phim viễn tưởng. Tuy nhiên, đó là khi ta chưa nhìn vào những điều mà các chuyên gia trên thế giới đã làm được trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
AI đã được đưa vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như dùng AI để vận hành xe hơi, xe tải không người lái tại Tây Úc; các bệnh nhân ung thư và bác sỹ tại Hàn Quốc sử dụng Watson (một ứng dụng AI của IBM) để đưa ra các lựa chọn về điều trị bệnh ung thư; IBM Watson cũng được dùng trong chương trình giáo dục nổi tiếng Sesame Street của Mỹ để giúp các giáo viên đưa ra các chiến lược giảng dạy phù hợp với từng học sinh,… Mới đây nhất, Facebook đã công bố chi tiết ứng dụng AI nhằm phát hiện người có ý định tự tử.
Tích hợp lên cơ thể người là cách AI đem lại lợi ích lớn nhất trong tương lai.
Được gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chính phủ nhiều nước đã có những chiến lược công nghiệp 4.0 riêng. Đức là quốc gia tiên phong thành lập nhóm Đặc trách về “công nghiệp 4.0” để tập trung vào các hành động đưa nước Đức dẫn đầu trong cuộc cách mạng này. Mỹ thành lập Liên minh Internet công nghiệp nhằm tập trung nghiên cứu ứng dụng IoT (Internet of Things – Vạn vật kết nối) trong công nghiệp.
Còn tại Anh đang áp dụng sáng kiến “Thành phố công nghệ” với 21 cụm công nghệ số khắp nước Anh. Chính phủ của nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… cũng có những kế hoạch lớn riêng nhằm không bị tụt lùi trong cuộc cách mạng 4.0 này.
Sau khi đưa AI vào các loại máy móc và nhận thấy sức mạnh làm việc tuyệt vời của chúng, ý tưởng đưa AI vào cơ thể người đã dần trở thành khao khát và mục tiêu nghiên cứu của nhiều chuyên gia và công ty lớn. Thậm chí chính phủ Nhật Bản còn lên kế hoạch xây dựng quốc gia này thành 1 xã hội “siêu thông minh” theo lộ trình 2016 – 2020 bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với các hệ thống sử dụng công nghệ số khác.
Những bước tiến trong tích hợp AI lên cơ thể người
Với những tham vọng lớn đó, các cuộc nghiên cứu độc lập để tìm ra cách tốt nhất tích hợp AI lên cơ thể người được nhiều tổ chức tiến hành. Đã có những thành công nhất định thu được từ các cuộc nghiên cứu này. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo Nhật Bản đã phát triển thành công một loại da điện tử (e-skin) gồm 1 điện cực nanomesh và một hệ thống dây dẫn với dải đèn LED nhỏ.
Loại da điện tử này có thể đo được các dấu hiệu về sức khỏe và xuất ra các hình ảnh cơ bản trên một màn hình được gắn trên da. Thậm chí, nó còn có thể được kết nối với smartphone và được thiết kế với khả năng chống mòn và rách. Các nhà nghiên cứu cho rằng loại da điện tử này rất hữu ích với những bệnh nhân nằm tại nhà vì không cần phải mang theo máy móc cồng kềnh để chẩn bệnh cho họ. Thời gian, nhân lực và chi phí điều trị bệnh sẽ được giảm đáng kể.
Da điện tử, một sản phẩm đầu tay của quá trình tích hợp AI lên cơ thể người.
Tỉ phú Elon Musk cũng tham gia vào cuộc đua này khi mới sáng lập công ty Neuralink nhằm hiện thực hóa một công nghệ có khả năng kết nối não bộ của con người với máy tính. Không phải chỉ có Elon Musk mới có ý tưởng này mà Facebook, Emotiv,… đã theo đuổi mục tiêu này từ lâu.
Neuralink hi vọng họ sẽ tìm ra cách thành công để con người có thể thông qua một thiết bị nào đó thu nạp các kiến thức thay vì phải học từ từ theo cách truyền thống trước đây. Công nghệ mà Neuralink đang theo đuổi là Neural Lace. Đây là một công nghệ cấy các điện cực siêu nhỏ vào não để tải lên và tải về các kiến thức, giúp bất kì người bình thường nào cũng có thể đạt mức độ trí thức cao hơn AI.
Giám đốc kỹ thuật của Google, ông Ray Kurweil dự đoán trí tuệ nhân tạo sẽ sánh ngang với con người vào năm 2029 và con người sẽ sát nhập với máy móc vài năm sau đó. Ông nói: "Thực tế đang diễn ra là máy móc mang tới sức mạnh cho tất cả chúng ta. Chúng khiến chúng ta trở nên thông minh hơn. Chúng vẫn chưa được đặt bên trong cơ thể chúng ta, nhưng vào thập niên 2030, chúng ta sẽ kết nối tới tận vỏ não, phần chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức trong não bộ, với đám mây dữ liệu".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi đặt ra như việc con người có bị thành nô lệ của AI hay không? Con người có bị mất đi cảm xúc khi tích hợp AI vào cơ thể? Tích hợp AI có làm não bộ con người một lúc nào đó bị quá tải không?… Những câu hỏi còn bỏ lửng này khiến việc tích hợp AI vào cơ thể người vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nếu 2017 cho thấy AI nhận được sự chú ý chính thống thì 2018 chắc chắn là một năm kiên cố hóa công nghệ này.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn