Bitcoin là một dạng tiền tệ mạng ngang hàng (peer-to-peer currency) dựa trên Internet. Nó có giá trị thật sự trong cuộc sống nhưng dưới dạng tiền điện tử hay tiền số. Có lẽ cái tên “tiền ảo” (virtual money) là để chỉ việc loại tiền này không phải là một thực thể vật chất. Nhưng về bản chất và chức năng của mình, bitcoin phải được gọi chính xác là tiền điện tử hay tiền số.
Bùng phát tiền ảo
Từ lâu người ta không chỉ làm giàu và giao dịch bằng tiền bitcoin mà còn có thể tiêu xài chúng, cũng giống quẹt thẻ ngân hàng. Ban đầu chỉ có những quán cà phê, rồi nhà hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền bitcoin, sau đó ngày càng có thêm nhiều nơi và lĩnh vực sử dụng tiền này, thông qua những ứng dụng (app). Tính tới tháng 2-2015, số lượng cơ sở kinh doanh chấp nhận tiền bitcoin trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 100.000. Thay vì phải trả phí 2%-3% như với thẻ tín dụng, cơ sở chấp nhận bitcoin chỉ phải chịu từ 0% tới dưới 2%. Và thực tế hiện nay có những tỉ phú tiền bitcoin trong khi trong túi chẳng có bao nhiêu tiền thật.
Thời gian đầu tiên, người ta mô tả những người chơi tiền bitcoin giống chơi chứng khoán. Cũng có thể coi nó như một dạng chơi game , chính xác là cày game để kiếm tiền. Nhưng gần đây, việc chơi tiền bitcoin lại có thêm dạng kinh doanh đa cấp. Người ta kinh doanh đa cấp bằng sản phẩm chính là những đồng tiền bitcoin.
Giống tiền thật, tiền bitcoin cũng có nhiều loại và thương hiệu khác nhau tùy theo những hệ thống kinh doanh tiền bitcoin. Chẳng hạn ở Việt Nam, ngoài đồng tiền bitcoin quốc tế nổi tiếng còn có những loại tiền như OneCoin…
Mặc dù phát triển mạnh nhưng bitcoin vẫn bị cấm ở nhiều nước, thậm chí đồng tiền này gắn liền với nhiều thảm họa. Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) và nhiều cơ quan quản lý tài chính-tiền tệ khác đã khuyến cáo rằng người dùng bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Những người đang đầu tư vào tiền ảo sẽ rất dễ gặp tai ương. Ảnh: INTERNET
Lừa đảo người dùng trong nước
Có thể nói rằng chơi bitcoin cũng như chơi chứng khoán, chỉ khác ở chỗ chứng khoán được nhà nước công nhận và bảo vệ. Người ta làm ăn bằng cách tạo ra bitcoin (đào tiền), làm trung gian giao dịch, mua đi bán lại, đầu cơ… Giá trị thực tế của bitcoin nằm ở chỗ người ta dùng tiền mặt (tiền hợp pháp) để mua bán bitcoin. Cụ thể là bạn có thể bán những đồng bitcoin mình đang sở hữu lấy tiền mặt để sử dụng.
Ở Việt Nam, gần đây các nhà chuyên môn đã báo động và cơ quan chức năng cũng bắt đầu vào cuộc khi tiền bitcoin bị những nhà kinh doanh hàng đa cấp lợi dụng. Trước tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp đang bị pháp luật xử lý ngày càng quyết liệt hơn, nhiều nhà kinh doanh đa cấp chuyển nhanh sang loại hình đầu tư tiền bitcoin. Họ đề nghị các khách hàng của mình chuyển vốn đầu tư đa cấp sang đầu tư bitcoin. Khách hàng thường không có sự lựa chọn nào khác, phải tiếp tục “đu” theo dịch vụ đa cấp của mình. Lâu nay trên Internet đã tràn ngập những dịch vụ chào mời, hướng dẫn người ta đầu tư tiền bitcoin với những mức lãi suất choáng ngợp, có khi hơn 100% một tháng, thậm chí có nơi tuyên bố lãi tới 5% một ngày. Trong thời gian gần đây, các mạng kinh doanh đa cấp đã tổ chức hàng loạt hội thảo đông người dự để lôi kéo người chơi bitcoin hay những loại tiền số khác.
Đầu tư đa cấp vốn đã rắc rối và phức tạp, đầu tư bitcoin càng “khó hiểu và khó lường” hơn bội phần mà cái cán dao luôn nằm trong tay những chủ mạng đầu tư. Giới chuyên môn cảnh báo người đầu tư bitcoin có xác suất 1% thắng và 99% thua. Nguy cơ để những người ít kiến thức nhưng hám lợi nhuận trên trời rơi xuống trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo bitcoin là rất lớn.
Chắc chắn nếu các cơ quan chức năng không có những biện pháp ngăn chặn và quản lý kịp thời, hoạt động kinh doanh bitcoin khi trở thành một biến tướng của kinh doanh đa cấp sẽ dẫn tới những hệ lụy kinh tế và xã hội không thể lường được. Những quả bom “vỡ mạng bitcoin” sẽ kinh khủng hơn là “vỡ hụi”.
Đừng đụng vào đồng tiền bị cấm Tiền bitcoin hiện nay nói chung là vẫn không được công nhận là một loại tiền tệ. Tháng 4-2013, GS về chính sách công Steven Strauss của ĐH Harvard (Mỹ) đề xuất các chính phủ loại bitcoin ra ngoài vòng pháp luật. Một số nước như Bangladesh, Bolivia, Ecuador… chính thức cấm bitcoin. Vào tháng 12-2013, chính phủ Trung Quốc tuyên bố: “Bitcoin không phải là một loại tiền tệ, không được phép lưu hành và sử dụng trên thị trường như tiền tệ”. Cho tới nay, phần lớn các nước chọn giải pháp không cấm mà cũng không công nhận bitcoin. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn