Theo The Verge, Elon Musk - Giám đốc điều hành (CEO) công ty chuyên nghiên cứu các công nghệ về vũ trụ SpaceX và xe không người lái Tesla, vừa đặt chân vào mảng "não máy tính" tức nghiên cứu cách cấy một số linh kiện điện tử vào não con người.
Elon Musk. Ảnh: Getty Images
Để thực hiện mục tiêu này, Elon Musk đã thành lập công ty Neuralink từ tháng 7 năm ngoái tại bang California, Mỹ dưới dạng công ty "nghiên cứu y học". Theo đó, Neuralink nhắm tới mục tiêu có thể cấy các điện cực vào não người để đạt được kết quả cuối cùng là một ngày nào đó, con người có thể "tải lên" (upload) hoặc "tải xuống" (download) các ý nghĩ và kiến thức.
Ý tưởng này đã thu hút một lượng lớn người quan tâm trong giới khoa học công nghệ ở thung lũng Silicon, cũng như những người theo chủ nghĩa thúc đẩy sự phát triển nhân loại trong tương lai bằng những ý tưởng đột phá bất chấp những nguy hiểm khó lường của dự án.
Bản thân ông Musk không trả lời những phỏng vấn liên quan tới công ty Neuralink. Tuy nhiên, ông Max Hodak - một thành viên thuộc nhóm sáng lập công ty này, xác nhận sự tồn tại của nó và việc tỉ phú Musk có tham gia trong dự án.
Theo truyền thông quốc tế, Neuralink nghiên cứu phát triển các thiết bị điện tử có thể cấy vào não người, giải quyết những căn bệnh khó trị ở não, sau đó giúp con người theo kịp máy móc, tránh khỏi kịch bản trở thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Sản phẩm đầu tiên có thể là những thiết bị có thể cấy ghép vào não để điều trị động kinh và trầm cảm.
Tất nhiên, còn rất nhiều rào cản để các ý tưởng này trở thành hiện thực. Các nhà nghiên cứu thần kinh cho rằng, chúng ta có sự hiểu biết rất hạn chế về cách các nơ-ron trong não của con người giao tiếp. Vì thế, việc phát triển các thiết bị cấy ghép vào não người sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, tham gia dự án này còn có kỹ sư chuyên về điện cực Vanessa Tolosa thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, giáo sư Philip Sabes của Đại học California ở San Francisco chuyên về cử động kiểm soát não người, và giáo sư Timothy Gardner của Đại học Boston nổi tiếng về kỹ thuật cấy ghép điện cực trong não chim sẻ để nghiên cứu tiếng hót của chúng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn