Cục Viễn thông nói lý do thuê bao di động phải có ảnh chân dung

Thứ ba - 20/06/2017 07:25

Cục Viễn thông nói lý do thuê bao di động phải có ảnh chân dung

Liên quan tới quy định chủ các thuê bao di động phải bổ sung thêm ảnh chân dung để không bị khóa SIM, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Người dân đang chụp ảnh chân dung để bổ sung vào thông tin thuê bao tại một cửa hàng của VinaPhone.

Vì an ninh quốc gia

Kể từ ngày 24/4/2017, Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP và 174/2013/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý là thông tin thuê bao di động giờ đây phải bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng. Sau 60 ngày kể từ khi nhận được tin nhắn đầu tiên yêu cầu tới điểm giao dịch chụp ảnh, nếu chủ thuê bao không thực hiện thì sẽ bị thu hồi SIM.

Trao đổi với PV xoay quanh quy định mới này, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi của mỗi người dân.

"Giả sử bỏ quản lý thông tin thuê bao thì xã hội sẽ như thế nào? Chủ thuê bao sẽ thoải mái điện thoại, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại; mọi người sẽ thoải mái tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội mà không có cách gì ngăn chặn, kiểm soát", bà Mơ đặt vấn đề.

Có nước còn sử dụng cả dấu vân tay

Theo bà Mơ, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng và có những quy định quản lý nghiêm ngặt công tác quản lý thông tin thuê bao. Trong đó, những quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Nhật đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử thông suốt để mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân phải xuất trình giấy tờ và doanh nghiệp có thể đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này dễ dàng.

Người sử dụng điện thoại di động đang xác minh thẻ SIM ở Lahore, Pakistan. Ảnh: Chaudary/Associated Press

"Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh thì dưới sức ép của việc chống khủng bố và nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, họ đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao. Một số quốc gia như Nigeria ngoài áp dụng hệ thống nhận diện vân tay thì cũng yêu cầu chụp ảnh các cá nhân đến đăng ký SIM", lãnh đạo Cục Viễn thông thông tin thêm.

"Ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hay ảnh chụp như vậy là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được lấy của người này gắn cho người khác mà rất khó để kiểm soát", bà Mơ nói.

Ở nước ta, những năm qua mặc dù đã có các quy định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ quy định tại Luật Viễn thông (2006) và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Viễn Thông, tính đến đầu năm 2016, thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai. Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số CMND sai, cho đến bản chụp CMND giả và đặc biệt rất nhiều CMND của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Chính vì những lý do trên, ảnh chụp người đến giao dịch trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.

Theo bà Mơ so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước thì quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Từ góc độ doanh nghiệp, quy định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam hoặc camera phù hợp.

"Truyền thông tốt thì người dân sẽ hợp tác"

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Viễn thông cũng nhìn nhận đây là một quy định mới mà bước đầu một số người có thể phản ứng vì nói rằng có liên quan đến quyền riêng tư. Song theo lãnh đạo Cục, thực tế, việc xuất trình CMND để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận, ví dụ như câu lạc bộ Elite Fitness với hàng chục ngàn hội viên.

"Việc chụp ảnh hội viên chỉ liên quan đến an toàn an ninh của một phòng tập mà vẫn làm được, thì việc chụp ảnh người sử dụng dịch vụ viễn thông di động vì mục đích an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người dân là cần thiết và phải làm. Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân sẽ hợp tác", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ khẳng định.

Ngoài ra theo bà Mơ, khi Nghị định 49 với những quy định quản lý chặt chẽ và quy củ hơn trước cùng với việc kiểm soát tốt chính sách khuyến mại, đa phần người dân sẽ chỉ có mỗi người một SIM và việc đăng ký một lần cho cả đời không phải là việc nặng nề. Số lượng thuê bao đăng ký lại chắc chắn sẽ ít hơn 120 triệu thuê bao vì trong số đó có rất nhiều người sử dụng SIM của các chương trình khuyến mại.

Pakistan: Xác minh 103 triệu SIM điện thoại bằng dấu vân tay

Chính phủ Pakistan yêu cầu người dân phải xác minh số điện thoại di động với dấu vân tay, nếu không sẽ cắt liên lạc...

Bấm xem >>

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây