Công nghệ cảm biến mống mắt là gì?
Nhận diện mống mắt, hay còn gọi là quét mống mắt (Iris Recognition hay Iris Scanner) là một dạng công nghệ bảo mật sinh trắc áp dụng thuật toán nhận diện, xác thực một người nào đó dựa trên cấu trúc của mống mắt (Iris Structure).
Công nghệ này hiện đang được áp dụng trong việc nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, nhân khẩu tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Trong 1 năm trở lại đây, công nghệ này lại trở lên “nóng” hơn khi một vài nhà sản xuất điện thoại đã tích hợp cảm biến này để đảm nhận công việc bảo mật cho thiết bị.
Đừng nhầm lẫn “mống mắt” là “võng mạc”. |
Tương tự như công nghệ nhận diện dấu vân tay (Fingerprint Recognition), công nghệ Iris Recognition dựa trên đặc điểm “duy nhất” của đặc điểm, cấu trúc mống mắt của từng người. Hơn nữa, cấu tạo mống mắt của con người hầu như không thay đổi (đặc tính ổn định) kể từ 10 tháng tuổi. Do đó, đặc điểm sinh trắc học này giúp cho việc nhận diện, xác thực được chính xác và khó “vượt rào” hơn.
Công nghệ nhận diện mống mắt hoạt động ra sao?
Cơ chế nhận diện mống mắt của thiết bị (hoặc bộ cảm biến) được thực hiện nhờ một máy chiếu bước sóng nhìn thấy được hoặc tia (hay camera) hồng ngoại tầm gần (Near Infrared - NIR) vào mắt người. Mục đích của việc chiếu tia đặc biệt này vào mắt nhằm giúp xác định chính xác vị trí của từng bộ phận của mắt (đồng tử, mí mắt, lông mi…) và chi tiết cấu trúc của mống mắt.
Sau đó, mọi dữ liệu thu thập được sẽ được chuyển về thiết bị, phần mềm chủ (chẳng hạn như phần mềm nhận diện và phân tích mống mắt trên smartphone) để dò tìm các tham số như tần số, biên độ. Cuối cùng, dữ liệu này được mã hóa bằng các thuật toán đặc biệt và phép thống kê để đưa ra kết quả nhận diện chính xác chủ nhân của thiết bị.
Cấu trúc của mống mắt (phần phản quang). |
Công nghệ nhận diện mống mắt ưu việt thế nào?
Nói về ưu điểm của công nghệ Iris Recognition, các chuyên gia cho rằng bảo mật dựa trên cấu trúc mống mắt có tốc độ nhận diện nhanh, với mức độ chính xác cao, không thể nhầm lẫn, linh hoạt và cực kỳ an toàn.
Mặc dù vậy, công nghệ này hiện chưa được áp dụng nhiều cho các thiết bị tiêu dùng thông thường, lý do chính là chi phí đầu tư công nghệ cao. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có vài dòng smartphone được trang bị công nghệ này, trong đó có dòng smartphone Lumia 950/950XL của Microsoft, Arrows NX F-04G của Fujitsu và Galaxy Note 7 của Samsung.
Xác thực với mống mắt đạt được tốc độ nhanh và có mức chính xác cao. |
Nhận diện mống mắt hoạt động trong cự ly bao nhiêu?
Các nhà sản xuất smartphone khuyến khích người dùng giữ thiết bị ổn định trước mặt trong cự ly từ 10 đến 14 inch (25,4 – 35,6 cm) để cho bộ phận nhận diện quét chính xác mống mắt.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên quá căng thẳng vì phần mềm tích hợp để giúp bạn lấy mẫu và xác nhận mống mắt sẽ hiển thị các thông báo để bạn có thể dịch chuyển thiết bị đến vị trí tối ưu nhất.
Đi kèm với cảm biến Iris Scanner là phần mềm hỗ trợ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. |
Điều gì “làm khó” việc nhận diện?
Giống như các thiết bị sử dụng cảm biến hình ảnh khác, bộ phận nhận diện mống mắt cũng không thể hoạt động nếu bộ phận Visual Sensor bị che, mờ, trầy. Đối với smartphone được trang bị chức năng này, bạn cần lau lại vị trí chứa cảm biến nhận diện (thường ở phía trên màn hình, cạnh camera trước) bằng vải mềm.
Bên cạnh đó, bạn cần mở mắt to, không được nhìn lên xuống, liếc ngang dọc để quá trình nhận diện được diễn ra nhanh và chính xác nhất.
Đôi khi trời tối khiến cho việc nhận diện mống mắt gặp khó khăn. |
Bảo mật mống mắt khác gì với bảo mật võng mạc
Nhiều người nhầm lẫn chức năng nhận diện “mống mắt” (Iris Scanning) là nhận diện “võng mạc” (Retinal Scanning). Cách hiểu như vậy là sai lầm. Vậy hai công nghệ này khác và giống nhau thế nào?
Cấu trúc của võng mạc (trái) so với cấu trúc mống mắt. |
- Giống nhau:
Cả hai đều có mức độ bảo mật cao và khả năng “vượt rào”, làm giả là 0% vì cấu trúc của mắt của mỗi người người hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, cả bảo mật mống mắt và võng mạc đều có tốc độ nhận diện nhanh.
- Khác nhau:
Công nghệ quét võng mạc có thể đo lường chính xác được tình trạng của mắt và chẩn đoán được các bệnh liên quan đến mắt, trong khi đó công nghệ quét mống mắt chỉ để nhận diện cấu trúc của bộ phận này.
Điểm khác nhau tiếp theo liên quan đến khoảng cách quét, muốn quét được võng mạc thì cảm biến (thậm chí là một thị kính) phải đặt gần hoặc áp sát vào mắt mới có thể xác định được cấu trúc. Trong khi đó, quét mống mắt thì có thể để thiết bị quét ở khoảng cách xa hơn.
PC World VN 09/2016
Nguồn tin: www.pcworld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn