Theo báo cáo của Kaspersky Lab tại hội thảo bảo mật tài chính, ngân hàng dành cho các nước châu Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Indonesia vào sáng 7.10, thống kê từ tháng 7 - 9.2016, trung bình có tới 49% người dùng ở các nước trong khu vực (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) gặp phải các "tai nạn" liên quan tới mạng nội bộ và dữ liệu cá nhân.
Trong đó, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ là những quốc gia có số người dùng gặp nạn nhiều nhất, tương ứng là 64%, 58% và 55%.
Còn trên môi trường web, thông qua các sản phẩm bảo mật của mình, Kaspersky Lab ghi nhận có trung bình 17% người dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gặp phải các rủi ro và được bảo vệ kịp thời. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 24%, theo sau là Việt Nam với 23%, tiếp đến là Ấn Độ và Indonesia cùng ở tỉ lệ 18,5%.
Ấn Độ là nơi được ghi nhận có những vụ tấn công, lừa đảo trực tuyến cao nhất trong quý 3.2016.
Mặc dù Úc và Singapore thuộc "top" những quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi tin tặc mạng nhất, nhưng vẫn có tới 30% người dùng tại hai quốc gia này gặp phải các "tai nạn" trên mạng nội bộ. Còn trên môi trường web, có tổng chung 12% người dùng tại Úc và Singapore gặp phải các rủi ro mà Kaspersky Lab ghi nhận được.
Cũng theo báo cáo này, quốc gia có tổng số người dùng gặp phải các rủi ro về an ninh mạng tăng mạnh nhất trong kỳ vừa qua là Ấn Độ, trong khi quốc gia ghi nhận tín hiệu đáng mừng về lượng người dùng gặp rủi ro an ninh mạng giảm mạnh nhất là ở Úc.
Thống kê trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mã độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc xuất hiện trong tháng 7 - 8.2016 đã tăng so với khoảng thời gian từ tháng 2 - 3.2016. Đây cũng là xu hướng chung trên toàn cầu, mặc dù vậy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cho là điểm nhắm và phải chịu thiệt hại nặng nề từ những chiến dịch mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc của bọn tội phạm mạng.
Một website giả danh ngân hàng DBS của Singapore để lừa đảo người dùng.
Riêng về mảng di động, ông Vitaly Kamluk - nhà nghiên cứu an ninh mạng tại tổ chức INTERPOL nhận định 6 rủi ro đáng lưu tâm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là: Ứng dụng độc hại trên những kho ứng dụng chính thức, tấn công mạng trên trình duyệt di động, điều khiển từ xa các thiết bị đã jailbreak, đánh cắp dữ liệu, mã độc ngân hàng trên di động và mã độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc trên di động.
Minh chứng cho những rủi ro đã thành hiện thực trên thiết bị di động, ông Kaluk đưa ra dẫn chứng là bọn tội phạm mạng đã thực hiện các cuộc tấn công vào hệ thống SWIFT - một hiệp hội quốc tế tạo cầu nối để các ngân hàng và tổ chức tài chính chuyển tiền và trao đổi thông tin, khiến không chỉ các ngân hàng tại Việt Nam mà cả Bangladesh cùng bị ảnh hưởng. Chưa dừng lại ở đó, chúng đang không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn