Những người phụ nữ day dứt giữa ở và về
Có mặt tại Nhà Bình Yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) những ngày cuối năm, nghe tâm sự của những người đang tạm trú tại đây, chúng tôi không khỏi xót xa, nhất là khi những ngày Tết sắp tới họ phải xa con cái, xa mái ấm mà họ đã từng nhiều năm gắn bó.
Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân tại sao họ không về nhà? Câu trả lời khiến tất cả những người xung quanh im lặng: “Chúng tôi sợ”. Điều đáng nói, nỗi sợ hãi đó lại đến từ chính những người chồng, người mà họ đã có những tháng ngày “đầu ấp, tay gối”.
Những người phụ nữ đang tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Ngôi nhà Bình yên.
Điển hình như chị Hoàng Thị Bích Nguyệt (41 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trong những ngày cận Tết Nguyên đán, chị luôn day dứt giữa việc ở lại hay về nhà. “Nhiều đêm tôi tự đặt câu hỏi ra với mình, liệu có nên về nhà hay không? Tôi không về thì ai sẽ lo nồi bánh, mâm cơm trong những ngày đầu xuân năm mới?
Nhưng rồi tôi lại nghĩ về nhà liệu có được an toàn hay lại phải chịu đựng những trận đòn “thập tử nhất sinh” của người chồng vũ phu. Chỉ nghĩ đến đó là tôi thấy rùng mình, chột dạ và không dám bước đi”, chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng như chị Nguyệt, bác Nguyễn Thị Hồng (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ với chúng tôi giọng nói vẫn còn run run: “Tết ai chẳng muốn về nhà, nhưng ai ở trong hoàn cảnh như chúng tôi thì mới hiểu được. Tôi chỉ sợ, khi về rồi sẽ chẳng có cơ hội thoát thân lần nữa”.
Những suy nghĩ và câu hỏi của bác Hồng, chị Nguyệt cũng chính là suy nghĩ, tâm lý chung của các chị, các mẹ đang tạm trú tại Nhà Bình Yên. Tuy rằng, họ rất sợ khi nghĩ về những trận đòn đã qua, nhưng trong sâu thẳm trong tâm trí của họ vẫn luôn nghĩ tới tổ ấm của mình.
Họ không dám về nhà trong dịp Tết vì sợ bị chồng hành hạ, nhưng trong sâu thẳm trái tim, họ luôn hướng về gia đình. Ảnh: Ngôi nhà Bình yên.
Đôi khi đó chỉ là những suy nghĩ rất nhỏ nhoi như ai sẽ lo nồi bánh, mâm cơm giao thừa...hay thậm chí nhiều người vẫn không thể không nghĩ về người chồng “nát rượu”. “Về thì sợ bị chồng đánh, nhưng ở đây thì không biết ở nhà bố con nó có lo được nồi bánh hay không. Có lẽ tôi cũng phải về qua nhà một hai hôm, xem tình hình như thế nào”, chị Hạnh (Thanh Sơn – Phú Thọ) tâm sự.
Đặt an toàn lên trên hết
Từ sự băn khoăn của những người phụ nữ đang tạm trú tại Nhà Bình Yên, chúng tôi tìm gặp bà Phạm Thị Hương Giang - GĐ Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, được biết những tâm sự chất chứa của chị em đang tạm trú ở đây cũng khiến những người làm quản lý như bà luôn đau đáu suy nghĩ.
Bà Giang cho biết, tất cả những nạn nhân tìm đến Nhà Bình Yên đều là những trường hợp rất đặc biệt, họ không thể chịu đựng được và không còn chỗ nào để đi. Nhiệm vụ của chúng tôi ngoài “cưu mang” họ thì còn phải tư vấn để những nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình hiểu được họ đang được pháp luật bảo vệ.
“Điều quan trọng nhất đó là phải tư vấn về mặt tâm lý cho chị em từ đó để chị em “xóa tan” những sợ hãi trong tâm trí. Tiếp theo là hỗ trợ về mặt pháp lý để các nạn nhân hiểu được rằng họ đang được pháp luật bảo vệ. Khi họ bị bạo hành, họ phải tìm đến đâu để được giải quyết nhanh nhất...
Chính nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều người khi rời Nhà Bình Yên đã giúp đỡ những nạn nhân khác giống mình trước đây, thậm trí thành lập các nhóm Tự Lực hỗ trợ các chị em khác cùng cảnh ngộ”, bà Giang nói.
Khi ở lại Nhà Bình Yên, những người phụ nữ nhận được sự quan tâm đặc biệt và đón Tết theo cách riêng của họ. Ảnh: Ngôi nhà Bình yên.
Còn trong dịp Tết sắp tới, những tâm sự chất chứa của chị em như trên cũng đặt ra không ít thách thức với những người quản lý. Bà Giang cho biết, trong trường hợp những người phụ nữ muốn về với gia đình trong dịp tết thì cũng không thể ngăn cản được vì đó là quyền của họ. Khi đó, các cán bộ trung tâm sẽ phải làm vai trò tư vấn, giúp họ hiểu được khi về nhà họ có thật sự đảm bảo an toàn cho bản thân hay khi về họ sẽ "lún sâu vào bãi sình lầy và không thể rút chân ra được".
Trong trường hợp, các chị em không dám về nhà và quyết định ở lại Nhà Bình Yên. Khi đó, chúng tôi lại phải nghĩ làm sao để lo cho họ cái Tết ấm cúng dù không được ở bên những người thân ruột thịt.
“Chính vì thế, năm nào chúng tôi cũng bố trí cán bộ đến đón giao thừa, chúc Tết, lì xì cho các chị em. Những ngày tết ở đây, chị em cũng có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Hơn nữa, tất cả mọi người khi đã đến Nhà Bình Yên đều có hoàn cảnh giống nhau, nên họ hiểu và luôn coi đó là nhà của mình”, bà Giang chia sẻ.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn