Tâm sự ngày Tết ở nơi trẻ sinh ra chỉ nặng hơn nửa cân

Thứ năm - 26/01/2017 23:59

Tâm sự ngày Tết ở nơi trẻ sinh ra chỉ nặng hơn nửa cân

Ở BV Phụ sản Trung ương, các em bé non tháng vẫn đang từng giây, từng phút “chiến đấu” với “tử thần” để giành giật sự sống cho mình, để bước qua thời khắc giao thừa các em sẽ được thêm tuổi mới...

Khẽ đặt ngón tay út của mình cạnh chân một em bé sơ sinh vừa cất tiếng khóc chào đời cách đây 2 ngày, BS Lê Minh Trác – Phó GĐ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện phụ sản Trung ương) không khỏi xót xa khi ngón tay út của mình còn nhỉnh hơn cả chân của bé. Theo thông tin từ BS. Trác, em bé ấy chỉ nặng hơn nửa kg.

Và đó cũng là hình ảnh chúng tôi bắt gặp ở hầu hết các em bé sơ sinh đang nằm tại đây khi thời khắc giao thừa đang cận kề.

“Bé này lúc sinh ra được 0,7kg sau hai tháng nuôi dưỡng tại đây giờ đã nặng 1,2kg; bé bên cạnh sinh ra cũng được 0,7kg, sau gần 2 tháng cân nặng đạt 1,4kg... Các bé đang phát triển khá tốt”, BS. Trác cho biết.

 

BS. Lê Minh Trác khẽ bế một em bé sơ sinh trên tay và âu yếm nhìn em.

BS. Lê Minh Trác cũng đưa thêm thông tin, những trường hợp trẻ nặng từ 0,5kg – 1kg nằm tại Trung tâm lúc nào cũng dao động khoảng 20 – 30 trẻ. “Đa số những trẻ sinh thấp cân là do đẻ non, một số trường hợp khác vẫn đủ tháng nhưng kém cân nặng thì gọi là suy dinh dưỡng bào thai hoặc chậm phát triển.

Những đứa trẻ sinh thiếu tháng thì các bộ phận như: tim, não, phổi, hệ thống miễn dịch của trẻ đều non. Điều đó đồng nghĩa với việc đứa trẻ sẽ yếu, dễ bị các bệnh tấn công. Đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cho nên việc chăm sóc các bé khó khăn và yêu cầu phải đảm bảo cho các trẻ”, BS. Trác nói.

 

Mỗi lần đón các bé sinh non, cân nặng thấp chào đời, các bác sĩ đều rất buồn và luôn cố gắng hết mình để mang lại sự sống cho các em.

Chỉ cho chúng tôi các hộ lý, y tá, bác sĩ đang chăm sóc, làm vệ sinh cá nhân cho từng bé hay cho bé ăn... BS. Trác mỉm cười bảo rằng, để đảm bảo các bé khỏe mạnh và phát triển tốt trong điều kiện nuôi lồng kính, từ khi sinh ra các bé đã thiệt thòi khi thiếu đi sự chăm sóc, ẵm bồng của người mẹ nên các bé cần lắm bàn tay yêu thương của các y, bác sĩ ở đây.

“Và chúng tôi đã làm được điều ấy. Mỗi lần đón các bé có cân nặng chỉ dao động từ 0,5 – 1kg, chúng tôi thực sự rất ái ngại. Nhưng bằng mọi cách chúng tôi phải cấp cứu tới cùng để mang lại sự sống cho các bé.

Tư tưởng làm việc của chúng tôi luôn là đặt cấp cứu lên hàng đầu, thủ tục hành chính và giải thích với gia đình là giai đoạn tiếp sau đó.

Đặc thù của ngành chúng tôi là cấp cứu bệnh nhân bất kì lúc nào mà không có ngày nghỉ hay giờ nghỉ. Chính vì thế bác sĩ cấp cứu không có đêm giao thừa. Chỉ khi ca cấp cứu hoàn thành, bước ra ngoài phòng thấy không khí năm mới đã rộn ràng khắp nơi chúng tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ thời khắc thiêng liêng nhất của năm.

Nhưng cảm giác nhận về những lời chúc Tết từ lãnh đạo bệnh viện, những cái nắm tay yêu thương nhưng rất đỗi chân thành của người nhà bệnh nhân, chúng tôi cũng thấy ấm lòng cho ca trực đầu tiên của mình trong năm mới”, khẽ bế một em bé non tháng trên tay, BS. Trác nhìn em âu yếm và chia sẻ với chúng tôi.

 

Hiện tại có rất nhiều bé sơ sinh thiếu tháng đón Tết cùng các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tại bệnh viện.

Nhớ lại lần đầu tiên bế trên tay trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1kg, BS. Trác ngậm ngùi:

“Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác khi mới về công tác tại bệnh viện. Lần đầu tiên bế các bé nhỏ xíu nặng chưa được 1kg như vậy thật lạ lẫm, không thể tưởng tượng được tại sao con người lại nhỏ bé như thế này. Các cháu nhỏ, xương chưa cứng nên toàn thân cứ mềm nhũn, cảm giác các bé có thể lọt qua tay mình bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận. Sau một quá trình làm việc, giờ cũng đã quen với việc bế các cháu nhỏ”.

Dẫn chúng tôi qua phòng điều trị cách li, bác sĩ Trác dừng lại rất lâu trước 2 bé mới sinh bị phơi nhiễm HIV, bên cạnh là túi thuốc để các bé uống điều trị sau khi xuất viện.

 

Có những em bé sinh thiếu tháng, chân của các em chỉ bằng ngón tay út của bác sĩ.

Lặng nhìn các em rất lâu, BS. Trác tâm sự:

“Mỗi năm có khoảng 20 ca mẹ nhiễm HIV và tỉ lệ non tháng của trẻ phơi nhiễm HIV cũng như trẻ bị các bệnh truyền nhiễm khác qua đường lây từ mẹ sang con vào Trung tâm chúng tôi là 15%”.

Từ khi có chương trình phòng lây truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con, những trường hợp mẹ bị nhiễm HIV nếu được phòng lây nhiễm HIV sang con, tỉ lệ các cháu nhiễm HIV dưới 5% có nơi chỉ 1,9 – 2%. Điều ấy đồng nghĩa với việc có tới 98% các bé mẹ bị nhiễm HIV nhưng sinh con ra hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, các bà mẹ phải tuân thủ đúng phương pháp điều trị của các bác sĩ”.

Ở đâu đó trong Trung tâm, nơi các bé sơ sinh thiếu tháng, cân nặng thấp đang được nuôi dưỡng, chúng tôi thấy vắng đi những tiếng khóc, những tiếng khóc thường có mà chúng tôi vẫn bắt gặp ở các khu sơ sinh khác.

Nhưng các em vẫn đang từng giây, từng phút “chiến đấu” với “tử thần” để giành giật sự sống cho mình, để bước qua thời khắc giao thừa các em sẽ được thêm tuổi mới...

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây