Hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh: Chuyên gia nói gì về chuyện “trù yểm”?

Thứ hai - 17/10/2016 20:52

Hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh: Chuyên gia nói gì về chuyện “trù yểm”?

Hàng trăm ngôi mộ bị kẻ xấu đóng đinh lên đỉnh đầu mộ, nhiều ngôi khác thì bị phá hỏng. Sự việc này chưa từng xảy ra trên địa bàn khiến người dân sống tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vô cùng lo lắng, bức xúc.

Đóng đinh vào vị trí "hiểm"

Sự việc bắt đầu khi một số người dân ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong lúc đi tảo mộ bất ngờ phát hiện phần mộ của người thân bị kẻ xấu dùng đinh lớn đóng trên đỉnh đầu ngôi mộ. Điều đáng nói, không chỉ có một ngôi mà hàng trăm ngôi mộ khác tại nghĩa trang xã Lộc Thủy cũng bị kẻ xấu đóng đinh như vậy.

 

Người dân tập trung để tìm kiếm đinh trong khu nghĩa trang. Ảnh: T.G

Ông Đỗ Văn Thanh (trú tại thôn An Bàng, xã Lộc Thủy) kể lại: “Cách đây ít hôm, tôi cùng gia đình ra chạp mộ tại nghĩa trang thì phát hiện mộ người thân và nhiều ngôi mộ khác bị kẻ xấu đóng đinh bằng loại đinh 10. Ngôi ít thì bị đóng 1- 2 cái, ngôi nhiều thì trên 10 cái. Thấy vậy tôi cùng với người nhà chia nhau ra tìm nhổ những chiếc đinh này đi”.

Dẫn chúng tôi vào khu mộ người thân, bà Nguyễn Thị Phú (trú tại Thủy Yên Thôn) cũng cho biết, gia đình bà có 8 ngôi mộ người thân chôn cất tại nghĩa trang xã Lộc Thủy. Ngày 10/10, sau khi nghe thông tin có nhiều ngôi mộ tại đây bị đóng đinh, bà vội đến kiểm tra thì phát hiện 8 ngôi mộ của gia đình cũng bị đóng 13 chiếc đinh ở nhiều vị trí khác nhau.

Chỉ tay vào những vết tích còn mới trên mộ, bà Phú không khỏi bức xúc: “Vị trí đóng đinh thường là phía trên đỉnh đầu phần mộ và vùi lấp trong lớp cát. Muốn biết có đinh hay không phải cào nhẹ lớp cát trên mặt mới biết. Từ trước đến nay gia đình tôi không gây gổ với ai, con tôi đã chết từ lâu thế mà mộ của nó cũng bị đập, mộ người thân lại bị đóng đinh, thử hỏi người chết thì có tội tình gì?”.

 

Những chiếc đinh sắt được người dân xã Lộc Thủy tìm nhặt trên mộ người thân.

Được biết, không chỉ tại thôn An Bàng, phần mộ người thân của nhiều người dân khác tại các thôn: Nam Phước, Thủy Yên Thôn, Thủy Yên Thượng và Phú Cường của xã Lộc Thủy cũng phát hiện bị kẻ xấu đóng đinh. Hình ảnh dễ nhìn thấy tại khu nghĩa trang xã Lộc Thủy những ngày vừa qua là cảnh hàng chục người dân cùng nhau mò mẫm, lần tìm để nhổ những chiếc đinh bị kẻ xấu đóng lên trên mộ của người thân, dòng tộc. Do số lượng đinh quá nhiều không thể dò bằng tay, nhiều người phải sử dụng thêm nam châm cỡ lớn hay máy rà phế liệu để tìm kiếm. Theo người dân, có khả năng kẻ xấu đã cắm đinh từ trước rất lâu, thời gian gần đây do mưa gió nhiều nên lớp cát bị trôi đi, những cây đinh mới bắt đầu lộ ra.

Điều lạ là không chỉ có những ngôi mộ ở nghĩa trang khuất vắng, xa khu dân cư mà nhiều ngôi mộ khác nằm ngay gần nhà dân cũng chịu chung tình cảnh. Các ngôi mộ bị đóng đinh có đủ kích cỡ lớn bé, mộ xây hay mộ đất, mộ dành cho người già hay trẻ nhỏ…Một số người có mộ người thân bị đóng đinh cho hay, đối với những ngôi mộ của người lớn thì số đinh đóng trên mộ thường nhiều hơn từ đầu, bụng đến chân và kể cả xung quanh mộ. Điều này khiến nhiều người hoang mang, nghi ngờ đây là một hình thức “trù yểm” của kẻ xấu đối với những gia đình có người thân đang được chôn cất trong nghĩa trang.

Kẻ xấu có vấn đề về thần kinh?

 

Ông Trần Viết Điền, Nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Khoa Vật lí, Trường ĐHSP Huế.

Xưa nay, người dân xã Lộc Thủy cũng như người dân Thừa Thiên Huế nói chung vẫn sống với tâm niệm coi trọng và tôn kính với những người đã khuất. Do vậy, việc hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh đã khiến nhiều người bất an, lo lắng.

Vậy kẻ xấu đóng đinh lên mộ để làm gì? Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Trần Viết Điền, nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Khoa Vật lí, Trường ĐHSP Huế cho rằng, theo quan niệm dân gian, đóng đinh trên mộ có 2 dạng: Dạng thứ nhất, dùng để “yểm trừ trùng tang liên táng”. Dạng "yểm trừ" này do chính gia đình có mộ phần thực hiện. Cụ thể nếu có người thân qua đời vào ngày giờ “trùng” thì gia đình nhờ thầy dùng cắm vào huyệt mộ. Nam 7 đinh, nữ 9 đinh. Làm như vậy để tránh “trùng”. Dạng "yểm" thứ hai, do kẻ xấu tiến hành, bởi sự thù hận, tranh chấp, đố kỵ...Điểm khác biệt của 2 dạng này là, trị “trùng tang” thì cắm ở dưới chân, còn giải quyết thù hằn thì cắm lên đầu mộ.

"Người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng sống theo quan điểm “sống nhà, thác mồ”, rất coi trọng vấn đề mồ mả, tâm linh. Việc hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh đã khiến dân mất ăn mất ngủ. Tuy vậy cũng phải khẳng định, việc đóng đinh để “yểm trừ” chỉ là quan niệm của người dân có từ xưa, xét trên thực tế việc làm này của kẻ xấu tại xã Lộc Thủy chưa hẳn đã có tác dụng gì. Còn về mặt đạo đức, đây là hành động không thể chấp nhận được", ông Điền nêu quan điểm.

Trả lời một số tờ báo xung quanh sự việc này, GS Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, đây là hành động ác độc với cả người chết và người sống, nó gây ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân. Theo ông Biền thì đây có thể là hành động có tính toán của kẻ xấu nhằm gây hoang mang, phản cảm. Tuy vậy, ông khuyên người dân hãy bình tĩnh chờ sự điều tra của các cơ quan chức năng.

Còn PGS. TS Hoàng Minh Đô thuộc Viện Tín ngưỡng, tôn giáo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì nhận định, có thể sự việc này là biểu hiện của một dạng mê tín dị đoan tới mức nặng nề hoặc là ý đồ của kẻ xấu nào đó nhằm gây hoang mang cho người dân. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, việc hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh là việc rất đau xót, rất bức xúc. Đây là hành vi lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn có tính chất nghiêm trọng. “Việc phát hiện đinh cắm trên mộ đúng là chuyện bất thường, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã. Nhưng nhận định chủ quan của bản thân tôi thì có thể do người có vấn đề về thần kinh, hoặc thầy cúng, thầy bói gây ra chứ chắc chắn không phải thù hằn cá nhân. Trước mắt, bà con cần phải bình tĩnh, khi có kết quả của cơ quan chức năng, xã sẽ thông tin rộng rãi đến người dân”, ông Hữu khẳng định.

Công an triệu tập một nghi can

Ngay khi nhận được phản ánh của người dân về việc hàng trăm ngôi mộ bị đóng đinh, các cơ quan chức năng của huyện Phú Lộc và xã Lộc Thủy đã vào cuộc xử lý. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch huyện Phú Lộc cho biết, hiện đã giao cho Công an huyện Phú Lộc khẩn trương điều tra sự việc này.

Theo thông tin trên tờ Thanh Niên, ngày 12/10, Công an huyện Phú Lộc đã triệu tập một nghi can. Người này là đàn ông, gần 60 tuổi, có hộ khẩu ở Lộc Thủy, nhưng nhiều năm qua lao động ở ngoại tỉnh. Khoảng vài tháng trước người này bị dân địa phương bắt giữ khi đang len lỏi một cách bất thường tại khu vực lăng mộ ở thôn An Bàng (xã Lộc Thủy). Lúc đó ông này có mang theo búa và nhiều đinh sắt, nhưng người dân không nghĩ ông này đóng đinh lên mộ nên đã cho đi.

Đóng đinh lên mộ có thể bị phạt tù

Theo Luật gia Hoàng Ngọc Thanh (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế), hành vi của kẻ xấu trong vụ đóng định mộ là hành vi xâm phạm mồ mả. Điều 246 Bộ luật Hình sự cũ và điều 319 Bộ luật Hình sự hiện nay quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau: 1- Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Vì động cơ đê hèn; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt. (Theo Dân Việt)

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây