Ngày 22/8, đoàn công tác Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại tỉnh Yên Bái. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây Dựng, Văn phòng Chính phủ và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra kè Suối Ngòi Thia – thị xã Nghĩa Lộ bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Tại hiện trường, 1,4 km kè bê tông, 500 m kè đá bị sạt lở. Cùng với đó, hơn 1 km đường dân sinh cũng đã bị lũ cuốn trôi. Hiện tại, nước lũ đang tiếp tục gây sạt lở, đe doạ một số khu vực dân cư lân cận.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi một số hộ dân ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bị sạt lở, lũ cuốn trôi nhà cửa. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo địa phương khẩn trương bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị sập đổ nhà cửa, đồng thời tuyệt đối không để bà con tiếp tục sinh sống tại những điểm xung yếu, thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Đến nay, các tuyến đường bị ách tắc do sạt lở đất và ngập lụt như đường Nghĩa Lộ - Trạm Tấu, quốc lộ 32 qua đèo Khau Phạ, đường Yên Bái - Khe Sang, Âu Lâu - Quy Mông đã thông tuyến; hệ thống đường sắt qua tỉnh Yên Bái đã hoạt động trở lại.
Nhắc lại công tác phòng chống bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập chuyện một gia đình bị sập nhà mà đoàn công tác đã đến thăm, nếu chính quyền không kiên quyết cưỡng chế di dời thì chắc khó tránh khỏi thiệt hại về người trong trận bão.
Sạt lở đất chặn nhiều tuyến đường, vùi lấp nhiều nhà dân ở Yên Bái.
Đánh giá cao những nỗ lực điều hành của địa phương, những ngày tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Yên Bái không chủ quan, cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động bố trí lực lượng ứng phó khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh tập trung hỗ trợ cho những gia đình chịu thiệt hại sau cơn bão, trước hết là các gia đình có người chết, bị thương; hướng dẫn người dân tránh xa những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt; sửa chữa lại các công trình hư hại, đê kè, các hồ, đập. Bộ NN&PTNT giúp Yên Bái nhanh chóng triển khai đề án sửa chữa kè suối Ngòi Thia.
Tỉnh Yên Bái phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho người dân. Tiếp tục triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh, đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Trong dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải có kế hoạch tổng thể di dời các công trình, nhà ở của của người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính và UBND các địa phương sớm lập một bản đồ chi tiết những điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, trước mắt tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để di dời những công trình, nhà cửa nằm trong khu vực nguy hiểm” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Yên Bái thiệt hại nặng sau bão số 3
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Yên Bái tại cuộc làm việc với đoàn công tác Chính phủ, tính đến hết ngày 21/8, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Yên Bái, ước tính khoảng 210 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 1.172 ngôi nhà bị thiệt hại. Trong đó: 14 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2 nhà bị lũ cuốn; 282 nhà bị ngập; 41 nhà tốc mái; 76 nhà hư hỏng do sạt lở ta luy; 757 nhà phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất.
Nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão.
Mưa lũ đã làm trên 1.252 ha lúa, 74 ha ngô và 180 ha hoa màu bị thiệt hại. Riêng lúa bị ngập nước lên tới 1.192 ha, tập trung ở huyện Văn Yên 286 ha, Trấn Yên 425 ha, thành phố Yên Bái 271,69 ha, Văn Chấn 157,12ha...
Ngoài một số gia súc, gia cầm của người dân bị cuốn trôi, đã có 44 ha ao nuôi cá ở huyện Trấn Yên bị ngập, tràn; gần 4 ha hồ và 39 lồng cá ở Văn Chấn thiệt hại hoàn toàn.
Nghiêm trọng hơn, bão lũ đã gây thiệt hại các công trình thủy lợi, ngầm kè, đường giao thông, điện và cuốn trôi đất sản xuất của người dân. Cụ thể: thị xã Nghĩa Lộ sạt lở 1.400m kè bê tông, 500m kè đá suối Thia, ước thiệt hại 63 tỷ đồng; sạt lở 1km đường dân sinh, đường bao suối Thia ước thiệt hại 5 tỷ đồng.
Ở huyện Văn Chấn có khoảng 400m kè bê tông suối Thia bị sạt lở hoàn toàn, 100m kè tại bị vỡ; khoảng 1.000m2 đất ở và đất canh tác ở xã Phù Nham bị lũ cuốn trôi.
Tại huyện Văn Yên 3 cột điện 110 KV bị đổ, xã Mỏ Vàng mất điện toàn bộ; chân khay cầu treo Khe Hóp đi Khe Lóng, xã Mỏ Vàng bị nước lũ phá hủy, nguy cơ mất an toàn.
Huyện Trấn Yên bị gãy cột điện đường 35KV tại xã Y Can, vỡ bể lắng Công ty Khoáng sản Tây Bắc tại xã Hưng Thịnh, còn có một số công trình chống lũ bị ảnh hưởng, gồm đê Gò Bông xã Minh Quân, cống ngăn lũ đê Cầu Đất, thị trấn Cổ Phúc, 3 công trình thủy lợi thuộc xã Hưng Khánh bị hư hỏng, sập gẫy.
Huyện Lục Yên, mưa làm sạt ta luy âm đường thôn bản Xiêng, xã Tân Lập với khối lượng đất sạt ước khoảng 500 - 600 m3. Huyện Mù Cang Chải bị đổ 3 cột điện tại xã Chế Cu Nha và 4 công trình thủy lợi bị sạt lở với tổng chiều dài là 41m. Huyện Trạm Tấu bị đổ 2 cột thông tin tại xã Trạm Tấu; 1 công trình thủy lợi xã Trạm Tấu bị hỏng cầu máng.
P.Thảo
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn