Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa nhiễm – thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM, từ đầu năm 2016 đến nay Khoa tiếp nhận 14 trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ đến điều trị, chủ yếu là dân nhập cư. Con số này tăng đáng báo động bởi rất hiếm trẻ bị nhiễm HIV nếu so với các năm trước đây.
Bác sĩ Quy cho biết, đa số các trường hợp mẹ nhiễm HIV lây sang con mà hoàn toàn không biết, được phát hiện bất ngờ khi đến bệnh viện Nhi đồng 1 khám.
Phụ nữ mang thai nếu nghi ngờ mình bị nhiễm HIV nên đi đến các trung tâm, cơ sở y tế, khoa sản các bệnh viện để được xem xét điều trị ARV từ tuần thai thứ 14 - Ảnh minh họa
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP. HCM cho biết, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện bị nhiễm HIV ngay những tuần đầu, phụ nữ mang thai nên đến các trung tâm, cơ sở y tế, khoa sản tại các bệnh viện để được tư vấn về dinh dưỡng và xem xét điều trị ARV từ tuần thai thứ 14 nhằm mục đích giảm khả năng lây truyền HIV cho con.
Sau khi sinh, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được tư vấn kế hoạch hóa gia đình, cách nuôi và chăm sóc trẻ, mẹ và con sẽ được chuyển gửi đến các phòng khám điều trị HIV ngoại trú. Em bé được chăm sóc và điều trị kịp thời giúp cải thiện sức khoẻ và tránh mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, trẻ được cấp sữa miễn phí thay thế và được xét nghiệm miễn phí vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ.
Việc thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng trên khả năng mẹ lây truyền HIV sang cho con chỉ còn khoảng 2-6%. Vì những đứa con không nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nên đi khám thai và làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.
Báo cáo mới đây của Cục chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2016 cả nước phát hiện 3.684 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó Sơn La là tỉnh đứng hàng đầu về tỷ lệ nhiễm HIV tính trên tỷ lệ 100.000 dân, tiếp theo là TP. HCM.
Mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang thay đổi từ nguyên nhân chính lây truyền qua đường tiêm chích sang nguyên nhân chính lây nhiễm qua đường tình dục.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn