30 cống nước ô nhiễm nặng xả xuống hồ Tây

Thứ bảy - 08/10/2016 11:20

30 cống nước ô nhiễm nặng xả xuống hồ Tây

Mỗi ngày hồ Tây hứng khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nhiều chỗ đen quánh vào mùa hè.

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng ban quản lý hồ Tây, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến hồ Tây ô nhiễm, như chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; khoảng 30 cống vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ và nhiều năm hồ chưa được nạo vét.

Một cống lộ thiên xả nước vào hồ Tây. Ảnh: Võ Hải.

“Cống lớn nhất xả trực tiếp ra hồ Tây được gọi với tên cũ là cống Tàu Bay (số 10 Nguyễn Đình Thi). Hàng ngày riêng cống này xả ra hồ hàng nghìn mét khối nước thải”, ông Vương nói và giải thích sự tồn tại của những chiếc cống trên là do “lịch sử để lại”.

Theo Phó trưởng ban quản lý hồ Tây, khi hồ chưa được kè, nhiều cống lớn, nhỏ được lắp đặt đổ thẳng nước thải xuống hồ. Từ khi kè hồ, việc đổ nước thải trực tiếp xuống hồ đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tồn tại khoảng 30 cống chưa được giải quyết triệt để nêu trên.

Lãnh đạo ban quản lý hồ Tây cho hay, hàng năm các cơ quan chức năng lấy mẫu nước hồ Tây nghiên cứu, quận Tây Hồ cũng triển khai đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng hồ, trong đó đưa ra cảnh báo về ô nhiễm.

Kết quả đề án cho thấy, mỗi ngày hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt; chất lượng nước hồ có chỗ đen quánh gây mùi hôi khó chịu về mùa hè; nguồn nước thải trước khi đổ vào hồ đều ô nhiễm nặng, thể hiện ở các giá trị COD, BOD, phenol…, vượt giới hạn cho phép.

Lớp bùn đáy hồ Tây có độ dày dao động từ 0,2 đến 1,5m, nhiều điểm độ dày bùn đáy hơn 1m như: khu vực gần hồ Vả, câu lạc bộ Hà Nội, cống Đõ, sau trường Chu Văn An, dốc Yên Phụ, Âu Cơ và cống Tàu Bay. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng (Pb, Cu, Hg) vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần, ảnh hướng lớn đến hệ sinh thái hồ.

Thành phố Hà Nội đã cho lắp đặt hệ thống sục khí công suất lớn vào chiều 7/10 để bơm oxy cho sinh vật sống ở hồ Tây. Ảnh: Võ Hải.

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây với khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước hồ Tây cho thấy “toàn bộ nước mặt hồ Tây không có oxy”.

Cùng các đơn vị nghiệp vụ của Hà Nội, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Công an phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết. 

Trả lời VnExpress, chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề nêu nhận định nước hồ Tây bị ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt hoặc hóa chất khu công nghiệp, các độc tố trong nước thải hút hết oxy trong nước.

Ông Tề cho rằng, chất thải đổ xuống hồ quá nhiều, vượt mức cho phép khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Chuyên gia thủy sản đề nghị Hà Nội có biện pháp ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng cống xả thải trực tiếp xuống hồ Tây.

Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.

Nghiên cứu của quận hồ Tây cho thấy, hệ sinh thủy sinh vật hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun…), 12 loài giáp xác, 46 loài cá, trong đó có 15 loài thuộc nguồn gốc cá tự nhiên.

Về loài chim: có loài lele hiện còn khoảng 50 cá thể; sâm cầm chưa phát hiện trong quá trình điều tra…

Phạm Hương - Võ Hải

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây