Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim khiến hàng trăm nghìn người tử vong hoặc bị tàn phế…
Theo TS.Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ. Điều đáng lo ngại là trong số người mắc bệnh tăng huyết áp, có tới 60% chưa phát hiện được bệnh và hơn 80% chưa được điều trị.
Tại Viện Tim mạch Việt Nam, BS.Dương Ngọc Long cho biết, khảo sát mới nhất của Viện tại 1.179 xã, phát hiện 1/3 số bệnh nhân tăng huyết áp trong số hơn 2,2 triệu người khám sàng lọc. Trong đó, số người mới phát hiện lần đầu chiếm 50%. Đây là con số đáng báo động vì người dân còn thiếu kiến thức về bệnh tăng huyết áp.
Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là 1 bệnh lý tiến triển âm thầm, có thể gây rất nhiều biến chứng khác nhau, khiến người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim,… ở não như xuất huyết não, nhũn não… ở thận như phù, suy thận và một số biến chứng khác về mắt, mạch máu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Chỉ một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng.
Đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh tăng huyết áp thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì khác biệt so với người bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, hoặc biết nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường.
Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng. Người bị tăng huyết áp nên thường xuyên đo ít nhất là 3 lần/tuần.
Mọi người nên thay đổi lối sống, điều này được ví như điều trị không dùng thuốc nhưng đạt nhiều mục tiêu như phòng ngừa bệnh tăng, hạ huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Các biện pháp thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục hàng ngày, hạn chế rượu, muối, nước mắm khi nấu ăn, không hút thuốc lá…
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn