Khổ sở với những cơn đau lạ

Thứ bảy - 17/09/2016 15:51

Khổ sở với những cơn đau lạ

Theo Hội Đau TP HCM, kết quả khảo sát 1.100 người dân (18 tuổi trở lên) trên địa bàn TP cho thấy hơn 30% bị đau, ảnh hưởng xấu đến cảm xúc và công việc

Đau là một cảm giác khó chịu với mọi người, khiến cơ thể bị bào mòn về thể lực và tâm lý. Dù họ đã điều trị nhiều nơi, nhiều thầy thuốc với những phương pháp khác nhau nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Mọi lứa tuổi đều bị

Bị cơn đau lạ hành hạ gần nửa năm, anh T.Đ.T (37 tuổi, nhân viên văn phòng) chán nản vô cùng. Bệnh của T. có tên là “đau thần kinh thẹn” khiến anh đau vùng bẹn rất nhiều, lan xuống phần trong đùi, đến bộ phận sinh dục và bỏng rát cả hậu môn. Dù anh đã điều trị nhiều phương pháp nội khoa, chích phong bế thần kinh thẹn, kể cả ra nước ngoài phẫu thuật nhưng bệnh không giảm mà càng đau dữ dội hơn.

Khi T. đến khám tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ xác định do trải qua nhiều thủ thuật xâm phạm và việc tuân thủ điều trị chưa tốt nên tâm lý anh bị tác động tiêu cực. Anh được chỉ định điều trị lại từ đầu bằng phác đồ đa mô thức.

Bác sĩ Nguyễn Minh Anh đang khám cho một người bệnh

Trong khi đó, bà V.N.Y.T (45 tuổi, nội trợ) thường đau bụng dưới dữ dội, đã khám phụ khoa, kiểm tra tổng quát, nội soi, chụp cộng hưởng từ (MRI)... mà không phát hiện bất thường gì ngoài một cơn đau lạ được chẩn đoán là “đau đám rối tạng”. Bà T. được chỉ định điều trị bằng phương pháp đa mô thức, áp dụng liệu pháp tâm lý, nâng liều thuốc tối đa để giảm đau. Phải mất 6 tháng sau, cơn đau của bà mới thuyên giảm.

Đây chỉ là các trường hợp khốn khổ điển hình bởi những cơn đau lạ không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân phải dùng đến phương pháp tâm lý trị liệu kết hợp với thuốc men mới kiểm soát được bệnh.

Theo TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng Đơn vị chuyên sâu về điều trị đau BV Đại học Y Dược TP HCM, BV thường tiếp nhận những trường hợp bệnh lạ liên quan đến đau mạn tính. Những người bệnh này phải trải qua các cơn đau buốt khó chịu, dai dẳng. Họ đã đến rất nhiều bác sĩ khám và điều trị nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Có người bị hành hạ hơn 10 năm, phẫu thuật rất nhiều lần, tốn kém chi phí nhưng vẫn không thoát được cơn đau kỳ lạ. Người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mạn tính nhưng nhiều nhất là trên 40 tuổi.

Bệnh nhân mất kiên nhẫn

Theo giới chuyên môn, đau là một cảm giác khó chịu với sự tổn thương rõ ràng hay tiềm tàng của các mô. Không chỉ khổ sở vì đau, nhiều người còn thường xuyên mất ngủ, trầm cảm nặng. Trong đó, đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, lặp đi lặp lại nhiều lần làm bào mòn thể lực và tâm lý.

Nguyên nhân của các cơn đau mạn tính rất phức tạp, nếu không điều trị đúng sẽ chuyển thành bệnh lý và rất khó chữa trị dứt điểm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những loại đau mạn tính thường gặp gồm: Đau cột sống (90% dân số sẽ gặp một lần trong đời), đau khớp (tỉ lệ mắc gia tăng do tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và thoái hóa khớp tăng dần theo độ tuổi), đau đầu (ngày càng gia tăng do áp lực cuộc sống trong xã hội hiện đại), đau sau Zona (loại bệnh đặc thù của đau mạn tính, thời gian điều trị kéo dài), đau sau tai biến (thường gặp ở người bệnh bị đột quỵ)...

Kết quả khảo sát của Hội Đau TP HCM với 1.100 người dân tại TP gần đây cho thấy có đến 30,73% bị đau, ảnh hưởng xấu tới cảm xúc và công việc của họ. Tỉ lệ đau nhiều là ở các nhóm: nữ, người cao tuổi, thất nghiệp, hưu trí, học vấn thấp, thu nhập thấp, phụ nữ đông con. Vị trí đau phổ biến là ở khớp gối, thắt lưng, đầu, mặt.

ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổng Thư ký Hội Đau TP HCM, cho biết trên 50% bệnh nhân bị đau từ mức độ vừa đến dữ dội. Trong đó, hơn phân nửa tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị; khoảng 1/3 chưa hài lòng về kết quả điều trị.

Theo các chuyên gia, do đau mạn tính có nhiều nguyên nhân, liên quan đến nhiều chuyên khoa nên việc điều trị phải kết hợp nhiều phương pháp (phương pháp đa mô thức) và người bệnh cần được hỗ trợ, tư vấn về tâm lý. Bác sĩ Minh Anh cho biết tùy tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được điều trị từng bước, từ bằng thuốc, vật lý trị liệu đến các thủ thuật và phẫu thuật, song hành với các biện pháp tâm lý thích hợp.

“Tâm lý của người bệnh thường muốn khỏi đau càng sớm càng tốt nên đa số không kiên nhẫn. Họ thường tìm đến bác sĩ khác khi thấy bệnh không thuyên giảm. Vì vậy, để điều trị đau hiệu quả, người bệnh cần kiên nhẫn, tin tưởng bác sĩ, không tự ý bỏ điều trị” - một bác sĩ khuyên.

Chưa tập trung điều trị toàn diện

Theo giới chuyên môn, loại hình điều trị đau rất phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam, người dân vẫn chưa biết và chưa quan tâm nhiều. Hiện nay, ngành y tế nước ta mới dừng lại ở điều trị lành bệnh, chưa tập trung nhiều vào điều trị toàn diện. Chẳng hạn, một người bệnh được phẫu thuật điều trị đến khi hết bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, vết sẹo sau mổ làm người bệnh đau nhức một thời gian rất dài.

Xu hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện và việc điều trị đau, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như gia đình là một nhu cầu tất yếu.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây