Không ít người mong muốn năm mới “sức lực mới” nên đã cấp tập bồi bổ bằng các loại đồ ăn, thức uống “tăng lực”. Tuy nhiên, khỏe chưa thấy mà đối tác đã gặp nạn, từ chỗ đang “thường thường bậc trung” lại chuyển sang “tắt máy”.
Săn thuốc cho chồng
Năm nay, anh Trần Văn Quyết (Hà Nội) hy vọng có thể khỏe như… Gà. Anh kể, hồi trẻ khi “lâm trận”, anh cũng đủ sức làm mưa làm gió. Nhưng sau 15 năm cưới nhau, tuổi cũng đã hai lần 20 nên sức cứ đuối dần. Đã thế, công việc lại căng thẳng nên chuyện vợ chồng, yêu đương càng ngày càng thưa vắng. Vì thế, chị Bình - vợ anh- cũng có chút sốt ruột. Nghe ai đó mách những bài thuốc ngâm rượu giúp bổ thận, tráng dương, chị Bình cũng tìm cách săn lùng về cho chồng bằng được.
Bia rượu, nhậu nhẹt quá đà chỉ khiến đàn ông ngày càng yếu (Ảnh minh họa)
Chỉ riêng rượu bổ cũng chiếm cả góc nhà. Những thứ rượu thường thường như ngũ xã, ba kích, mật gấu rồi đến bao tử dê, bìm bịp… Chị Bình còn gửi người vào tận Tây Nguyên để mua ít thang thuốc ngâm rượu của ông già Amakong nổi tiếng. Nghe “truyền thuyết” thì ông già này đến 90 tuổi còn “chiến đấu”, cưới vợ trẻ nên chị Bình cũng hy vọng chồng có thể “tái xuân”, quay trở về tuổi đôi mươi khi dùng rượu. Nhưng thấy chồng uống mãi vẫn chưa đâu vào đâu, chị Bình lại tìm đến các loại rượu “độc” hơn.
Lại nghe rộ lên các tin tức về việc dùng huyết lình (máu của khí cải) sẽ khiến đàn ông cải thiện chuyện ấy , chị Bình cũng ra tận đảo khỉ mua về, ngâm rượu. Sợ chồng không dám uống nên chị cũng không dám thật thà khai nhận mà chỉ nói ngâm tiết dê… Đã vậy, chị Bình còn thường xuyên chế biến các món bổ dưỡng cho “chuyện ấy” như trứng trần, gà ác tiềm, chim sẻ hầm thuốc bắc, hàu sống… để bồi bổ cho chồng.
“Mình vốn mê nhậu nhẹt, lại có vợ chu đáo ngâm rượu cho uống, chế biến món nhậu thì còn gì vui bằng. Vì thế, chưa cần bà xã giục, ngày nào mình cũng làm đôi cốc. Có khi còn rủ bạn về nhà uống tới bến. Nhưng ai học được chữ ngờ…” – anh Quyết kể lại.
Thời gian đầu uống rượu, anh Quyết cũng thấy mình hăng hái giường chiếu hơn xưa. Nhưng càng đến gần năm mới, anh càng cảm thấy đuối. Trước mỗi tuần “trả bài” được đôi lần thì nay vài tuần mới vun vén “giao ban” 1 bận. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn cho là rượu “chưa ngấm”. Đến mùng 1 Tết, sau một thời gian dài mệt mỏi vì quá bận bịu đi lễ lạt, nhậu nhẹt tất niên, anh Quyết dự định sẽ “mừng năm mới” với vợ cho ra tấm ra món. Ngay từ chiều, anh Quyết đã uống vài loại rượu ngâm. Tinh thần phấn chấn, sức Xuân hừng hực nên đến lúc xung trận, mọi sự đều trôi chảy. Chị Bình vợ anh cũng nóng bỏng phối hợp với chồng. Tuy nhiên, đương cơn phấn khích, bỗng dưng anh Quyết mệt rũ, mồ hôi đầm đìa, gần như ngất xỉu.
Cũng may chị Bình nhanh trí, không ngần ngại gọi người nhà vào cứu giúp, nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết anh Quyết bị nhồi máu cơ tim, may mà đi cấp cứu kịp nên đã không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, không chỉ anh mà cả gia đình đều phải “ăn tết” trong bệnh viện. Không chỉ nhồi máu cơ tim suýt chết, anh Quyết còn mắc đủ các loại bệnh mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, gút… Sau khi nghe về “tiền sử” dùng rượu của anh Quyết, các bác sĩ chỉ biết lắc đầu, bảo rằng anh đã quá cân, lại bị huyết áp cao, nếu cứ “nhồi” rượu như vậy thì tử thần sẽ rước đi sớm chứ đừng mong có thể khỏe để làm gì cho “ra tấm ra món”.
Dễ mất “cả chì lẫn chài”
GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, Trung tâm Nam khoa –Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, cho biết suy nghĩ “ăn gì bổ nấy” của nhiều người rất nguy hiểm. Mỗi trường hợp yếu sinh lý đều có nguyên nhân, bệnh lý riêng. Phải đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân, khi đó mới kê đơn thuốc và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Có nhiều ca “mất hứng” là do vấn đề tâm lý, lúc đó lại phải cởi bỏ tâm lý thì mới phục hồi được “nguyên trạng”. Quan trọng nhất là sự chia sẻ cởi mở giữa hai vợ chồng để tìm nguyên nhân, đồng thời tìm cách “tiếp cận” mới lành mạnh và khoa học nhằm khơi gợi cảm hứng yêu đương. Theo GS Hiếu, trong chuyện tình dục, một chút rượu giúp đàn ông tăng hưng phấn chứ không phải là thần dược biến thư sinh thành lực sĩ. Còn nếu dùng quá nhiều rượu sẽ khiến đàn ông “hưng phấn ảo”, cơ thể sẽ lại mệt mỏi, rệu rã, nếu “chiến đấu” quá hăng hái sẽ có nguy cơ bị kiệt sức, ngất xỉu ngay trên người vợ. “Việc dùng rượu lâu ngày không giúp đàn ông khỏe mà còn tiêu diệt lượng nội tiết tố sinh dục nam testoterone khiến nhu cầu tình dục của đàn ông giảm theo” – GS Hiếu nói.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng- phòng khám Nam Khoa, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng- cũng khẳng định một chút rượu có thể khiến khí huyết lưu thông, “chiến binh” trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng nhiều rượu thì lại là độc dược chí mạng. Đó là chưa kể một loạt các loại bệnh nguy hiểm kéo theo khi đấng màu râu dùng quá nhiều rượu trong một thời gian dài như cao huyết áp, gút, xơ vữa động mạch, dạ dày, xơ gan… “Cơ thể không khỏe thì chẳng cái gì khỏe, bao gồm cả “cậu nhỏ”. Đó là chưa kể các loại rượu thuốc còn có thể “đánh nhau”, gây ngộ độc.
Nguy cơ từ rượu ngâm động vật
Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), ăn gì, uống gì cũng phải dựa theo chẩn đoán bệnh tật, chứ không thể nghe kinh nghiệm truyền miệng rồi áp dụng. Nếu ăn các loại bổ dưỡng, uống nhiều loại rượu bổ dương tùy tiện rất dễ lợn lành chữa thành lợn què. “Một ông yếu vì tiểu đường, mỡ máu cao mà lại cho ăn thêm đồ ăn thức uống bổ dưỡng thì bệnh sẽ càng nặng. Một ông bị bệnh gút lại cho ăn nhiều hải sản thì đến đi còn chả vững chứ đừng nói là “chiến đấu”. Còn đã huyết áp cao, xơ vữa động mạch mà uống rượu, ăn chất bổ thường xuyên, béo phì thì chỉ đuối chứ khó có thể khỏe” – Lương y Trung cho biết.
Ngoài ra, ông Trung cũng nhấn mạnh, các loại rượu ngâm động vật có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, dễ nhiễm nấm mốc, vi sinh vật nguy hại cho sức khỏe con người. Đó là chưa kể uống phải rượu, ăn thức ăn lạ gây ngộ độc, dị ứng như rắn rết, bọ cạp, nhộng… “Muốn uống rượu bổ thì các quý ông cần đi khám đông y để được kê đơn, bốc thuốc ngâm rượu tùy theo thể trạng” – lương y Trung khuyến cáo.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn