Suýt chết vì vitamin C
Chị Nguyễn Thị Dịu trú tại Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, cả nhà chị lúc nào cũng nghiện C sủi. Ngày nào chị cũng uống 1 – 2 viên vì nghĩ đây là cách bổ sung vitamin C tốt. Mặt khác, các con chị cũng thích sử dụng nó.
Cháu trai, con đầu của chị năm nay đã 15 tuổi. Lọ C sủi cháu chỉ dùng 2 – 3 ngày là hết veo. Con gái nhỏ cũng thích dùng, bố mẹ cho tiền là cháu lăm lăm đi mua C sủi về uống.
Đến khi chị Dịu đi khám vì có cảm giác đau lâm râm bụng, chị hỏi bác sĩ về việc sử dụng C sủi như cách chị đang dùng có ổn không, bác sĩ giật mình vì đó là cách làm nguy hiểm, có thể gây đau dạ dày và sỏi thận.
Còn trường hợp chị Vũ Thái Thanh trú tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội từng bị sốc phản vệ phải cấp cứu vì tiêm vitamin C làm đẹp. Chị Thanh nhớ lại, năm 2013 chị bị sạm da, nám da nên chị thử tiêm vitamin C để làm trắng da.
Tiêm xong nửa tiếng chị bắt đầu có dấu hiệu vã mồ hôi, tay chân lạnh. Chị nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. May mắn dấu hiệu sốc phản vệ của chị nhẹ nên không nguy hiểm tới tính mạng.
Nói về tiêm vitamin C làm đẹp, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây thực sự là việc làm nguy hiểm. Ông đã từng chứng kiến một đồng nghiệp của mình tử vong sau khi tiêm vitamin C làm đẹp. Dù là bác sĩ nhưng vẫn bị chết vì sốc phản vệ do tiêm vitamin C, điều này thực sự là hồi chuông cảnh báo tới các tín đồ mê muội tiêm vitamin C làm đẹp.
Nguy cơ sỏi thận nếu bổ sung vitamin C quá đà
PGS Dũng cho biết vitamin C có từ lâu, tuy nhiên trong những năm gần đây người ta nói nhiều về tác dụng của vitamin C, bác sĩ cũng có phác đồ điều trị bổ sung vitamin C. Việc bổ sung là đúng nhưng vẫn phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mỗi người tự ý bổ sung vitamin C theo mỗi cách khác nhau, rất nguy hiểm. PGS Dũng cho rằng, kể cả người khoẻ, cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi từ chỗ cung cấp vitamin C đáng lẽ có lợi thì sẽ thành có hại.
Sử dụng vitamin C có hại khi dùng liều lượng quá cao gây thừa vitamin C, gây tác hại quá liều hấp thu từ ruột vào, tăng lượng canxi máu cao gây sỏi thận. Khi bị sỏi thận không dễ chữa, ngoài ra còn nhiều tác hại khác như đau dạ dày nếu uống vitamin C lúc đói, sử dụng nhiều C sủi dù đào thải ra ngoài nhưng vẫn hại thận.
PGS Dũng cho biết, hiện nay 1 số bệnh viện ở phương tây họ có quy định rõ ràng. Gần đây nhất khuyến cáo của Bệnh viện Mayo clinic nên cho trẻ con nên uống bao nhiêu, phụ nữ uống bao nhiêu, phụ nữ có thai uống bao nhiêu, đàn ông uống bao nhiêu, người văn phòng uống bao nhiêu... Tất cả đều có quy định rõ, thời gian như thế nào. Có người uống nhiều, người uống ít. Tất cả những cái đó rất chi tiết chứ không phải cứ uống vitamin C đều được.
Những trường hợp đã ăn uống đầy đủ thức ăn lẫn hoa quả, rau củ... tức là đã có đủ vitamin C, không cần bổ sung thêm.
Vitamin C nếu bổ sung, tốt nhất cho những trường hợp rối loạn hấp thu. Trong 1 số trường hợp họ muốn đưa 1 lượng vitamin C nhiều để chữa bệnh lý đặc biệt, có thể dùng đường tiêm. Tuy nhiên việc tiêm này cũng rất thận trọng vì có thể tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vitamin C như những trường hợp trên.
PGS Dũng cho biết với người lớn một ngày 1 viên dưới 2gram dùng trong 1 tháng trở lại; Trẻ em từ 5 tuổi trở lên dưới 1 gram, dưới 5 tuổi dưới 500 mg/1 ngày. Đây là ngưỡng an toàn hàng ngày. Nếu bổ sung ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu bạn bổ sung từ 3 tháng trở lên dứt khoát phải có tư vấn của bác sĩ.
Ngoài ra, PGS Dũng cho rằng nếu người sức khỏe bình thường không cần thiết bổ sung. Trường hợp bệnh nhân thiếu máu, suy dinh dưỡng, ung thư, ngộ độc mãn, ăn kém thì mới bổ sung vitamin C. Khi bổ sung cần cân nhắc khối lượng vì trong nhiều thực phẩm chức năng có vitamin tổng hợp và khối lượng có thể giao động sai số rất cao không như dược phẩm nên cẩn trọng tránh bị thừa. Người bổ sung vitamin C không uống lúc đói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn