Bác sĩ bị “anh Chí” đánh
PGS. TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, gắn bó với trung tâm chống độc từ những ngày đầu tiên. Ông không thể nào quên những ca cấp cứu người ngộ độc rượu, trong đó không ít những ca "Chí Phèo" khiến cả bác sĩ và bệnh nhân điều trị ở đó đều bất bình.
Trường hợp một nhóm thanh niên từ 18 đến 20 tuổi hùng hùng, hổ hổ lao vào khoa đòi cấp cứu với lý do rắn cắn. Họ dìu 1 người bạn đang say lướt khướt vào cấp cứu với lý do sau khi uống rượu rắn, nam thanh niên này ra trêu rắn trong lồng, thò ngón tay trỏ qua lưới mắt cáo và bị rắn đớp trúng ngón tay.
Chàng nạn nhân khật khưỡng chìa ngón tay vào mặt bác sĩ đề nghị “tháo khớp cho tôi nhanh lên”. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên ngồi xuống để bác sĩ khám. Chẳng ngồi và không cần biết bác sĩ đang nói gì, anh ta nằng nặc đòi bác sĩ phải tháo khớp cho anh ta và lè nhè: Có tháo khớp ngay không thì bảo!
Giữa 1 tốp thanh niên khoảng chục người tràn vào đầy phòng khám, nồng nặc mùi rượu, dăm người hùng hổ đòi tháo khớp cho bạn mình, bác sĩ trực bình tĩnh xem xét kỹ ngón tay và giải thích rằng con rắn chưa mổ trúng ngón tay anh ta.
Rắn hổ mang mổ trúng thì ngón tay sẽ phải sưng phù và tím. Nhưng ngón tay bệnh nhân không có vết rắn cắn cũng không sưng, không tím. Giả sử có bị sưng phù do rắn cắn thì bệnh viện cũng không chữa bằng cách tháo khớp.
“Bây giờ mời anh lưu tại đây để chúng tôi theo dõi...” vừa nói bác sĩ vừa ngồi xuống ghế cạnh bàn khám để ghi bệnh án thì bất ngờ, bệnh nhân đấm luôn váo đầu bác sĩ trước sự chứng kiến của nhiều người.
“Tôi đứng lên, cổ họng nghẹn đắng nhưng bất động vì đang không biết làm gì với chàng Chí Phèo này. May mắn là có 2 người trong tốp thanh niên chắc vốn còn tỉnh táo chút ít, đã ôm người đó lôi ra ngoài và nói “Thôi, ở đây bọn nó không tháo khớp thì mình sang bệnh viện khác”.
Cả đám thanh niên lại ồn ào đùng đùng kéo ra đường cũng nhanh như khi vào” - PGS.TS Phạm Duệ nhớ lại.
PGS Duệ cho hay, rượu tác động đến thần kinh gây rối loạn nhân cách, biến họ thành những người mà ai cũng lắc đầu “không chấp”, có giải thích cũng không thể.
Xơ gan vẫn đòi ăn tiết canh
Trường hợp của bệnh nhân Trương Văn V. 45 tuổi, trú tại Thanh Hoá thì khác. PGS Duệ cho biết bệnh nhân này nhập viện vì các triệu chứng xơ gan cổ chướng do nghiện rượu lâu năm. Dù đã bị xơ gan, vàng da, bụng chướng lên, bệnh nhân vẫn đòi uống rượu và ăn tiết canh lợn.
Không được uống rượu và ăn tiết canh, anh ta quay ra đòi ăn tiết luộc. Người nhà không dám cho ăn vì mới ăn hôm trước và bị đi ngoài. Không được như ý anh ta chửi, cầm dao đuổi cả vợ và con ra ngoài.
Vợ con đi rồi anh ta quay ra quậy phá, lấy dao cắt xé drap trải giường. Bác sĩ phải khuyên răn đủ kiểu nhưng anh ta vẫn tiếp tục quậy và nói "Chúng mày vào hùa không cho ông ăn thì ông phá hết".
Bác sĩ đành nhờ người đi mua tiết luộc về thì anh ta lại quay đi không thèm đụng đũa.
Hầu như ở đây, để chăm sóc những bệnh nhân là “Chí Phèo” các bác sĩ đã quá quen. Họ không chỉ cấp cứu, điều trị mà còn trở thành các chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ nịnh nọt bệnh nhân đủ kiểu để họ hợp tác và không gây ảnh hưởng tới bệnh nhân khác.
Nói về tác hại của rượu, PGS Duệ cho biết, uống rượu không chỉ gây ra các bệnh về gan mà nguy cơ ngộ độc cấp methanol cũng rất cao.
Hầu như tháng nào, đặc biệt vào các dịp lễ tết, trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu vài bệnh nhân bị ngộ độc rượu, methanol.
PGS Duệ cho biết ngộ độc ethanol không nguy hiểm như methanol (cồn công nghiệp) tuy nhiên nếu uống quá nhiều cũng gây ngộ độc rượu cấp tính, truỵ mạch và tử vong.
Ngộ độc rượu cấp gây rối loạn hành vi nhân cách, nhẹ thì la hét cười nói huyên thuyên, chửi bới, gây gổ đánh nhau với bạn nhậu và những người xung quanh. Nặng hơn thì có thể hôn mê, suy hô hấp, trụy mạch, nếu không cứu chữa kịp thời thì tử vong.
Ngộ độc rượu mạn tính (nghiện rượu lâu dài) gây ra 2 bệnh: Xơ gan cổ trướng và bệnh não do rượu (suy giảm trí nhớ và nhân cách).
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn